Cập nhật Covid-19 ngày 1/1: Châu Âu vẫn là tâm dịch, Anh có hơn 55.000 ca nhiễm mới một ngày; Trung Quốc cấp vaccine miễn phí cho người dân

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9h sáng ngày 1/1 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 83.771.412 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 1.824.387 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 59.307.628 người.

Cập nhật Covid-19 ngày 1/1: Châu Âu vẫn là tâm dịch, Anh có hơn 55.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, Trung Quốc cấp vaccine miễn phí cho người dân.

Cập nhật Covid-19 ngày 1/1: Châu Âu vẫn là tâm dịch, Anh có hơn 55.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, Trung Quốc cấp vaccine miễn phí cho người dân.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vì Covid-19 vẫn là Mỹ với 353.886 ca tử vong trong tổng số 20.429.667 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 149.018 ca tử vong trong số 10.286.329 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 194.976 ca tử vong trong số 7.675.973 bệnh nhân.

Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 23,6 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 543.687 ca tử vong. Tiếp đến là châu Á với 337.354 ca tử vong trong tổng số hơn 20,6 triệu ca mắc. Bắc Mỹ có hơn 513.976 ca tử vong trong hơn 20,4 triệu ca nhiễm. Nam Mỹ ghi nhận 362.730 ca tử vong trong tổng số hơn 13,2 triệu ca nhiễm. Châu Phi và châu Đại dương có số ca mắc thấp nhất lần lượt là hơn 2,7 triệu ca và hơn 48.300 ca.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành, hàng triệu người khắp nơi trên thế giới đã trải qua một đêm giao thừa lặng lẽ chưa từng có. Hàng chục quốc gia thực hiện phong tỏa, hạn chế hoạt động, áp đặt giờ giới nghiêm nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Nhiều quốc gia kêu gọi người dân đón Năm Mới và thưởng thức các màn bắn pháo hoa ở nhà.

Tại châu Âu, Anh ngày 31/12/2020 thông báo thêm 55.892 ca mắc Covid-19, mức cao nhất từ khi dịch bùng phát, nâng tổng số ca mắc lên 2.488.780 ca. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp Anh ghi nhận hơn 50.000 ca mắc mới trong 1 ngày. Số ca tử vong cũng tăng 964 ca, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi lên 73.512 ca. Thủ tướng Boris Johnson kêu gọi người dân tuân thủ quy tắc phòng dịch và đón năm mới an toàn tại nhà.

Trong khi đó, Pháp ghi nhận thêm 19.927 ca mắc và 251 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt là 2.620.425 ca và 64.632 ca. Pháp đã triển khai 100.000 cảnh sát và hiến binh để giải tán các bữa tiệc, cuộc tụ tập đông người.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cho biết cảnh sát thực thi nghiêm ngặt giờ giới nghiêm toàn quốc từ 8 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau để ngăn chặn tụ tập trái phép và hiện tượng bạo lực. Cảnh sát tăng cường tập trung ở các trung tâm thành phố và các khu vực nhạy cảm.

Đức cũng thông báo có thêm 23.305 ca mắc, nâng tổng số ca mắc lên 1.743.478 ca, trong khi số ca tử vong cũng tăng thêm 618 ca lên 34.104 ca.

Cũng trong 24 giờ qua, số ca nhiễm mới CH Czech đã tăng cao kỷ lục với 16.939 ca, nâng tổng số ca bệnh lên 718.661 ca, trong đó 11.580 ca tử vong.

Trong khi đó, với 27.747 ca mắc mới và 593 ca tử vong mới, tổng số ca mắc và không qua khỏi do Covid-19 tại Nga cũng đã tăng lên lần lượt là 3.159.297 ca và 57.019 ca.

Tại châu Mỹ, Chính phủ Canada dự kiến sẽ yêu cầu hành khách đến nước này bằng máy bay phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ thời điểm Canada áp dụng yêu cầu mới trên.

Giới chức Canada nhiều tháng qua đã khuyến cáo người dân ở nhà và tránh các chuyến đi không cần thiết để làm chậm tốc độ lây lan của dịch Covid-19. Đến nay nước này đã có 580.395 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó 15.606 ca tử vong.

Trong khi đó, Bộ Y tế Mexico xác nhận thêm 12.406 ca mắc và 1.052 ca tử vong, theo đó nâng tổng số ca mắc và tử vong lần lượt lên 1.413.935 và 124.897 ca.

Tại châu Á, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc thông báo ghi nhận thêm 1.029 ca mắc, trong đó có 1.004 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc lên 61.769 ca. Trong khi đó, số ca tử vong do Covid-19 cũng tăng thêm 17 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi lên 917 ca. Số ca mắc mới theo ngày ở Hàn Quốc vẫn trên mốc 1.000 ca, khiến giới chức y tế nước này cân nhắc kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội.

