Cáp Internet dưới biển - Mục tiêu dễ bị tổn thương trong chiến tranh tương lai

Thiệt hại gần đây đối với cáp Internet ngầm dưới biển ở Biển Đỏ dường như không phải là cố ý, nhưng sự cố xảy ra ở điểm nóng xung đột cho thấy chúng có thể bị tấn công dễ dàng như thế nào.

Thợ sửa chữa cáp ngầm dưới biển. Ảnh minh họa cắt từ màn hình Vnews

Ngày 4/3 vừa qua, ba tuyến cáp quang Internets ở Biển Đỏ đã bị hỏng, khiến tốc độ đường truyền Internet trong khu vực giảm xuống.

Sự cố có thể mất vài tuần hoặc vài tháng để sửa chữa do xung đột đang diễn ra ở Yemen và do lực lượng Houthi ở Yemen vẫn đang tăng cường tấn công tàu thuyền qua lại Biển Đỏ nhằm ủng hộ người Palestine trong cuộc xung đột với Israel ở Dải Gaza,

Đài CNN hôm 4/3 dẫn thông báo của công ty viễn thông HGC Global Communications của Hong Kong (Trung Quốc) cho biết ba tuyến cáp quang trong sự cố nêu ảnh hưởng tới khoảng 25% lưu lượng truy cập Internet trong khu vực.

Để giảm thiểu sự gián đoạn Internet và "mở rộng hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng", HGC Global Communications đã phải định tuyến lại băng thông, chuyển lưu lượng qua các tuyến cáp khác và tăng cường sự hỗ trợ của Internet vệ tinh.

Trả lời phỏng vấn kênh CBS, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng, ông John Kirby cho rằng mỏ neo của tàu chở hàng Rubymar có thể là nguyên nhân gây đứt cáp.

Đây là tàu treo cờ Belize, thuộc sở hữu của Anh, bị lực lượng Houthi ở Yemen tấn công làm hư hại vào ngày 18/2 và đã chìm vào hôm 2/3 sau một thời gian trôi dạt trên biển, làm dấy lên lo ngại về một thảm họa môi trường do tàu chở theo hàng chục nghìn tấn phân bón amoni phosphat sulfat.

Ngày 2/3, tàu chở phân bón Rubymar đã chìm ngoài khơi Yemen, trên Biển Đỏ, sau khi trúng tên lửa của lực lượng Houthi vào hôm 18/2/2024. Ảnh: AFP/TTXVN.

Trong một bài viết đăng trên tạp chí Forbes ngày 8/3, biên tập viên cao cấp Alex Knapp cho rằng những tuyến cáp quang Internets ở Biển Đỏ bị đứt không phải là cố ý. Tuy nhiên, vụ việc đã làm nổi bật tính dễ bị tổn thương, đặc biệt của các tuyến cáp ngầm dưới biển, nơi truyền tải khoảng 97% lưu lượng truy cập Internet của hành tinh, trước hành động làm gián đoạn có chủ ý.

Michael Darrah, một nhà nghiên cứu quân sự tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cũng nói với Forbes rằng việc làm gián đoạn các tuyến cáp ngầm dưới biển là “cực kỳ dễ dàng” và trong nhiều trường hợp nó “dễ đến mức rất khó xác định đó là tai nạn hay cố ý”.

Theo nhà nghiên cứu Darrah, thực tế này trở nên quan trọng hơn khi thế giới đang nỗ lực tránh xa các hành động quân sự quy mô lớn và các đối thủ địa chính trị có xu hướng nhắm mục tiêu vào nhau theo những cách tinh vi hơn. Một vụ đứt cáp ngầm dưới biển hoàn toàn có thể thực hiện bởi một đối thủ lợi dụng “vùng xám” và không muốn chịu trách nhiệm về bất kỳ cuộc tấn công nào.

Về phần mình, Phó Giám đốc nghiên cứu tại Công ty phân tích TeleGeography, ông Tim Stonge cho rằng những kiểu tấn công nhỏ hơn này không nhất thiết gây ra sự gián đoạn lớn.

Hiện nay, hằng năm có khoảng 100 sự cố ảnh hưởng đến cáp ngầm dưới biển và 2/3 sự cố là do hoạt động của con người như dây cáp vướng vào lưới đánh cá hoặc bị neo tàu kéo lên.

Cho nên, ngành công nghiệp cáp ngầm dưới biển đã quen với việc xảy ra sự cố và họ đã chuẩn bị cho khả năng bị gián đoạn băng thông bằng công suất dư thừa. Ví dụ, ba tuyến cáp Internet bị đứt ở Biển Đỏ bị đứt thì vẫn còn lại 11 tuyến cáp ngầm trong khu vực có khả năng san sẻ lưu lượng truy cập Internet.

Cáp ngầm truyền tải 99% dữ liệu liên lục địa đi - đến khoảng 1.400 điểm kết nối trên toàn cầu. Ảnh: Bản đồ cáp ngầm

TeleGeography ước tính hiện có khoảng 574 tuyến cáp quang ngầm dưới biển đang hoạt động hoặc đã được lên kế hoạch lắp đặt. Thực tế này khiến một quốc gia khó có thể bị cắt hoàn toàn Internet, trừ khi đó là một quốc đảo, như đã xảy ra ở Tonga vào năm 2022 khi tuyến cáp quang biển duy nhất của quốc gia này bị phá hủy do một vụ phun trào núi lửa dưới nước. Thiệt hại đó mất khoảng một tháng để sửa chữa.

Tuy nhiên, do nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào việc truy cập internet, các chính phủ đã bắt đầu thực hiện nhiều bước đi hơn để đảm bảo an toàn cho các tuyến cáp ngầm dưới biển. Năm ngoái, NATO đã thành lập một trung tâm điều phối nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng ngàm dưới biển thông qua việc gắn kết giữa doanh nghiệp và chính quyền nhằm tăng cường an ninh cho các tuyến cáp và đường ống ngầm dưới biển.

Vấn đề chính cần được giải quyết trong ngắn hạn là làm thế nào để dễ dàng xác định con tàu gây ra sự cố đứt cáp. Hiện nay, các công ty viễn thông biết được thời điểm và địa điểm xảy ra sự cố, nhưng xác định nguyên nhân cụ thể không phải chuyện dễ.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Darrah, nếu các chính phủ tăng cường giám sát cơ sở hạ tầng, sử dụng radar, hình ảnh vệ tinh, thiết bị định vị tàu và các dữ liệu khác thì có thể xác định trực tiếp ai hoặc cái gì đã làm hỏng cáp ngầm dưới biển. Khi đó, thủ phạm của một vụ tấn công có chủ ý nhằm vào cơ sở hạ tầng dưới biển sẽ bị phơi bày, đương nhiên, những hành động tấn công như vậy sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn.

Thành Nam/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/cap-internet-duoi-bien-muc-tieu-de-bi-ton-thuong-trong-chien-tranh-tuong-lai-20240315132453417.htm