Cấp cứu tại chỗ quyết định sự sống còn của nạn nhân đuối nước

Mùa hè nóng nực lên tới 39-40 độ, khiến ai cũng muốn ngâm mình dưới làn nước mát mẻ. Nhưng làm thế nào để đảm bảo an toàn mỗi khi xuống nước lại thường bị lãng quên, dẫn tới nhiều cái chết thương tâm...

Đuối nước

Ngay từ đầu năm 2018 đến nay đã xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm, đơn cử như: Sự việc xảy ra vào lúc 13g ngày 4-2 tại xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang: Anh Nguyễn Văn Sơn (SN 1987, quê xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang cùng hai con trai là Nguyễn Tâm Bằng Tuyền (8 tuổi) và Nguyễn Giang Đức Huy (6 tuổi) về thăm nhà bác ruột anh Sơn ở xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang.

Sau khi ăn cơm xong, khoảng 13g, 3 bố con anh Sơn ra khu đồng rộc Mẫu Hai (ao) để hái táo. Trong lúc hái táo, anh Sơn thấy chiếc thuyền thúng đặt sát bờ ao nên đã cho hai con lên thuyền. Không may thuyền bị lật, 3 cha con anh Sơn bị ngã xuống ao.

Phát hiện người thân gặp nạn, anh họ anh Sơn là anh Nguyễn Văn Hòa (45 tuổi) nhảy xuống cứu nhưng không thành. Chính anh Hòa cũng bị đuối nước. Hậu quả, cả bốn người cùng thiệt mạng. Điều đặc biệt là hiện trường nơi xảy ra vụ việc là một ao nước sâu hơn 2m.

Một vụ đuối nước khác xảy ra vào khoảng 17g ngày 3-2 trên tuyến kênh Tân Thành – Lò Gạch, thuộc xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp khiến 3 chị em ruột tử vong. Các nạn nhân gồm cháu Trần Thị Như Ý (SN 2012), cháu Trần Văn Thuận (SN 2013) và cháu Trần Thị Thảo (SN 2015), là 3 con của anh Trần Văn Lâm (SN 1994) và chị Dương Thị Thu Vân (SN 1995)…

Trước đấy, đã có tình huống một cháu bé khoảng 10 tuổi nổi dật dờ trên mặt nước hồ bơi tại một khu vui chơi ở Ba Vì, Hà Nội mà nhiều người vẫn tưởng rằng bé trai đang bơi ngửa, nhưng thực chất em bị cảm nắng, đuối nước. Rất may sau đó, có người phát hiện kịp thời và cậu bé đã bình phục trở lại sau thời gian sơ cứu.

Tinh thần ứng phó với tai nạn đuối nước phải luôn được đề cao cảnh giác. Ảnh: H.Giáp

Trẻ em Việt Nam có tỉ lệ đuối nước cao trong khu vực

Một trong những đối tượng có nguy cơ đuối nước cao là trẻ em. Thông tin từ phía Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Trung bình mỗi năm, ở Việt Nam có trên 2.800 trẻ em tử vong do đuối nước, con số cao nhất khu vực Đông Nam Á, gấp 8 lần so với các nước có thu nhập cao, dù đã giảm đi một nửa so với giai đoạn 2001-2010.

Bước sang đầu năm nay 2018 và đặc biệt là khi mùa hè nóng nực bắt đầu với cái nắng ngoài trời có thời điểm trên 40 độ, khiến nhiều người lo lắng về tình trạng đuối nước có thể gia tăng so với các năm trước đó. Một trong những nhóm đối tượng được quan tâm đặc biệt trong công tác phòng chống đuối nước là trẻ em và học sinh.

Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trẻ em, chiếm 48,8%. 70% trẻ chết đuối và suýt chết đuối ở lứa tuổi dưới 15. Có 53% các trường hợp chết đuối xảy ra khi trẻ em chơi gần ao hồ, sông suối, kênh mương không có sự bảo vệ của người lớn.

Trên địa bàn TP Hà Nội, trong những năm qua, công tác phổ cập bơi và phòng chống tai nạn đuối nước cho học sinh trên địa bàn TP Hà Nội đã được Sở GD&ĐT triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm thiểu tai nạn do đuối nước. Trong đó, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có công văn đề nghị Phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã triển khai các nội dung nhằm hạn chế tình trạng đuối nước cho học sinh.

