Cao tốc 34.500 tỷ vừa vá xong đã hỏng: Vá tiếp!

Những chỗ gặp sự cố sẽ được vá đi vá lại nhiều lần để đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian chờ nhà thầu sang sửa chữa.

Khó liên lạc với nhà thầu

Ngày 12/10/2018, trao đổi với Đất Việt về những vị trí hư hỏng trên tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng đã được khắc phục nhưng chỉ sau vài ngày vẫn xảy ra hiện tượng nún, lứt, bong tróc, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đường bộ III (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) khẳng định: "Sẽ tiếp tục vá tiếp, vá đè lên trong thời gian tới".

Theo ông Bình, việc khắc phục hư hỏng trên tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng thời gian qua chỉ là giải pháp tạm thời trong thời gian chờ nhà thầu đến bảo hành theo hợp đồng đã ký.

Một vị trí vừa được vá xong bị hư hỏng, đọng nước trở lại.

"Sau khi thi công xong nhà thầu đã rút hết về nước nên việc liên lạc, yêu cầu họ sửa chữa gặp khó khăn. Hiện chúng tôi đã liên lạc được với nhà thầu, họ cam kết chậm nhất đến ngày 20/10/2018 sẽ sang sửa" - ông Bình cho biết.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý Đường bộ III đã chỉ đạo nhà đầu tư là Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) phối hợp cùng với chuyên gia làm rõ nguyên nhân những vết lún, nứt xảy ra trên đoạn đường cao tốc 34.500 tỷ đồng.

Liên quan đến sự việc, ngày 12/10/2018, Hội đồng thành viên VEC đã tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với Tổng giám đốc về trách nhiệm phụ trách trực tiếp dự án Đà Nẵng – Quảng Ngãi và công tác quản lý vận hành bảo trì dự án. Tổng giám đốc không nghiêm túc thực hiện Nghị quyết của hội đồng thành viên để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Tổng giám đốc VEC phải tổ chức kiểm điểm Ban Quản lý dự án và Giám đốc Ban, do chậm tổ chức sửa chữa các hư hỏng mặt đường, cung cấp thông tin báo chí không đầy đủ, kịp thời, né tránh trách nhiệm.

Không dễ đâu!

Việc vá "ổ gà; ổ voi" trên đường cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng chỉ sau vài ngày lại tiếp tục gặp sự cố không nằm ngoài dự tính của nhiều chuyên gia giao thông. Bởi, nguyên nhân gây ra các hố này nằm ở việc xử lý cốt nền.

"Việc rải bê tông nhựa đè lên như ném đá ao bèo, đổ xong lại lún, miệng hố càng ngày càng rộng ra..." - TS Nguyễn Quang Thanh - Đại học GTVT Hà Nội cho biết.

Lớp nhựa tạo nhám VTO dày 3cm của mặt đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nhìn bằng mắt thường không được kín nhựa.

Nhìn vào những bức ảnh mà báo chí đang tải, ông Thành nhận định nguyên nhân dẫn đến hư hỏng trên tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng sau 1 tháng thông xe đến từ cốt nền và chất lượng vật liệu.

"Cốt nền yếu không được xử lý tốt sẽ tạo ra sự nún, nứt. Đây là điều lo ngại và tốn kém nhất của bất kỳ công trình nào. Để khắc phục yếu tố cốt nền thì phải bóc hết cả mặt đường lên như làm mới lại từ đầu. Nói chung là không dễ đâu...

Nhìn một số chỗ mặt đường không đảm bảo độ mịn, lớp nhựa gắn kết đá lại với nhau thì tôi khẳng định chắc chắn một phần nguyên nhân đoạn đường hư hỏng sớm là do chất lượng kém. Mặt đường không có sự liên kết với nhau nên dễ bị ngấm nước, bẻ gẫy" - ông Thanh cho hay.

TS Trần Văn Thảnh - Viện Công nghệ Xây dựng nhận định, đến ngày 20/10/2018 nhà thầu không thể khắc phục xong các sự cố trên tuyến đường cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng.

"Nếu có khắc phục thì cũng chỉ là làm tạm thời bởi chưa tìm ra được nguyên nhân thì các giải pháp giải quyết bây giờ chỉ là vá víu" - ông Thanh nói.

Vị chuyên gia này cho biết, nếu nguyên nhân đến từ khâu thiết kế thì nhà thầu dù có làm đúng như trong hợp đồng đi chăng nữa thì vẫn xảy ra hư hỏng. Như thế, đơn vị thiết kế phải chịu trách nhiệm.

"Thiết kế giống như khung xương của con người, thiết kế không chuẩn cũng giống như xương bị dị tật và con người phải sống cả đời trong sự chắp vá" - ông Thảnh bày tỏ.

Vân Tùng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/cao-toc-34500-ty-vua-va-xong-da-hong-va-tiep-3367195/