Cấp cứu thành công bệnh nhân bị bò húc thủng ruột

Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm vừa cấp cứu thành công một bệnh nhân bị bò húc thủng ruột.

Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm mổ cấp cứu bệnh nhân bị bò húc thủng ruột.

Đây là bệnh nhân nam, 44 tuổi trú tại xã Sơn Lập, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Theo lời người nhà của bệnh nhân kể lại: Khoảng hơn 11h ngày 22/8 người bệnh đứng xem bò húc nhau, do đứng quá gần không may bị bò húc vào vùng bụng. Sau khi bị sừng bò đâm, bệnh nhân đau nhiều và chảy máu qua vết thương ở bụng, được người nhà đưa đến Trạm Y tế xã Sơn Lập sơ cứu.

Sau đó, bệnh nhân nhanh chóng được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm cấp cứu trong tình trạng người mệt lả, da xanh tái, niêm mạc nhợt, mạch nhanh, đau bụng dữ dội, bụng co cứng nhẹ, vùng hố chậu phải có vết thương kích thước 4x6cm, có tổ chức ruột non chui ra một đoạn khoảng 60cm, đoạn ruột non có vết thương làm thủng ruột kích thước 2x1cm.

Bệnh nhân được chẩn đoán vết thương thấu bụng, theo dõi hoại tử ruột do nghẹt và được chỉ định mổ cấp cứu ngay sau đó. Kíp mổ đã thực hiện khâu vết thương thủng ruột và kéo đẩy đoạn ruột non vào trong ổ bụng, cắt lọc làm sạch vết thương thấu bụng phía ngoài, khâu vết thương 3 lớp. Sau phẫu thuật hơn 01 ngày, bệnh nhân đã tỉnh táo, da niêm mạc hồng nhạt, không sốt, huyết áp ổn định, bụng mềm toàn bộ, ngồi dậy vận động, đi lại nhẹ nhàng quanh giường.

*** Vào năm 2017, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ, Yên Bái cũng đã điều trị cho em Giàng A Củ (10 tuổi, thôn Tu San, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải bị trâu húc lòi ruột.

Theo gia đình bệnh nhân, dịp hè năm 2017, Giàng A Củ giúp bố mẹ chăn trâu chẳng may bị trâu húc phải. Ngay sau khi tai nạn xảy ra, gia đình đã đưa em xuống bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ.

Các bác sĩ chẩn đoán chấn thương bụng, vỡ ruột non do áp lực mạnh, có dịch tiêu hóa vào ổ bụng. Bệnh nhân được chỉ định mổ ngay. "Do áp lực của trâu húc nên bất cứ chỗ nào trong ổ bụng cũng có thể bị chấn thương. Đây là trường hợp mổ bẩn, thành bụng bị tổn thương”, bác sĩ Mạnh cho biết.

Sau mổ bệnh nhân đã ổn định và ra viện. Tuy nhiên, bác sĩ Trần Quang Mạnh (Khoa Ngoại, bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ, người điều trị trực tiếp cho Giàng A Củ khi đó cho biết, trường hợp bị trâu húc vào bụng có thể để lại di chứng như nguy cơ dính, tắc ruột sau này. Vì vậy các bác sĩ phải hướng dẫn bệnh nhân và người nhà cách chăm sóc, ăn uống sau này.

Trâu, bò húc người là trường hợp rất hay gặp ở khu vực miền núi. Yên Bái lại là tỉnh miền núi, có địa hình và tập quán chăn nuôi gia súc, nếp sinh hoạt của người dân giống như Bắc Kạn.

QT - Báo Bắc Kạn

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/265/299501/cap-cuu-thanh-cong-benh-nhan-bi-bo-huc-thung-ruot.aspx