Một số biện pháp an toàn, phòng tránh tai nạn đuối nước

Thực tiễn trên cho thấy, việc tự trang bị cho bản thân, cũng như trẻ em những kiến thức và kỹ năng nhất định để đảm bảo an toàn mỗi khi xuống nước để phòng tránh tai nạn đuối nước rất cần được quan tâm.

Việc đầu tiên và quan trọng nhất đó là dạy trẻ bơi. Tuy nhiên, hiện nay việc dạy bơi cho trẻ chỉ dừng lại ở mức độ tự phát, tình trạng thiếu bể bơi, thiếu kỹ thuật bơi căn bản cũng là yếu tố ảnh hưởng tới việc dạy trẻ kỹ năng này. Các bậc cha mẹ cần trang bị kỹ năng đảm bảo an toàn, xử lý tình huống khi bơi cho các em nhỏ như: cần phải khởi động kỹ trước khi xuống nước, xử lý sao khi bị chuột rút, gặp vùng nước xoáy, cách sơ cứu khi gặp người bị đuối nước phù hợp với lứa tuổi...

Trong trường hợp bị đuối nước và cấp cứu ngay ở dưới nước cần thực hiện một số biện pháp sau: Túm gáy hoặc nắm tóc kéo đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước, tát mấy cái thật mạnh vào má nạn nhân để gây phản xạ hồi tỉnh và thở lại; Nhanh chóng quàng tay qua nách, nâng gáy (bằng kiểu bơi ếch ngửa) hoặc gọi thêm người hỗ trợ đưa nạn nhân vào bờ.

Khi đưa được nạn nhân lên bờ hay lên thuyền, phải tiến hành hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt ngay. Khai thông đường hô hấp bằng cách đặt nạn nhân nằm ưỡn cổ nghiêng sang một bên, dùng gạc hay khăn vải móc đờm dãi, dị vật khỏi đường thở và miệng nạn nhân. Đặt một khăn mùi soa hay miếng gạc qua miệng nạn nhân, dùng hai ngón tay cái và trỏ bịt mũi nạn nhân rồi thổi hơi trực tiếp vào miệng nạn nhân.

Trong trường hợp nếu ngừng tim (sờ mạch quay không có) phải ép tim ngoài lồng ngực. Dùng hai tay chồng lên nhau ép lên lồng ngực ngoài tim, tần số ép khoảng 100 lần/1 phút. Nếu chỉ có một người cấp cứu thì thổi ngạt 2-3 hơi lại ép tim ngoài lồng ngực 10-15 nhịp. Nếu có hai người cấp cứu thì một người thổi ngạt, một người ép tim ngoài lồng ngực, làm kiên trì cho đến khi tim đập và thở trở lại.

Sau đó, tiến hành kê gối dưới hai vai, nới rộng quần áo, phòng cho nạn nhân không bị ngạt trở lại vì sặc chất nôn khi tỉnh lại và nôn ra nước. Nếu như sau thời gian hô hấp nhân tạo và ép tim được 2 tiếng mà không thấy nạn nhân phục hồi, thì đồng nghĩa với việc tình huống xấu nhất đã xảy ra và nên ngưng thực hiện các biện pháp cứu chữa.

Cấp cứu tại chỗ là quan trọng nhất, quyết định sự sống còn của nạn nhân, nếu xử trí chậm nạn nhân bị thiếu ôxy não rất khó cứu sống sau đó.

Đối với trẻ nhỏ, việc trước tiên là cần cảnh báo trẻ về những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước như sông, suối, ao, hồ, những vùng nước sâu. Khi gặp trẻ đuối nước, việc vác dốc ngược trẻ trên vai (động tác dốc ngược nạn nhân chỉ có tác dụng khai thông vùng họng và miệng), vì vậy không nên thực hiện ở người lớn và không nên làm quá 1 phút ở trẻ em.

Trường hợp này, khi nạn nhân thở lại, cử động giãy giụa, hay nạn nhân vẫn còn mê nhưng đã có mạch và nhịp thở thì gọi xe cấp cứu hay dùng mọi phương tiện sẵn có chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế có trang bị hồi sức cấp cứu, quá trình cấp cứu và đắp giữ ấm cho nạn nhân vẫn phải tiếp tục thực hiện.

Hoàng Giáp

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/cap-cuu-tai-cho-quyet-dinh-su-song-con-cua-nan-nhan-duoi-nuoc-117174.html