Cập nhật Covid-19 ngày 20/1: Châu Âu tiếp tục 'vật lộn', số tử vong mới ở Anh cao kỷ lục; Nga tuyên bố vaccine đầu tiên đạt hiệu quả 100%

Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận hơn 96,6 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 2 triệu ca tử vong và gần 96,3 triệu bệnh nhân bình phục.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do Covid-19 vẫn là Mỹ với 411.486 ca tử vong trong tổng số 24,8 triệu ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 10.596.228 ca bệnh, trong đó có 152.747 ca tử vong. Brazil đứng thứ 3 với 211.511 ca tử vong trong số 8.575.742 bệnh nhân.

Xét tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo đó, cứ 100.000 người dân thì có 177 người tử vong. Tiếp đến là Slovenia với 154 người và Czech 137 người.

Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 30,8 triệu người mắc Covid-19, trong đó có hơn 665.607 ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribbean, với hơn 552.535 ca tử vong trong hơn 17,4 triệu ca nhiễm.

Bắc Mỹ có hơn 417.000 ca tử vong trong hơn 24,7 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 231.560 ca tử vong trong hơn 14,6 triệu ca nhiễm.

Trung Đông có hơn 93.900 ca tử vong, châu Phi ghi nhận hơn 79.600 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là 945 người.

* Tại châu Âu, nhiều nước tiếp tục "vật lộn" với việc đối phó Covid-19. Chính phủ Anh cho biết, trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 1.610 ca tử vong, mức cao nhất ghi nhận theo ngày kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát, nâng tổng số người không qua khỏi đại dịch này lên mức trên 91.000 người.

Trong 24 giờ qua, nước này cũng đã có thêm 33.355 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.

Dữ liệu về kháng thể trong báo cáo Nghiên cứu về sự lây nhiễm Covid-19 do Văn phòng Thống kê quốc gia (ONS) Anh hợp tác thực hiện với các trường Đại học và tổ chức cho thấy, tính đến ngày 31/12/2020, ước tính tỷ lệ người nhiễm Covid-19 tại Anh chiếm 1/8 dân số. Con số này tại Bắc Ireland là 1/13, Scotland là 1/11 và xứ Wales là 1/10.

Tính đến hết ngày 18/1, đã có hơn 4,2 triệu người tại Anh được tiêm vaccine phòng Covid-19.

Chính phủ liên bang và chính quyền các bang ở Đức đã nhất trí kéo dài lệnh phong tỏa hiện nay tới ít nhất ngày 14/2, đồng thời siết chặt thêm một số biện pháp phòng ngừa nhằm giảm số ca lây nhiễm trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều số ca mắc các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Số liệu từ các cơ quan y tế Đức cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm gần 12.000 ca nhiễm mới với 1.163 ca tử vong. Hiện trên cả nước Đức đang có gần 290.000 người mắc Covid-19.

Ngày 19/1, Hãng thông tấn ANP dẫn phát biểu của Bộ trưởng Y tế Hà Lan Hugo de Jonge cho biết, chính phủ sẽ sớm tung ra các biện pháp mới để hỗ trợ cuộc chiến với đại dịch Covid-19.

Chính phủ Hà Lan đang cân nhắc bổ sung lệnh giới nghiêm ban đêm vào các biện pháp đóng cửa hiện tại bao gồm lệnh câm tụ tập công cộng và đóng cửa trường học, nhà hàng và các cửa hàng không thiết yếu.

Trong khi đó, tổng số các ca xác nhận mắc Covid-19 tại Thụy Sỹ và công quốc Liechtenstein láng giềng đã tăng lên 502.191 trường hợp, số người thiệt mạng tăng 75 nâng tổng số lên 8.166 người trong khi 129 ca nhập viện đã gây áp lực lên hệ thống y tế.

* Tại châu Á, theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), ngày 20/1, ghi nhận thêm 404 ca nhiễm mới Covid-19, trong đó có 373 ca lây nhiễm trong nước và 31 ca nhập cảnh từ nước ngoài, nâng tổng số ca nhiễm lên 73.518.

Hàn Quốc cũng có thêm 17 người tử vong do đại dịch Covid-19, nâng tổng số người không qua khỏi do lên 1.300.

Cùng ngày, các bộ trưởng trong chính phủ Israel đồng loạt thông qua việc gia hạn các biện pháp phong tỏa chặt chẽ từ nay tới ngày 31/1.

