Cấp chi nghiệp vụ không đủ 10%, nhiều trường 'chật vật' lo kinh phí hoạt động

Mặc dù UBND tỉnh quy định mức chi nghiệp vụ cho các nhà trường phải đảm bảo đạt tỷ lệ 10%, thế nhưng, hiện nay nhiều địa phương vẫn không cấp đủ theo tỷ lệ quy định trên cho các nhà trường. Điều này, không chỉ khiến các nhà trường gặp nhiều khó khăn trong tổ chức hoạt động giáo dục mà còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm thu.

Việc không được cấp đủ ngân sách chi nghiệp vụ theo đúng quy định khiến các nhà trường gặp nhiều khó khăn trong tổ chức hoạt động giáo dục. (Ảnh có tính minh họa).

“Âm” chi tiêu thường xuyên

Theo Quyết định số 4762/2016/QĐ-UBND ngày 9-12-2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc ban hành định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2017 và ổn định đến năm 2020, trong đó, quy định định mức phân bổ chi sự nghiệp giáo dục đối với giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, phải đảm bảo tỷ lệ chi nghiệp vụ đạt 10% (tổng tiền lương và phụ cấp theo lương). Thế nhưng, do không được cấp đủ nguồn ngân sách chi nghiệp vụ, các nhà trường (đặc biệt đối với cấp tiểu học và THCS) lại không có nguồn thu thêm nên nhiều trường lâm vào cảnh năm nào cũng “âm” tiền chi hoạt động thường xuyên.

Thầy giáo L.N.N., hiệu trưởng một trường THCS trên địa bàn huyện Như Thanh cho biết: Nhà trường có gần 30 cán bộ, giáo viên, tuy nhiên nhà trường chỉ được cấp hơn 100 triệu đồng chi nghiệp vụ. Trong đó, riêng tiền điện đã phải chi hơn 10 triệu đồng/năm, tiền bảo vệ, tiền tổ chức những ngày lễ lớn, chi hoạt động chuyên môn... Số tiền cấp trên dù đã cố gắng tiết kiệm cũng không thể đủ chi hoạt động cho cả tập thể với hàng trăm con người (giáo viên, học sinh). Trong khi đó, nhà trường không được thu thêm các khoản thu khác. Vì vậy, năm nào nhà trường cũng bị “âm” tiền chi tiêu hoạt động thường xuyên khoảng vài chục triệu. Cũng vì khó khăn về kinh phí nên nhiều hoạt động giáo dục bị hạn chế, như: Tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh; khen thưởng cho giáo viên, học sinh có thành tích xuất sắc trong dạy và học... những ngày lễ, tết, phần thưởng cho các thầy cô giáo cũng hạn hẹp, nhiều khi không có.

Cùng tình trạng trên, cô giáo N.T.P., hiệu trưởng của một trường tiểu học trên địa bàn TP Thanh Hóa, chia sẻ: Hàng năm thành phố cấp kinh phí chi nghiệp vụ chưa đủ 10% nhưng cũng đạt khoảng 8%. Tuy nhiên, nhà trường vẫn gặp nhiều khó khăn trong tổ chức các hoạt động giáo dục, tu sửa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học... Việc chi tiêu hoạt động thường xuyên trong nhà trường đều phải tiết kiệm hết mức, tuy nhiên có những năm nhà trường vẫn bị “âm” do có nhiều sự kiện, nhiều việc phát sinh.

Thầy giáo T.V.C., hiệu trưởng một trường THCS trên địa bàn huyện Đông Sơn cũng cho biết: Những năm trước, huyện Đông Sơn chỉ cấp kinh phí chi nghiệp vụ cho các trường đạt tỷ lệ 3-4%. Năm 2018, kinh phí cấp đã tăng lên nhưng vẫn chưa đảm bảo đủ theo đúng tỷ lệ quy định của UBND tỉnh. Hiện nhà trường có hơn 30 cán bộ, giáo viên với hơn 400 học sinh, năm 2018, nhà trường được phân bổ 200 triệu đồng kinh phí chi thường xuyên. Kinh phí chi hạn hẹp, nhà trường lại không có thêm nguồn thu nào nên việc chi hoạt động cho nhà trường gặp không ít khó khăn.

Cũng theo thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2015, thanh tra sở đã tiến hành thanh tra toàn bộ thu chi trong nhà trường, kết quả cho thấy, nhiều huyện sử dụng kinh phí nghiệp vụ chi cho hợp đồng lao động và các hoạt động khác dẫn đến kinh phí chi nghiệp vụ cho các trường chỉ đạt 2% - 4% hoặc 5% - 6%, có huyện chưa đạt 1% (huyện Thiệu Hóa). Sau khi có Quyết định số 4762/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh, mức phân bổ ngân sách chi nghiệp vụ cho các nhà trường đã được tăng lên, tuy nhiên nhiều địa phương vẫn chưa cấp đủ 10%. Kinh phí chi nghiệp vụ đạt thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu chi thường xuyên cho các trường học, như kinh phí sửa chữa, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy, tiền điện sáng, tiền hợp đồng bảo vệ nhà trường... đây là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng lạm thu trong các nhà trường.

