Cập nhật 7h ngày 12/9: Hơn 20 triệu bệnh nhân bình phục Covid-19; Pháp giảm thời gian cách ly còn 7 ngày

Theo trang thống kê Worldometers, tính đến 6h ngày 12/9, toàn cầu ghi nhận 28.634.735 người nhiễm Covid-19, trong đó có 918.762 trường hợp tử vong và 20.555.891 bệnh nhân bình phục.

Cập nhật 7h ngày 12/9: Mỹ vượt 6,6 triệu ca nhiễm; Ấn Độ với 77.506 ca tử vong trên 4.657.379 ca bệnh.

Cập nhật 7h ngày 12/9: Mỹ vượt 6,6 triệu ca nhiễm; Ấn Độ với 77.506 ca tử vong trên 4.657.379 ca bệnh.

* Xét theo quốc gia, chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch Covid-19 vẫn là Mỹ với 197.351 trường hợp tử vong trong tổng số 6.633.993 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 77.506 ca tử vong trên 4.657.379 ca bệnh. Brazil đứng thứ ba với 130.474 ca tử vong trong số 4.283.978 bệnh nhân.

* Tại Hàn Quốc, Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết thủ đô Seoul tiếp tục phát sinh một số ổ dịch mới, trong đó số ca nhiễm mới liên quan đến Bệnh viện Severance ở quận trung tâm Seodaemun đã tăng lên thành 23 ca, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch lớn hơn. Ngoài ra, thành phố miền Trung Gwangju cũng ghi nhận ổ dịch với 27 ca nhiễm tại một khu chợ thuộc quận Buk và Công ty Công nghiệp nặng Hyundai ở thành phố Ulsan với 12 ca. Theo KCDC, dù số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc duy trì ở ngưỡng trên 100 ca/ngày trong 9 ngày qua nhưng bắt đầu có dấu hiệu tăng nhẹ trở lại. Trong số 176 ca nhiễm mới ghi nhận sáng 11/9, có 161 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 15 ca nhập cảnh. KCDC cho biết các cơ quan chức năng đang cân nhắc khả năng gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội sau ngày 13/9 nhằm ngăn dịch lây lan rộng.

* Tại Đông Nam Á, số ca mắc Covid-19 tại một số nước vẫn gia tăng. Đáng chú ý, ngày 11/9, Malaysia ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất trong 3 tháng, với 182 ca. Hiện tổng số ca nhiễm tại Malaysia là 9.810, trong đó có 128 trường hợp tử vong, cao thứ 4 khu vực Đông Nam Á.

Philippines cũng ghi nhận thêm 4.040 ca mắc COVID-19 - mức tăng hằng ngày cao nhất trong 12 ngày qua. Tính đến nay, tổng số ca nhiễm tại quốc gia Đông Nam Á này là 24.947 - cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có 4.066 trường hợp tử vong. Tâm dịch Manila ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao nhất cả nước, với 1.813 ca. Thứ trưởng Bộ Y tế Philippines khẳng định nước này đang tăng cường năng lực của toàn bộ hệ thống y tế để phòng, chống Covid-19.

Tại Thái Lan, các số liệu dịch tễ học cho thấy chủng G của virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện trên bệnh nhân đầu tiên sau 100 ngày nước này không ghi nhận ca nhiễm mới. Chủng G dễ lây nhiễm hơn các chủng L và S, và hầu hết được phát hiện ở những người nhập cảnh từ nước ngoài và phải cách ly. Tổng Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu y học thuộc Bộ Y tế Thái Lan Opas Karnkawinpong cho biết các ca nhiễm chủng G khá hiếm ở Thái Lan, song cảnh báo tình hình vẫn đáng lo ngại khi ngày càng có nhiều lao động nhập cư trái phép đang tìm cách thâm nhập lãnh thổ Thái Lan để tìm việc làm. Giới chức Thái Lan cũng khuyến cáo người dân tuân thủ nghiêm các yêu cầu phòng dịch căn bản như đeo khẩu trang khi ra đường và rửa tay thường xuyên với nước sát khuẩn.

* Tại Mỹ Latinh, mặc dù dịch bệnh đang lây lan với tốc độ chậm hơn ở một số nước, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại đây, khu vực có số ca nhiễm nhiều nhất thế giới, đã vượt ngưỡng 8 triệu. Thống kê của Reuters cho thấy số ca nhiễm trung bình hằng ngày tại khu vực này đã giảm xuống 67.173 ca trong tuần từ ngày 2-9/9, so với 80.512 ca tuần trước đó.

