Cấp cứu đường không góp phần củng cố niềm tin nơi biển, đảo

Những kíp y sĩ, bác sĩ của Bệnh viện Quân y 175 đã phối hợp với các đơn vị không quân đến nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc, thực hiện nhiệm vụ cấp cứu đường không kịp thời, chuyển về đất liền và cứu sống nhiều trường hợp bệnh nhân bệnh nặng.

Đóng góp thầm lặng của lực lượng này góp phần đưa đảo xa gần với đất liền, nâng cao công tác bảo đảm y tế cho biển, đảo, củng cố niềm tin của các lực lượng chức năng và ngư dân, cùng chung tay bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa phía Nam Tổ quốc.

Mệnh lệnh chiến đấu từ trái tim

Thực hiện mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, thời gian qua, Bệnh viện Quân y 175 đã phối hợp với Trung đoàn 917, Sư đoàn 370 (Quân chủng Phòng không-Không quân), Lữ đoàn 954 (Quân chủng Hải quân) và Binh đoàn 18 (Bộ Quốc phòng) bay cấp cứu nhiều trường hợp bệnh nhân vùng biển, đảo. Cấp cứu bệnh nhân bằng đường không trên biển xa là nhiệm vụ đặc biệt, đòi hỏi y sĩ, bác sĩ làm nhiệm vụ phải có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm, kỹ năng hồi sức cấp cứu tốt trong điều kiện khó khăn về trang thiết bị y tế, sự rung xóc, độ cao, áp suất khí quyển thay đổi, không gian chật hẹp, thời gian khẩn trương.

Binh đoàn 18 và các thầy thuốc Bệnh viện Quân y 175 chuyển thành công bệnh nhân từ huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) về đất liền điều trị vào giữa tháng 6-2019.

Đại tá, bác sĩ chuyên khoa II Trần Văn Thành, Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Quân y 175, người phụ trách công tác bảo đảm y tế cho biển, đảo của bệnh viện từ thời kỳ đầu, chia sẻ: “Việc cấp cứu bệnh nhân trên máy bay bị chi phối bởi nhiều yếu tố đặc biệt nên cần có sự đánh giá tốt về tình trạng của bệnh nhân, chuẩn bị tốt về trang thiết bị y tế và thuốc cho phù hợp, phải có sự chủ động, tự tin, quyết đoán thực hiện các biện pháp cấp cứu khẩn cấp. Có những trường hợp bệnh nhân khi đang bay bị ngừng tim nên kíp cấp cứu phải kịp thời để duy trì sự sống cho bệnh nhân. Do vậy, bay cấp cứu với chúng tôi chính là một mệnh lệnh chiến đấu, mọi hành động cần khẩn trương, chính xác”.

Thời gian gần đây, nhiều tổ cấp cứu đã bay xuyên đêm, tranh thủ “thời gian vàng” nhanh chóng đưa bệnh nhân về đất liền điều trị. Điển hình như, trung tuần tháng 7-2018, hai ngư dân là Lê Văn Tỉnh và Phạm Thanh Bằng (quê Bình Thuận) bị tai nạn nghiêm trọng trên tàu đánh cá được đưa vào Bệnh xá đảo Thuyền Chài (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) cấp cứu. Được sự chỉ đạo của cấp trên, ê kíp bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 cùng trực thăng Binh đoàn 18 thực hiện bay cấp cứu đưa bệnh nhân về đất liền. Đại tá Trần Văn Thành cho biết: “Khi bay tới đảo Thuyền Chài, việc đáp máy bay vô cùng khó khăn vì không xác định được địa điểm vững chắc. Ê kíp cấp cứu đã có quyết định táo bạo khi hạ cánh ngay trên nóc nhà đảo Thuyền Chài. Phi công chỉ dám lấy nóc đảo làm điểm tựa, cánh quạt vẫn quay để trợ lực, giảm tải trọng đè lên. Bên cạnh đó, bệnh nhân đã ngưng tim nên ê kíp tiến hành hồi sức tại chỗ sau đó mới đưa về đất liền. Bệnh nhân được chữa khỏi hoàn toàn là thành công ngoạn mục”.

Được đi cùng các chuyến bay cấp cứu, chúng tôi chứng kiến sự tập trung cao độ, tinh thần, bản lĩnh, sự quyết đoán của tổ bay và bác sĩ. Nhiều thời điểm máy bay phải tăng, giảm độ cao để tăng, giảm áp suất theo thực tế sức khỏe của người bệnh. Trong một số chuyến bay, các bác sĩ tiến hành những phẫu thuật cấp cứu, như: Dẫn lưu khí khoang màng phổi, sốc điện chuyển nhịp, đặt ống nội khí quản và thở máy… Bản lĩnh, trình độ chuyên môn vững vàng và những kiến thức về sinh lý, sinh lý bệnh trong chuyến bay giúp các thầy thuốc Bệnh viện Quân y 175 luôn bảo đảm an toàn cho bệnh nhân suốt hành trình.