Chưa thực hiện đúng quy định UBND tỉnh

Nhiều địa phương không cấp đủ tỷ lệ 10% cho hoạt động chi thường xuyên cho các nhà trường, là do chi một phần cho việc xây dựng trường chuẩn, trả lương cho giáo viên dôi dư, tăng lương thường xuyên...

Bà Lê Thị Hiển, Phó trưởng Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Đông Sơn cho biết: Năm 2017, kinh phí phân bổ chi nghiệp vụ cho các nhà trường chỉ đạt 3-4%, tuy nhiên, năm 2018, huyện đã cấp kinh phí tăng lên đạt tỷ lệ khoảng 8%. Nguyên nhân là do năm 2017 huyện Đông Sơn thừa 53 biên chế so với định biên tỉnh giao. Với số lượng biên chế thừa trên, huyện phải chi gần 6 tỷ đồng tiền lương/năm. Trong khi đó, nguồn ngân sách huyện khó khăn nên phải trích lại phần ngân sách chi nghiệp vụ để trả lương cho số biên chế dôi dư. Năm 2018, do có biên chế về nghỉ chế độ nên số biên chế thừa giảm xuống còn 32 người. Vì vậy, kinh phí phân bổ chi nghiệp vụ cho các nhà trường cũng tăng lên, tuy nhiên vẫn chưa đủ tỷ lệ 10% theo đúng quy định của UBND tỉnh. Hiện nay, huyện Đông Sơn cũng đang tồn tại thực trạng thừa giáo viên cấp THCS, thiếu giáo viên tiểu học và mầm non. Năm 2019, huyện Đông Sơn đang có phương án điều chuyển giáo viên THCS dôi dư xuống dạy tiểu học, mầm non; cùng với việc có nhiều giáo viên về nghỉ chế độ, huyện sẽ cố gắng để đảm bảo cấp đủ 10% chi nghiệp vụ theo đúng quy định.

Những năm trước, huyện Thiệu Hóa là một trong những huyện có tỷ lệ phân bổ ngân sách chi nghiệp vụ cho các trường thấp nhất trong tỉnh với tỷ lệ chỉ đạt gần 1%; năm 2017, đạt 3-4%; năm 2018, mức chi nghiệp vụ cho các trường đã tăng lên nhưng vẫn chưa đủ theo quy định. Ông Nguyễn Viết Tiến, Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Thiệu Hóa, lý giải: Năm 2017, ngành giáo dục huyện thừa 220 biên chế, năm 2018 còn thừa 182 biên chế, trong khi nguồn ngân sách chi cho sự nghiệp giáo dục tỉnh giao là giao theo định mức biên chế. Vì vậy, huyện phải cân đối lấy từ nguồn ngân sách chi nghiệp vụ để trả lương cho số biên chế thừa, nên rất khó để đáp ứng đủ tỷ lệ % theo như quy định. Hiện huyện Thiệu Hóa đã cấp ngân sách chi nghiệp vụ cho các trường đạt 8%.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý ngân sách huyện, xã (Sở Tài chính), cho biết thêm: Qua thanh tra, kiểm tra, phần lớn các địa phương trên địa bàn tỉnh đều không cấp đủ 10% kinh phí chi thường xuyên cho các trường. Nguyên nhân là do nguồn lực của các địa phương còn hạn hẹp nên dùng nguồn kinh phí đó để đầu tư xây dựng trường chuẩn, cơ sở thiết bị dạy học, chi lương cho giáo viên dôi dư... dẫn đến mức chi phân bổ ngân sách chi thường xuyên cho các nhà trường giảm xuống. Việc phân bổ chi sự nghiệp giáo dục căn cứ vào định biên theo Quyết định số 132/QĐ-UBND, ngày 12-1-2017 của UBND tỉnh, vì vậy, nhiều địa phương có giáo viên dôi dư đã lấy từ nguồn ngân sách chi nghiệp vụ 10% để chi trả lương cho số giáo viên dôi dư này. Bên cạnh đó, định mức phân bổ chi sự nghiệp giáo dục được tỉnh phê duyệt ổn định dự toán theo giai đoạn 2016-2020. Nếu địa phương nào có tăng lương thường xuyên phải tự điều chỉnh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến 10% cấp cho các trường bị thâm hụt.

Ngân sách chi nghiệp vụ cấp không đủ chi, khiến các nhà trường (đặc biệt là khối tiểu học không có nguồn thu từ học phí) gặp rất nhiều khó khăn trong tổ chức triển khai hoạt động giáo dục; tăng cường cơ sở vật chất... Sở Tài chính cũng đã thanh tra, kiểm tra và yêu cầu các địa phương cấp ngân sách chi nghiệp vụ cho các nhà trường đủ 10%. Tuy nhiên, do những yếu tố trên khiến cho nhiều địa phương chưa thực hiện đúng quy định của UBND tỉnh. Để nâng cao chất lượng giáo dục, tạo môi trường dạy và học tốt nhất cho giáo viên và học sinh, đồng thời, hạn chế tình trạng lạm thu đầu năm học hàng năm, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có phương án giải quyết, đảm bảo cấp kinh phí chi nghiệp vụ đạt 10% cho các trường học, tránh tình trạng các địa phương sử dụng kinh phí sai mục đích.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/portal/pages/9q7gby/new-article.aspx