Cao tốc 34 nghìn tỉ sửa chữa chắp vá: Câu chuyện của năm?

Câu chuyện về nhà hát Thủ Thiêm vẫn chưa hết nóng thì vấn đề cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có vốn đầu tư hơn 34.000 tỷ đồng chỉ sau một tháng thông xe đã xuất hiện dấu hiệu xuống cấp, thu hútsự quan tâm của đông đảo người dân, đặt ra những câu hỏi về chất lượng thi công công trình.

Xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là dự án giao thông trọng điểm được khởi công giữa năm 2013 với tổng mức đầu tư là 34.516 tỷ VNĐ. Tuyến đường có chiều dài 139,204km, trải qua địa phận 3 tỉnh/thành phố quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Nhà thầu thực hiện dự án gồm: Liên danh Oriental Consultants Co.,Ltd. (Nhật Bản) - Katahira Engineers International (Nhật Bản) - SMEC International Pty, Ltd (Australia) là Tư vấn giám sát thi công đoạn tuyến hợp phần JICA tài trợ.

Ngày 2/9/2018 vừa qua, chủ đầu tư và nhà thầu thi công đã tiến hành thông xe toàn tuyến. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy một tháng, trên một số đoạn của tuyến đường đã xuất hiện rất nhiều ổ gà, ổ voi… gây khó khăn cho hàng loạt xe cộ qua lại.

Điều đáng chú ý là trước đó, vào tháng 8/2017, VEC đã thông xe kỹ thuật và đưa vào khai thác 65km đoạn tuyến cao tốc Đà Nẵng - Tam Kỳ, từ Km0+000 đến Km65+000.

Ngay trong khoảng thời gian này trên tuyến đường cũng đã xuất hiện tình trạng hư hỏng mặt đường, lún võng đầu cầu, ổ gà, nứt vỡ mặt đường, hư hỏng hệ thống hàng rào B40, đường gom… Cho đến nay đã tròn một năm, những hư hỏng lại tiếp tục xuất hiện, gây bức xúc cho người dân cũng như khiến cho những nghi vấn được đặt ra về trách nhiệm bảo hành của nhà thầu cũng như cần phải xem xét lại chất lượng tuyến cao tốc.

Điều khiến dư luận thắc mắc là nếu không đảm bảo tại sao vẫn được thông xe, , lỗi rành rành đã nhìn thấy trên mặt đường có thể hiện chất lượng bên trong công trình, dù đầu tư lên tới hàng chục nghìn tỷ?

Theo đại diện đơn vị quản lý và khai thác đoạn tuyến cao tốc Đà Nẵng - Tam Kỳ, đến thời điểm này, những hư hỏng nói trên đã được đơn vị khắc phục, trám vá và xử lý sơ bộ. Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế, các vết trám được làm thủ công, lại tiếp tục bong tróc nhựa đường, báo hiệu sự xuống cấp vẫn tiếp diễn, cũng có nghĩa là nhà thầu thi công đã khắc phục không đến nơi đến chốn.

Theo quy định, bên thi công có trách nhiệm bảo hành trong 3 năm, nghĩa là khi mặt đường có dấu hiệu hư hỏng, nhà thầu phải kiểm tra, đánh giá mức độ và thực hiện các biện pháp kỹ thuật như bóc dỡ và thảm lại mặt đường bê tông nhựa, để xử lý triệt để các vị trí hư hỏng cục bộ.

Sự chậm trễ và thiếu trách nhiệm, hết lần này đến lần khác của nhà thầu thi công đã dẫn tới quyết định tạm dừng thu phí toàn tuyến đường cao tốc từ 0h ngày 12/10/2018 để khắc phục triệt để các hư hỏng.

Bất kỳ con đường nào khi thiết kế cũng phải tính đến yêu cầu tối thiểu cấp đường, quy mô xe tải nặng, lưu lượng xe chạy và phù hợp với điều kiện thời tiết nắng nóng, ngập nước, mưa bão...Vì vậy, bên nhà thầu lấy lí do thời tiết mưa nhiều và tải trọng xe lớn để lấp liếm là không thể chấp nhận được.Thực ra chuyện cũng không có gì lạ, vì cứ nhìn câu chuyện cầu Thăng Long giữa thủ đô bao năm nay thì rõ, chi hàng chục tỷ đồng sửa chữa hết lần này đến lần khác, giờ mặt đường vẫn chỉ là sự vá víu, cứ xe qua lại hằn lún, rạn nứt. Kêu nhiều quá lại tốn tiền sửa, xong cũng chìm chìm.

Trái ngược với quan điểm nhà thầu, hầu hết các chuyên gia xây dựng đều khẳng định việc để xảy ra hiện tượng trên, lỗi chắc chắn nằm ở khâu thi công, có thể do bớt xén vật liệu, kĩ thuật thi công không đảm bảo, giám sát thi công “làm ngơ” với mọi khâu xây dựng tạo nên tổng thể một con đường tỷ đồng loang lổ, nhưng không may cho họ là nó “lộ” ra lỗi sớm quá.

TL

Nguồn Ôtô Xe Máy: http://www.otoxemay.vn/xe-doi-song/cao-toc-34-nghin-ti-sua-chua-chap-va-cau-chuyen-cua-nam