Cấp cứu bệnh nhi tan máu mắc thêm bệnh đái tháo đường

Bệnh nhi L.T.V (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) bị bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia) khi mới 3 tháng tuổi. Từ đó đến nay, bé được theo dõi và điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Tuy nhiên, 2 tuần gần đây, bé có biểu hiện khó thở, tức ngực, tiểu nhiều, sụt cân nhanh. Kết quả xét nghiệm cho thấy đường huyết lên tới 30mmol/L.

Bệnh nhi tan máu mắc thêm bệnh đái tháo đường

Bệnh nhi tan máu mắc thêm bệnh đái tháo đường

Bệnh nhi được chuyển từ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương về Bệnh viện Nội tiết Trung ương để điều trị. Nhập viện trong tình trạng lơ mơ, nhịp tim đập nhanh 200 lần/phút (trong khi trẻ ở tuổi này ở mức 100 lần/phút), thiếu máu, thở nhanh 40 lần/phút.

Tại khoa Cấp cứu, bác sĩ đánh giá, bệnh nhân nhiễm toan ceton - đái tháo đường type 1; Kèm cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất; Suy tim; Viêm gan C mắc phải Beta thalasemia, cần được xử trí cấp cứu ngay lập tức. Theo bác sỹ Nguyễn Minh Tuấn, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, bệnh nhân trong tình trạng rất nặng, phức tạp, ý thức lơ mơ, nhiễm toan ceton, huyết áp tụt 85/50 do nhịp tim quá nhanh nên tim không thể bơm máu có hiệu quả. Hơn nữa, nhịp thở 40 lần/phút khiến cho tình trạng trở nên nặng hơn, nguy cơ tử vong bất kỳ lúc nào nếu như không được xử lý cấp cứu kịp thời.

Là bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân đái tháo đường nhưng theo nhận định của các bác sĩ, đây là trường hợp đặc biệt, ít gặp. Do bệnh nhân còn nhỏ lại mắc tan máu bẩm sinh, phải truyền máu liên tục hàng tháng trong 12 năm, vì vậy cơ thể nhiễm sắt nặng dẫn đến tổn thương tụy, gan, tim, mắc viêm gan C… đòi hỏi kíp trực không chỉ xử lý cấp cứu như các ca bệnh đái tháo đường nhiễm toan ceton thông thường mà cần xử trí nhanh chóng các bệnh lí phối hợp.

Sau khi hội chẩn, kíp trực đã xử trí cho trẻ thở oxy, thuốc cordarone đường tĩnh mạch nhằm kiểm soát tần số tim, insulin bơm tiêm điện liên tục điều chỉnh đường huyết, bù nước, điều chỉnh điện giải… đồng thời làm mắc monitor theo dõi liên tục. Sau thời gian điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhi đã được cải thiện. Nhịp tim được khống chế, đường máu cũng đã giảm và giữ được các chỉ số trong cơ thể ổn định hơn. Cháu đã tỉnh táo, nói chuyện bình thường, có thể tự sinh hoạt. Khi ổn định, bệnh nhân đã được chuyển lại Trung tâm Thalassemia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để tiếp tục điều trị.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/cap-cuu-benh-nhi-tan-mau-mac-them-benh-dai-thao-duong-3949999-b.html