Cấp bách tái cơ cấu đánh bắt thủy sản

Theo Bộ NN-PTNT, hiện cả nước có hơn 96.000 tàu cá với sản lượng khai thác mỗi năm đạt 3-3,4 triệu tấn hải sản, đã tạo ra giá trị hơn 83.482 tỷ đồng cùng 3,3 tỷ USD xuất khẩu.

Tuy nhiên, trữ lượng nguồn lợi hải sản ở các vùng biển nước ta chỉ vào khoảng 4,36 triệu tấn và khả năng khai thác cho phép chỉ 2,45 triệu tấn. Số lượng tàu phát triển ồ ạt, vượt xa so với quy hoạch đã khiến nguồn tài nguyên biển bị khai thác cạn kiệt, dẫn đến hành vi đưa tàu đi đánh bắt trái phép, đã và đang trở thành vấn đề nhức nhối tại nhiều địa phương ven biển, đòi hỏi phải cấp bách tái cơ cấu ngành này.

Ngư dân đưa tàu cập cảng cá Bà Rịa - Vũng Tàu

Ngư dân đưa tàu cập cảng cá Bà Rịa - Vũng Tàu

Chuyển đổi nghề

Vừa trở về từ chuyến đi biển dài gần 2 tháng, ngư dân Nguyễn Văn Mạnh, 56 tuổi, trú tại xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, là chủ và cũng là thuyền trưởng của chiếc tàu lưới kéo hơn 800CV, lắc đầu ngao ngán chia sẻ: Biển ngày càng ít tôm cá, đánh bắt không hiệu quả khiến chuyến này tàu bị lỗ trên cả trăm triệu đồng. Ngư dân này phân tích, giá xăng dầu và nhu yếu phẩm tăng từng ngày, trong khi bạn ghe ngày một khó kiếm lại hay nhảy tàu, bỏ việc nên mỗi chuyến đi biển giống như một “canh bạc”. Hiếm lắm mới có tàu trúng mẻ cá lớn, còn lại hầu hết là hòa vốn hoặc bị lỗ.

Trên thực tế, đã có nhiều chủ không còn mặn mà với nghề “săn lộc biển” và đành chấp nhận để tàu nằm bờ, rao bán, với ý định sẽ lên bờ để chuyển đổi ngành nghề khác có rủi ro thấp, lại được gần gũi gia đình. Nhưng với nhiều chủ tàu, nếu không ra khơi thì không biết xoay sở sao với đống nợ, lãi trong ngoài đang hối thúc từng ngày. Bởi vậy, dù biết có thể lỗ nhưng vẫn phải cố gắng vươn khơi để giữ chân thuyền viên và biết đâu mình sẽ là một trong những người may mắn trúng mẻ cá lớn, giải quyết được nợ nần chồng chất.

Quan sát ở cảng Cát Lở (phường 11, TP Vũng Tàu) và một số cảng cá khác trên địa bàn tỉnh thấy kích thước hải sản nhỏ, không thể dùng làm thực phẩm nhưng cũng bị đưa về bờ. Cách đánh bắt theo kiểu con nào mắc lưới cũng lấy, lớn thì bán cho thương lái, nhỏ thì bán cá phân (dùng làm phân bón) đã diễn ra từ rất lâu. Hệ lụy của việc đánh bắt tận diệt, không theo quy định, cộng thêm đội tàu quá lớn khiến nguồn lợi hải sản cạn kiệt và không có thời gian hồi phục để tái sinh. Ngư dân đánh quả liều đưa tàu sang vùng biển nước bạn đánh bắt trái phép dẫn đến nguy cơ mặt hàng thủy sản bị cấm cửa bước vào thị trường châu Âu. Vì vậy, việc làm cần kíp hiện nay là giảm đội tàu đánh bắt, chuyển đổi, cải hoán những tàu có phương thức khai thác tận diệt sang nghề phù hợp.

Khó mấy cũng phải làm

Từ cách đây gần 10 năm, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Nghị quyết số 50/2010 để xây dựng ngành thủy sản trở thành một ngành sản xuất hàng hóa có giá trị xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Ngay từ thời gian này, tỉnh đã chú trọng đến các giải pháp tuyên truyền cho ngư dân nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của nước ta và Liên minh châu Âu về thiết lập một hệ thống nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Nhưng chỉ mới đây, khi đánh bắt trái phép trở thành một vấn đề nóng bỏng, Chủ tịch UBND mới yêu cầu các ngành chức năng tỉnh phải lập đề án chuyển đổi và hạn chế số lượng tàu cá mới trên thực tế đề án tái cơ cấu ngành thủy sản, chuyển đổi nghề cho ngư dân đã có ở nhiều tỉnh. Thế nhưng, do gặp nhiều khó khăn vì trình độ văn hóa của ngư dân còn thấp, nhiều lao động lớn tuổi không biết chuyển nghề gì, lại thêm những khó khăn về tài chính đã khiến đề án này chưa phát huy được hiệu quả.

Theo một số chuyên gia trong ngành thủy sản, việc tái cơ cấu ngành thủy sản, chuyển đổi nghề cho ngư dân là việc làm rất khó. Nhưng để có một nghề cá bền vững, có trách nhiệm thì đây là việc phải làm. Điều này đòi hỏi sự quyết tâm từ Trung ương đến địa phương, trong đó cần có chính sách cũng như lộ trình cụ thể hỗ trợ ngư dân tối đa để chuyển đổi nghề có truyền thống từ lâu đời như nghề đánh bắt thủy sản.

Theo Ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, toàn tỉnh hiện có hơn 5.800 tàu cá (vượt 800 chiếc so với quy hoạch), trong đó có hơn 2.900 chiếc đánh bắt xa bờ. Quá nửa tàu đánh bắt xa bờ hành nghề lưới kéo, cũng là loại đánh bắt theo kiểu hủy diệt dẫn đến cạn kiệt nguồn tài nguyên. Chính vì vậy, tỉnh đã ra nghị quyết đến tháng 4-2020 phải chuyển đổi toàn bộ nghề này sang các nghề lưới vây, câu, rê để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tỉnh cũng đang phấn đấu đến năm 2025, số lượng tàu cá của tỉnh còn 4.500 chiếc, giảm hơn 1.300 chiếc so với hiện nay. Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cũng đang nghiên cứu việc cấp phép khai thác thủy sản dựa trên những tính toán khoa học về trữ lượng, mùa sinh sản và nhiều yếu tố khác.

Mô hình nuôi thủy sản lồng bè ở xã đảo Long Sơn (TP Vũng Tàu) đang là một mô hình cho hiệu quả kinh tế cao. Cách đây hơn 20 năm, mưu sinh của người dân Long Sơn chủ yếu phụ thuộc vào đánh bắt tôm cá tự nhiên, nhưng từ khi mô hình nuôi biển xuất hiện, đời sống của bà con xã đảo đã được nâng cao rõ rệt, nhiều người đã trở thành tỷ phú làng chài.

NÔNG NGÂN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/cap-bach-tai-co-cau-danh-bat-thuy-san-625967.html