Cao tốc Bắc-Nam: Lãnh đạo Ban QLDA phải trực tiếp xuống hiện trường

Tại cuộc họp về tình hình triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông diễn ra chiều ngày 28/11, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu các ban QLDA phải tiếp tục bám sát công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đặc biệt đảm bảo chất lượng công trình.

Một đoạn tuyến dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua huyện Triệu Phong đang thi công. Ảnh: Báo Giao thông.

Một đoạn tuyến dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua huyện Triệu Phong đang thi công. Ảnh: Báo Giao thông.

Dồn toàn lực cho cao tốc Bắc-Nam

Báo cáo tại cuộc họp, ông Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, với đoạn Cam Lộ-La Sơn có 11 gói thầu xây lắp hiện đang triển khai thi công 2 gói, tiến độ cơ bản đảm bảo. Còn lại, 9 gói thầu đang triển khai công tác đấu thầu, dự kiến tháng 12/2019 sẽ lựa chọn xong nhà thầu cho 5 gói, đầu năm 2021 hoàn thành 4 gói cuối cùng.

Đối với dự án PPP Nha Trang-Cam Lâm, trong thời gian phát hành hồ sơ mời sơ tuyển có 23 nhà đầu tư mua hồ sơ, đến thời điểm đóng thầu có 9 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự tuyển, nhiều nhất trong 8 dự án PPP cao tốc Bắc-Nam. Công tác giải phóng mặt bằng đang bám sát kế hoạch của Bộ GTVT.

Ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho hay, tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án Mai Sơn - QL45 trong năm 2019 được giao giải ngân 600 tỷ đồng, đến nay đã thực hiện được 30%. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2019, hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa sẽ giải ngân hết toàn bộ 600 tỷ đồng đã được cấp, đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa hiện có nhu cầu xin thêm 200 tỷ đồng. Về công tác sơ tuyển nhà đầu tư, sau khi đóng thầu, đơn vị nhận được 2 bộ hồ sơ của các nhà đầu tư và đang tiến hành chấm thầu sơ tuyển.

Đối với dự án cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây, năm 2019, dự án được giao 1.017 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được 403 tỷ đồng, trong đó tỉnh Bình Thuận 365 tỷ đồng và tỉnh Đồng Nai 38 tỷ đồng. Tỉnh Bình Thuận giải ngân hết phần vốn đã bố trí, tỉnh Đồng Nai cũng cam kết từ nay đến cuối năm sẽ giải ngân hết. Dự án đã nhận được 3 bộ hồ sơ của các nhà đầu tư nộp sơ tuyển.

Mặc dù tiến độ được các Ban QLDA báo cáo tương đối sát với tiến độ chung, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể vẫn yêu cầu tất cả giám đốc các Ban QLDA phải trực tiếp xuống hiện trường, nắm chắc tiến độ giải phóng mặt bằng của địa phương.

“Các đồng chí phải xuống hiện trường. Cứ báo cáo chung chung thì không thể so sánh được. Tôi yêu cầu Giám đốc các Ban QLDA phải chịu trách nhiệm toàn bộ. Tư vấn có góp ý gì, Cục Quản lý xây dựng thẩm tra như thế nào, chỗ nào cần xử lý đất nền, mỏ vật liệu ở đâu, đường công vụ chỗ nào…các đồng chí có nắm được không?”, Bộ trưởng kiên quyết.

Người đứng đầu ngành giao thông còn liên tục nhắc nhở các Ban QLDA về việc “phải tập trung sức lực cho dự án trọng điểm quốc gia này, bởi không có công trình nào hiện nay quan trọng hơn dự án cao tốc Bắc-Nam phía đông.

8 dự án PPP sẽ ký hợp đồng với nhà thầu trong tháng 7/2020

Ông Vũ Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (PPP) cho biết, trong tháng 10/2019, các ban QLDA đã phát hành hồ sơ mời sơ tuyển của 8 dự án PPP cao tốc Bắc-Nam.

Đến ngày 18/11/2019, các ban QLDA đã tổ chức đóng thầu toàn bộ 8 dự án.

Kết quả có 32 bộ hồ sơ dự tuyển đã được nộp, trong đó dự án ít nhất có 2 bộ hồ sơ dự sơ tuyển là Mai Sơn - QL45 và dự án có nhiều hồ sơ nộp sơ tuyển nhất là Nha Trang-Cam Lâm với 9 bộ.

Hiện, các ban QLDA đang đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, dự kiến trình Bộ GTVT kết quả đánh giá sơ tuyển trước ngày 15/12/2019.

Theo tiến độ dự kiến, trong tháng 2/2020 sẽ phát hành hồ sơ mời thầu cho các nhà đầu tư, thời gian đóng thầu dự kiến vào tháng 4/2020. Sau đó, các ban QLDA sẽ tổ chức đánh giá, làm rõ và đàm phán sơ bộ với nhà đầu tư, trình Bộ GTVT thẩm định, phê duyệt kết quả đấu thầu trong tháng 5/2020. Trong trường hợp thuận lợi có thể hoàn thành đàm phán hợp đồng với nhà đầu tư trong tháng 7/2020.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các ban QLDA “tăng cường nhân lực, làm ngày đêm, Vụ Đối tác công - tư cử người phối hợp để trong tháng 12/2019 sẽ có kết quả sơ tuyển, không kéo dài sang năm 2020”.

Đối với những dự án chỉ có 2-3 nhà đầu tư, chỉ có duy nhất 1 nhà đầu tư hoặc không có nhà đầu tư nào, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan sớm hoàn thiện báo cáo về các tình huống nêu trên để báo cáo lên Chính phủ có phương án chỉ đạo, xử lý.

“Dự án này chúng ta không chỉ quan tâm đến tiến độ mà chất lượng công trình sẽ phải được đặc biệt chú trọng. Chất lượng của dự án phải được đặt lên hàng đầu, dứt khoát không được xảy ra sai sót về mặt chất lượng của công trình trọng điểm quốc gia này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

7 dự án đang chậm tiến độ

Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông Lê Kim Thành cho hay, hiện có 7 dự án ì ạch về tiến độ gồm: Cao tốc Bến Lức - Long Thành (sản lượng toàn dự án đạt khoảng 77,46% chậm 11,63%); Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (tổng sản lượng toàn dự án đạt khoảng 17,5%, chậm - 27%); Đường sắt Cát Linh - Hà Đông (hoàn thành 99% khối lượng xây lắp); Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi (mới hoàn thành công tác tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành và dự thảo báo cáo Chính phủ tổng thể dự án và điều chỉnh hiệp định làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo); Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội (tiến độ chung dự án mới đạt trên 63% và dự kiến kéo dài đến cuối năm 2022).

2 dự án đường sắt đô thị TPHCM tuyến Bến Thành - Suối Tiên và Bến Thành - Tham Lương cũng xin gia hạn tiến độ.

Phan Trang

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/cao-toc-bacnam-lanh-dao-ban-qlda-phai-truc-tiep-xuong-hien-truong/381311.vgp