Thủ tướng Narendra Modi cho biết các công tác chuẩn bị để tiêm phòng sắp hoàn tất, người dân sẽ được tiêm vaccine sản xuất tại Ấn Độ.

Trung Quốc sẽ cung cấp vaccine miễn phí cho toàn dân

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) ngày 31/12 cho biết nước này sẽ cung cấp vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 miễn phí cho toàn dân.

Phát biểu tại họp báo, Phó Chủ tịch NHC cho biết: "Mọi công dân Trung Quốc sẽ được tiêm miễn phí... nhằm tạo một hàng rào miễn dịch toàn dân để kiểm soát dịch bệnh". Theo quan chức này, để đạt mục tiêu trên cần 60-70% dân số được tiêm phòng.

Vaccine được sử dụng trong chiến dịch này do công ty Viện Sản phẩm sinh học Bắc Kinh thuộc Tập đoàn Công nghệ sinh học quốc gia Trung Quốc phối hợp với Sinopharm sản xuất.

Cũng tại cuộc họp báo trên, một quan chức Bộ Ngoại giao cho biết khi các vaccine của Trung Quốc được đưa vào sử dụng, Trung Quốc sẽ hoàn thành cam kết biến vaccine thành một hàng hóa công toàn cầu và cung cấp cho thế giới với mức giá công bằng và hợp lý. Trung Quốc cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế phối hợp nhằm phân phối vaccine công bằng trên thế giới.

* Cùng ngày, Hàn Quốc đã ký thỏa thuận mua vaccine của hãng dược phẩm Moderna (Mỹ) bắt đầu từ quý II/2021. Hợp đồng chính thức đã đạt được 3 ngày sau khi Tổng thống Moon Jae-in và Giám đốc điều hành Moderna, Stephane Bancel đạt nhất trí thông qua trao đổi trực tuyến. Số lượng vaccine trong thỏa thuận nhiều gấp đôi số lượng mà Chính phủ Hàn Quốc dự định mua ban đầu. Theo thỏa thuận, vaccine sẽ có đủ để tiêm cho 56 triệu người.

* Tại Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi cho biết các công tác chuẩn bị để tiêm phòng sắp hoàn tất, người dân sẽ được tiêm vaccine sản xuất tại Ấn Độ.

Phát biểu nhân dịp khởi công xây dựng Viện Y khoa toàn Ấn (AIIMS) ở Rajkot (bang Gujarat), ông Modi cho biết: "Công tác chuẩn bị đã bước vào giai đoạn cuối". Các chuyên gia do chính phủ chỉ định đang đánh giá đơn xin phép sử dụng khẩn cấp của 3 nhà sản xuất vaccine.

Đại dịch Covid-19 tác động mạnh tới những người tị nạn

Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) ngày 30/12 thông báo đã di tản 130 người xin tị nạn từ Libya sang Rwanda.

Trong một tuyên bố, UNHCR cho biết đã đưa thành công 130 người xin tị nạn thuộc đối tượng dễ bị tổn thương tại Libya sang Rwanda trong chuyến bay giải cứu thứ 4 và cũng là cuối cùng trong năm 2020. Các chuyến bay tiếp theo sẽ được nối lại vào năm 2021. Đây là một phần trong Cơ chế quá cảnh di tản (ETM) - được ví như "phao cứu sinh" đối với những người tị nạn dễ bị tổn thương ở Libya.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh các biện pháp hạn chế nhằm kìm hãm sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 không chỉ khiến những người tị nạn tại Libya phải đối mặt với tình trạng mất sinh kế, mất an ninh lương thực và thiếu khả năng tiếp cận chăm sóc y tế, mà còn ảnh hưởng đến cách thức họ rời khỏi Libya một cách hợp pháp. Do đó, ông Jean-Paul Cavalieri, người đứng đầu phái bộ UNHCR tại Libya, kêu gọi các nước tiếp nhận tạo thêm điều kiện tái định cư để hỗ trợ UNHCR di tản những người xin tị nạn tại Libya.

Thống kê cho thấy trong năm 2020 đã có 811 người tị nạn và xin tị nạn được di tản khỏi Libya. Trong khi đó, hiện có 44.725 người tị nạn và xin tị nạn đã đăng ký với UNHCR tại Libya, trong đó có 329 người đang sống tại các trung tâm giam giữ.

Hàng nghìn người di cư bất hợp pháp ở châu Phi đã đến Libya, coi đây là điểm xuất phát vượt Địa Trung Hải nhằm tới được các bờ biển châu Âu, trong bối cảnh quốc gia Bắc Phi này rơi vào tình trạng mất an ninh và hỗn loạn ở Libya sau khi chế độ của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ năm 2011.

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cap-nhat-covid-19-ngay-11-chau-au-van-la-tam-dich-anh-co-hon-55000-ca-nhiem-moi-mot-ngay-trung-quoc-cap-vaccine-mien-phi-cho-nguoi-dan-132920.html