Brazil vẫn là nước chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh trong khu vực, với hơn 4,2 triệu ca nhiễm và hơn 129.000 ca tử vong. Tuy nhiên, giới chức Brazil cho biết số ca nhiễm mới tại nước này đã giảm với tốc độ mạnh nhất (30%). Peru, Colombia và Mexico - các nước có số ca nhiễm nhiều sau Brazil tại khu vực này, cũng giảm nhẹ. Các nhà lãnh đạo các nước khu vực Mỹ Latinh đang tìm cách giảm thiểu tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế. Riêng ngành du lịch của khu vực này ước tính thiệt hại khoảng 230 tỷ USD trong năm nay do ảnh hưởng của việc đóng cửa biên giới và hoạt động du lịch trên toàn cầu giảm mạnh.

* Ở châu Âu, trong khi đó, tình hình dịch bệnh đang có dấu hiệu phức tạp trở lại ở châu Âu. Anh là nước ghi nhận tốc độ lây nhiễm ở mức cao nhất, tới 77%, tương đương 2.532 ca mắc mới/ngày. Một nghiên cứu của trường Đại học Hoàng gia Anh, công bố ngày 11/9, cho thấy tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 đang gia tăng trên khắp các khu vực của xứ England, với số ca nhiễm tăng gấp đôi mỗi tuần. Theo nghiên cứu trên, tỷ lệ lây nhiễm đang tăng trong tất cả các nhóm tuổi, ngoại trừ nhóm người trên 65, và các ca nhiễm không chỉ liên quan đến những ổ dịch tại bệnh viện hay nhà dưỡng lão như những tháng trước. Tính đến nay, Anh ghi nhận 358.138 ca mắc COVID-19, trong đó có 22.913 người tử vong.

Thụy Sĩ, Hungary, Ukraine cũng ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất. Trong 24 giờ qua, Thụy Sĩ đã ghi nhận thêm 528 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 - mức cao nhất kể từ đầu tháng 4. Số ca mắc mới tại Hungary là 718 trường hợp - mức cao nhất từ khi bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp. Còn ở Ukraine, con số này lên tới 3.144 ca, vượt xa mức 2.836 ca ghi nhận hôm 5/9.

* Liên minh châu Âu (EU) ngày 11/9 đã thông báo sẽ gửi 4 tấn trang thiết bị y tế quan trọng đến Peru nhằm giúp quốc gia Nam Mỹ này giảm bớt tác động của đại dịch Covid-19. Cao ủy EU về Quản lý khủng hoảng Janez Lenarcic cho biết chuyến hàng viện trợ nhân đạo này sẽ tới Peru vào đầu tuần sau. Tính đến nay, Peru đã ghi nhận hơn 710.000 ca mắc Covid-19, đứng thứ 5 thế giới, trong đó có 30.344 ca tử vong. Ngoài ra, EU cũng đang lên kế hoạch dành khoản viện trợ trị giá 30,5 triệu euro giúp tăng cường các dự án nhân đạo ở Trung, Nam Mỹ và Caribe, đồng thời hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất ở khu vực này ứng phó với các tác động từ thiên tai thông qua việc nâng cao năng lực thích ứng, triển khai các hệ thống cảnh báo sớm, tăng cường khả năng tiếp cận nước sạch và dịch vụ vệ sinh.

* Thủ tướng Pháp Jean Castex ngày 11/9 thông báo quyết định giảm thời gian cách ly đối với những người nghi ngờ mắc Covid-19 từ 14 xuống còn 7 ngày, để phù hợp hơn với "thời kỳ thực sự có nguy cơ lây nhiễm", đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng nghiêm ngặt khoảng thời gian cách ly này và công tác kiểm tra sẽ được tiến hành thường xuyên. Ông Castex kêu gọi người dân Pháp tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách, giữ gìn vệ sinh và sử dụng khẩu trang nơi công cộng, đồng thời cảnh báo về sự gia tăng đáng lo ngại của số ca nhập viện do Covid-19 thời gian gần đây, song cho biết sẽ tránh áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc mới, điều có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.

Ông Castex tuyên bố chính phủ không thay đổi chiến lược và phải thành công trong việc chung sống với virus SARS-CoV-2. Pháp sẽ tăng cường hơn nữa năng lực xét nghiệm (hiện đạt hơn 1 triệu xét nghiệm/tuần), ưu tiên những người được xác nhận phơi nhiễm với bệnh nhân COVID-19 hoặc đã có các triệu chứng, cũng như nhân viên y tế trong bệnh viện và nhà dưỡng lão.

Giới chức y tế Pháp đang ngày càng lo ngại về sự lây nhiễm tăng cao từ đầu tháng 9, cho dù số người phải đưa vào diện chăm sóc đặc biệt và số ca tử vong thấp hơn nhiều so với thời kỳ đỉnh dịch vào tháng 4. Hiện 42 trong số 101 tỉnh của Pháp bị xếp vào loại "nguy cơ cao" về sự lây lan của virus, so với 28 tỉnh hồi đầu tuần.

