Cấp bách bảo tồn đàn voọc 50 con ở Quảng Nam

UBND tỉnh Quảng Nam vừa phối hợp với Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) và một số đơn vị tổ chức hội thảo Tham vấn thực hiện đề án bảo tồn loài voọc chà vá chân xám (CVCX) ở xã Tam Mỹ Tây (H. Núi Thành) giai đoạn 2019-2028. Theo báo cáo tại hội thảo cho thấy, hiện khu vực trên có khoảng 50 con voọc CVCX sinh sống trong diện tích khoảng 30ha, kinh phí thực hiện công tác bảo tồn trên là 100 tỷ đồng. Như vậy, một con voọc CVCX tại đây được đầu tư kinh phí bảo vệ lên đến 2 tỷ đồng.

Voọc CVCX được phát hiện tại xã Tam Mỹ Tây.

Voọc CVCX được phát hiện tại xã Tam Mỹ Tây.

Tại hội thảo, ông Trần Hữu Vỹ - Giám đốc GreenViet cho biết, tại xã Tam Mỹ Tây đàn voọc CVCX đang sinh sống ở bốn ngọn núi gồm Hòn Dồ, Hòn Ông, Dương Bông và Dương Bản Lầu. Nơi đây chỉ còn khoảng 30ha rừng tự nhiên còn sót lại rất nghèo nàn nguồn thức ăn cho voọc. Sinh cảnh rừng tự nhiên giữa các ngọn núi bị chia cắt từ 1 đến 3km bởi các rẫy keo và bị cô lập với các hệ sinh thái rừng tự nhiên khác trong khu vực với khoảng cách 7 đến 10km. Theo ông Vỹ, voọc khu vực này đang đối diện với mối đe dọa của con người trước nguy cơ săn bắt, phá rừng làm nương rẫy. Loài linh trưởng quý hiếm này đang thiếu nguồn thức ăn, nguy cơ thoái hóa nguồn gen. Hiện nay, đàn voọc được bảo vệ bởi nhóm người dân tự nguyện, họ được nhận một khoản kinh phí khiêm tốn.

"Trước thực trạng trên, cần bảo tồn chuyển vị hoặc kết nối hành lang xanh đến các vùng rừng tự nhiên lân cận tạo môi trường sống cho loài linh trưởng này. Đây là quần thể voọc CVCX duy nhất trên thế giới dễ dàng quan sát được ngoài tự nhiên. Hiện xung quanh nơi ở của voọc có khoảng 40 hộ dân đang trồng keo trên diện tích khoảng 120ha. Do đó, ngoài giữ nguyên vẹn 30ha rừng tự nhiên có sẵn nên mua thêm 120ha rừng từ người dân để cho voọc có không gian sinh sống. Nếu người dân đồng ý sẽ có các mô hình kinh tế khác thay thế nhằm đảm bảo cuộc sống cho họ", ông Vũ nói và cho rằng đây là cơ hội cho Quảng Nam bảo tồn và phục vụ cho sự phát triển bền vững thông qua mô hình du lịch sinh thái.

Mục tiêu chung của đề án nhằm phục hồi sinh cảnh sống, bảo tồn và phát triển bền vững quần thể voọc CVCX tại xã Tam Mỹ Tây. Đề án đưa ra ba đề xuất chính, bao gồm bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học trong khu vực, nâng cao vai trò phòng hộ của rừng đầu nguồn và đóng góp vào sự phát triển bền vững của địa phương. Tại phiên góp ý lần này, lãnh đạo các cấp và các nhà khoa học cho rằng, cần có biện pháp cấp bách bảo vệ 30ha rừng tự nhiên còn sót lại và đồng tình với đề án GreenViet đưa ra. Một số ý kiến khác cho rằng, cần thành lập khu bảo tồn sinh cảnh voọc CVCX dựa vào cộng đồng dân cư xung quanh.

Được biết, tổng vốn đầu tư cho dự án hơn 100 tỷ đồng, trong đó hơn 60 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, số còn lại từ nguồn vốn huy động tài trợ không hoàn lại. Nguồn kinh phí sẽ dành hơn 65 tỷ đồng mua rừng trồng từ người dân địa phương để phục hồi sinh cảnh cho voọc; thành lập trung tâm diễn giải thiên nhiên 10 tỷ đồng; cơ sở hạ tầng 6,3 tỷ đồng và phát triển kinh tế vùng đệm 7 tỷ đồng...

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cơ bản đồng ý với những đề xuất trên và cho rằng cần xác lập khu bảo tồn loài sinh cảnh trên cơ sở bổ sung thành khu rừng đặc dụng thay thế rừng sản xuất như hiện nay. Bên cạnh đó, khi xác lập khu bảo tồn, cần kêu gọi các tổ chức quốc tế, những nhà hảo tâm quan tâm đến việc bảo tồn voọc CVCX tài trợ một phần kinh phí thực hiện dự án, trên cơ sở đối ứng kinh phí từ tỉnh và huyện. "Bảo tồn voọc không phải là việc của riêng Quảng Nam, do vậy cần huy động tất cả nguồn lực từ nhiều nơi để thực hiện. Đối với kinh phí 100 tỷ đồng để bảo tồn đàn voọc tôi cho là khá lớn, nên tính toán lại. Các đơn vị tư vấn, các chuyên gia cùng tính toán để có cơ sở thuyết phục được HĐND, UBND, các sở ngành của tỉnh thông qua khi trình phê duyệt đề án", ông Thanh chia sẻ.

BÃO BÌNH

* Voọc CVCX có tên khoa học Pygathrix cinerea là loài đặc hữu của Việt Nam, phân bố ở khu vực Trung Trường Sơn, trên địa bàn năm tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum và Gia Lai. Hiện trên toàn quốc có khoảng 1.500 - 2.000 cá thể, trong đó, ở các tỉnh Tây Nguyên có khoảng 1.000 cá thể, gồm khoảng 500 cá thể ở H. Kon Plong, tỉnh Kon Tum, và khoảng 250 cá thể ở VQG Kon Ka Kinh, tỉnh Gia Lai. CVCX thuộc danh sách các loài cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), là một trong 25 loài linh trưởng bị đe dọa nhất thế giới.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_209987_cap-bach-bao-ton-dan-vooc-50-con-o-quang-nam.aspx