Là người thường xuyên góp mặt trên những chuyến bay cấp cứu biển xa, Trung úy, bác sĩ Đinh Văn Hồng, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Quân y 175 chia sẻ, với anh, được thấy bệnh nhân an toàn từ máy bay về đất liền điều trị là niềm vui, sự khích lệ động viên to lớn. Kết quả những chuyến bay cấp cứu không chỉ cứu sống bệnh nhân mà chính họ sau khi điều trị bình phục, tiếp tục trở lại vươn khơi, bám biển khai thác hải sản để khẳng định chủ quyền biển, đảo quốc gia. “Tôi tham gia cả những chuyến bay cấp cứu ngày và đêm. Khi trên máy bay, vượt qua chặng đường dài trong điều kiện thời tiết thay đổi phức tạp, tôi chỉ tập trung một vấn đề duy nhất là cố gắng hết khả năng để bảo đảm tính mạng cho bệnh nhân”, bác sĩ Hồng tâm sự.

Nâng cao bảo đảm y tế cho tuyến biển, đảo phía Nam

Những ca cấp cứu đường không thành công, hay những ca cấp cứu tại đảo, mổ sinh trên đảo... đã mang lại niềm tin, bản lĩnh cho đội ngũ thầy thuốc nơi đảo xa, trở thành điểm tựa vững chắc cho các lực lượng chức năng và ngư dân. Thời gian qua, đội ngũ thầy thuốc công tác ở biển, đảo có trình độ chuyên môn ngày càng cao, cùng trang thiết bị hiện đại đã góp phần rất quan trọng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn. Riêng tại Bệnh xá đảo Trường Sa, trong giai đoạn 2003-2018, đã khám cho hơn 18.800 lượt bệnh nhân, thu dung, cấp cứu hơn 2.300 trường hợp, phẫu thuật hơn 150 trường hợp. Theo Đại úy, bác sĩ Lê Phước Cường, Bệnh xá trưởng Bệnh xá đảo Trường Sa: Bệnh xá đã thực hiện được nhiều ca phức tạp, như: Viêm phúc mạc ruột thừa, chấn thương sọ não, đa chấn thương… Máy móc, trang thiết bị y tế của bệnh xá phát huy được hiệu quả trong cấp cứu, điều trị. Trong 6 tháng đầu năm 2019, bệnh xá thu dung, điều trị hơn 400 lượt bệnh nhân.

Hiện nay, việc trang bị hệ thống Telemedicine cho cụm đảo, giúp công tác khám bệnh từ xa, hội chẩn các ca bệnh phức tạp, tư vấn điều trị mang lại hiệu quả thiết thực. Đây là cách làm hữu hiệu để kết nối thông tin y tế từ những khu vực biển, đảo và chuyển tải đến các trung tâm y tế hiện đại ở đất liền. Đại tá Trần Văn Thành tâm đắc: “Qua hệ thống này, các cơ sở y tế ở biển, đảo đã truyền hình ảnh, dữ liệu về các bệnh viện lớn để được hỗ trợ hội chẩn, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho những ca bệnh nặng. Nhiều ca phẫu thuật phức tạp đã thực hiện thành công tại Bệnh xá đảo Trường Sa nhờ được hỗ trợ hội chẩn, chỉ đạo từ đất liền thông qua hệ thống này. Đặc biệt, những ca quá nặng thì qua hệ thống này, cơ sở y tế ở biển đảo sẽ chăm sóc, xử lý ban đầu tốt hơn, sau đó chuyển bệnh nhân về đất liền bằng tàu hoặc máy bay để tiếp tục điều trị”.

Ngoài các giải pháp tăng cường y tế cho biển, đảo, Bệnh viện Quân y 175 đã thành lập lực lượng cấp cứu đường không với quân số, quy chế hoạt động rõ ràng. Các ê kíp y sĩ, bác sĩ được huấn luyện an toàn bay, đút rút kinh nghiệm kịp thời qua từng ca cấp cứu biển, đảo để nâng cao chất lượng công tác này. Theo Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175: Bệnh viện đã phối hợp với các đơn vị quân đội, địa phương triển khai có chiều sâu, thiết thực những chương trình nâng cao công tác y tế biển, đảo. Cán bộ, y sĩ, bác sĩ của bệnh viện ra đảo làm nhiệm vụ đều được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, bảo đảm khả năng xử trí đa khoa với các tình huống xử lý cấp cứu bệnh lý và tai nạn đặc thù ở ngành nghề hoạt động trên biển. Bệnh viện cũng xây dựng các phương án cấp cứu, điều trị, chuẩn bị trang thiết bị y tế, cơ số thuốc… trong hoạt động chuyển bệnh nhân về đất liền, bảo đảm kịp thời, an toàn nhất.

Bài và ảnh: HỒNG GIANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/cap-cuu-duong-khong-gop-phan-cung-co-niem-tin-noi-bien-dao-582207