Tối 11/9, Cơ quan y tế Pháp ghi nhận thêm 9.406 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, giảm so với ngày trước đó (9.843 ca). Số bệnh nhân tử vong trong 24 giờ là 80 ca, nâng tổng số ca tử vong lên 30.893 trường hợp kể từ đầu tháng 3.

Bản thân Thủ tướng Castex đang trong thời gian cách ly 7 ngày, sau khi đã tiếp xúc vào cuối tuần trước với ông Christian Prudhomme, giám đốc cuộc đua xe đạp Tour de France, người đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Ông Castex được xác nhận âm tính sau lần xét nghiệm thứ nhất.

* Thông qua việc đánh giá tính hiệu quả của các loại khẩu trang khác nhau trong việc ngăn chặn dịch Covid-19, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Duke của Mỹ phát hiện khẩu trang trùm cổ có tác dụng ít nhất, trong khi khẩu trang N95, khẩu trang y tế hay khẩu trang vải lại là sự lựa chọn tốt nhất trong việc bảo vệ sức khỏe. Các chuyên gia Đại học Duke đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá hiệu quả của các loại khẩu trang trong việc ngăn giọt bắn trong quá trình giao tiếp - vốn được cho là tác nhân lây truyền bệnh.

Các nhà nghiên cứu đã lắp một chùm tia laser trong một chiếc hộp tối để chiếu vào các giọt bắn của người nói khi họ nói thông qua một lỗ trên hộp. Một chiếc camera được đặt ở đầu bên kia chiếc hộp đã thu nhận hình ảnh những giọt bắn này. 14 khẩu trang thông dụng đã được thử nghiệm, trong khi các nhà nghiên cứu đã sử dụng thuật toán máy tính để đếm số lượng các giọt bắn trong hình ảnh được camera thu lại.

Kết quả cho thấy khẩu trang trùm cổ - thường được những người chạy ngoài trời sử dụng, có ít tác dụng nhất trong việc ngăn giọt bắn, thậm chí còn tạo ra nhiều giọt bắn hơn ngay cả khi người nói không đeo khẩu trang. Các tác giả của nghiên cứu lý giải nguyên nhân dẫn tới điều này có thể do sợi vải của khẩu trang trùm cổ làm vỡ các giọt bắn to thành những giọt nhỏ hơn, thường tồn tại lâu hơn và dễ bay đi hơn trong không khí. Vì vậy, việc đeo khẩu trang trùm cổ có thể không mang lại tác dụng.

Việc sử dụng khăn rằn, khăn tay hoặc mũ trùm đầu cổ cũng không mang lại nhiều tác dụng. Trong khi đó, khẩu trang N95 được cho là mang lại hiệu quả nhất, tiếp đó là khẩu trang y tế dùng một lần làm từ vải không dệt. Đứng thứ 3 về hiệu quả phòng, chống Covid-19 là khẩu trang có hai lớp cotton và mộ lớp làm từ sợi tổng hợp.

Tại Việt Nam, tính đến 6h ngày 12/9, đã 10 ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Việt Nam đã điều trị khỏi cho 903 bệnh nhân trong khi có 35 trường hợp tử vong. Hiện có 54 ca bệnh đã có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1-3 lần trở lên. Chính phủ kêu gọi người dân cài đặt ứng dụng Bluezone-Truy vết tiếp xúc. Cách cài đặt ứng dụng Bluezone như sau: Bước 1: Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này. Truy cập App Store (iOS) hoặc Google Play Store (Android) và tìm phần mềm tên Bluezone, sau đó nhấn tải về và cài đặt vào thiết bị. Bước 2: Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng truy cập. Bước 3: Về cơ bản, chỉ cần làm đến đây là các bạn đã có thể nhận được cảnh báo từ Bluezone. Sau khi được cấp quyền, ứng dụng sẽ tự bật kết nối Bluetooth để ghi nhận lại việc tiếp xúc với những người dùng khác cùng trong cộng đồng Bluezone. Trong trường hợp một người dùng trong cộng đồng Bluezone dương tính với Covid-19, thông tin của họ sẽ được cập nhật lên hệ thống. Lúc này, ứng dụng trên máy người dùng sẽ tải về các thông tin đó và so sánh với lịch sử tiếp xúc của bạn. Nếu đã từng tiếp xúc với người bệnh đủ lâu (trên 15 phút) và đủ gần (dưới 2 mét), ứng dụng sẽ gửi thông tin cảnh báo nguy cơ mắc Covid tới điện thoại của bạn. Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người!

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cap-nhat-7h-ngay-129-hon-20-trieu-benh-nhan-binh-phuc-covid-19-phap-giam-thoi-gian-cach-ly-con-7-ngay-123605.html