Các bộ trưởng cũng nhất trí với đề xuất buộc du khách nhập cảnh vào Israel phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 tiếng trước chuyến bay.

* Tại châu Phi, hiện Nam Phi đang trong làn sóng dịch thứ hai với số ca mắc Covid-19 mới trong ngày vượt xa làn sóng dịch thứ nhất. Tính đến thời điểm hiện tại, Nam Phi ghi nhận 1.346.936 ca nhiễm, chiếm 40% trong tổng số hơn 3,2 triệu ca nhiễm toàn châu Phi, bỏ xa các nước xếp liền sau như Morocco với 460.00 ca và Ai Cập với 157.000 ca.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã thông báo thành lập một ủy ban liên bộ chuyên trách về việc triển khai kế hoạch tiêm đại trà vaccine ngừa Covid-19 trên quy mô toàn quốc.

Ủy ban này sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc hỗ trợ chính phủ triển khai kế hoạch tiêm chủng đại trà vaccine ngừa Covid-19 một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Bộ Y tế Nam Phi trước đó thông báo nước này đặt mục tiêu tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho ít nhất 40,3 triệu người, tương đương 2/3 dân số trong năm 2021.

* Ngày 19/1, Ủy ban độc lập về công tác phòng ngừa và ứng phó đại dịch do Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, đại dịch Covid-19 có thể là một động lực để cải tổ tổ chức này, giống như sự kiện Chernobyl, một thảm họa hạt nhân năm 1986 đã buộc cơ quan quan trọng của LHQ phải thay đổi khẩn cấp.

Ủy ban này nhấn mạnh, WHO đang thiếu năng lượng, các khoản tài trợ thiếu hụt và yêu cầu cải cách cơ bản là cần thiết để có thể cung cấp cho tổ chức này các nguồn lực cần thiết nhằm ứng phó hiệu quả hơn với các đợt bùng phát dịch bệnh nguy hiểm chết người.

Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp Ban điều hành của WHO, bà Ellen Johnson Sirleaf, đồng Chủ tịch Ủy ban trên bày tỏ "chán nản và thất vọng" về các kế hoạch triển khai vaccine ngừa Covid-19 mà theo bà, các mũi tiêm sẽ không được phổ biến rộng rãi ở châu Phi cho đến năm 2022 hoặc 2023.

* Liên quan vaccine ngừa Covid-19, ngày 19/1, hãng TASS dẫn tuyên bố của Cơ quan Giám sát và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Nga Rospotrebnadzor cho hay, vaccine thứ 2 của nước này, có tên EpiVacCorona, do Trung tâm Nghiên cứu Virus và Công nghệ Sinh học Nhà nước Vector phát triển, đạt hiệu quả 100% dựa trên kết quả thử nghiệm lâm sàng.

Nga đã bắt đầu thử nghiệm quy mô lớn vaccine EpiVacCorona vào tháng 11/2020.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard thông báo nước này sẽ tiếp nhận 7,4 triệu liều vaccine Sputnik-V của Nga từ cuối tháng 1 đến hết tháng 2 để tiêm cho 3,7 triệu dân vào tháng 3/2021.

Dự kiến, Mexico sẽ mua 12 triệu liều vaccine Sputnik-V. Hiện Mexico đã tiếp nhận trên 700.000 liều vaccine của Pfizer/BioNTech.

Trong khi đó, Quốc vụ khanh kiêm người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Or Vadine thông báo, Trung Quốc sẽ chuyển 300.000 liều vaccine trong lô đầu tiên cho Campuchia trong tháng 2/2021.

Hôm 15/1, Thủ tướng Hun Sen thông báo, chính phủ Trung Quốc sẽ cung cấp 1 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 để tiêm cho 500.000 người dân Campuchia.

Ông Hun Sen cũng xác nhận sẽ là người đầu tiên ở Campuchia tiêm vaccine khi số dược phẩm này của Trung Quốc được chuyển tới.

Trước đó, Serbia đã trở thành nước châu Âu đầu tiên tiêm đại trà vaccine của Trung Quốc, sau khi tiếp nhận một triệu liều vaccine từ công ty dược phẩm Sinopharm.

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cap-nhat-covid-19-ngay-201-chau-au-tiep-tuc-vat-lon-so-tu-vong-moi-o-anh-cao-ky-luc-nga-tuyen-bo-vaccine-dau-tien-dat-hieu-qua-100-134381.html