Cập nhật Covid-19 ngày 23/10: Tình hình cực kỳ tồi tệ, thế giới chạy đua bảo vệ tính mạng người dân; Mỹ trở lại 'thời kỳ đen tối'; Pháp chật vật

Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận 41.992.013 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 1.142.731 trường hợp tử vong và 31.184.544 bệnh nhân bình phục.

Ngày 22/10, thế giới trải qua ngày cực kỳ tồi tệ khi ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới cao nhất từ trước đến nay, với 478.132 trường hợp, trong đó 6.470 ca tử vong mới.

Trong ngày 22/10, Mỹ, Ấn Độ và Pháp ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất thế giới, lần lượt 74.301, 54.482 ca và 41.622 ca.

* Tại Mỹ, nước có tổng số ca nhiễm cao nhất thế giới (8.661.651 ca), nhiều bang đã ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao chưa từng thấy, bao gồm Indiana, North Dakota, Illinois, Montana, Oklahoma, Utah và Ohio. Trong ngày 22/10, số ca nhiễm mới Covid-19 ở Mỹ đã quay trở về thời kỳ đỉnh dịch hồi tháng 7.

Thực tế này củng cố khuyến cáo của giới chuyên môn cho rằng dịch bệnh sẽ gia tăng khi thời tiết lạnh hơn.

Theo hãng tin Reuters, cùng với số ca nhiễm và tử vong tăng mạnh, số bệnh nhân Covid-19 nhập viện điều trị tại Mỹ cũng tăng lên mức cao nhất trong 2 tháng qua. Hiện có 40.000 bệnh nhân phải nhập viện điều trị trên toàn nước Mỹ, tăng 33% kể từ ngày 1/10.

* Tại châu Âu, dịch tiếp tục diễn biến phức tạp khi nhiều nước ghi nhận số ca nhiễm mới lên mức cao nhất trong 1 ngày. Theo thống kê của Reuters, số ca nhiễm mới tại châu Âu đã tăng 100% trong 10 ngày qua. Đến nay, châu Âu ghi nhận 7.755.488 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 245.508 bệnh nhân tử vong.

Ngày 22/10, Thủ tướng Pháp Jean Castex thông báo mở rộng lệnh giới nghiêm ban đêm áp đặt tại 9 thành phố sang 38 tỉnh và vùng Polynesia thuộc Pháp, bắt đầu từ nửa đêm 23/10 và kéo dài trong 6 tuần, để đối phó đại dịch Covid-19 đang hết sức nghiêm trọng tại nước này.

Như vậy, tổng cộng khoảng 46 triệu người, tức gần 70% dân số Pháp, sẽ buộc phải ở trong nhà vào ban đêm.

Thủ tướng Castex đánh giá tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến xấu đi, đồng thời cảnh báo nguy cơ các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải trong những tuần tới.

Giống như nhiều nước châu Âu khác, Pháp đang chật vật đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ hai của dịch Covid-19 sau làn sóng lây nhiễm thứ nhất.

Tỷ lệ mắc Covid-19 tăng thêm 40% trong một tuần lên mức 251 ca/100.000 dân. Tỷ lệ người dương tính với virus SARS-CoV-2 trong số người đã được xét nghiệm tăng từ 13,7% lên 14,3% hôm 21/10, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 4,5% hồi đầu tháng 9.

Đến nay, Pháp ghi nhận 999.043 ca nhiễm Covid-19 khi ghi nhận số ca nhiễm mới kỷ lục trong ngày 22/10.

Cùng ngày, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã ban bố lệnh giới nghiêm từ 0h30-5h hằng ngày tại thủ đô Athens, thành phố Thessaloniki và một số khu vực khác, bắt đầu từ ngày 24/10.

Chính phủ Hy Lạp ban bố lệnh giới nghiêm trên sau khi nước này ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ trước đến nay với 882 ca và 15 ca tử vong. Đến nay, quốc gia Đông Nam châu Âu này xác nhận hơn 28.000 ca nhiễm Covid-19 và gần 550 ca tử vong.

Sau Pháp, Anh ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày 22/10 cao thứ 2 châu lục với hơn 21.000 ca. Italy, Bỉ, Czech, Ba Lan, Hà Lan, Đức đều ghi nhận số ca nhiễm mới trong khoảng từ 9.000 đến hơn 16.000 ca. Croatia, Slovenia và Bosnia đều ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cao nhất từ trước tới nay.

Đức đã đưa ra cảnh báo đi lại đối với những khu trượt tuyết nổi tiếng tại Thụy Sỹ, Ireland, đa số khu vực của Áo, một số vùng của Italy, trong đó có khu trượt tuyết nổi tiếng South Tyrol. Quyết định có hiệu lực từ ngày 24/10.

Người đứng đầu trung tâm kiểm soát bệnh dịch Viện Robert Koch Lothar Wieler trước đó nhấn mạnh, Đức đang đối mặt với sự gia tăng "rất nghiêm trọng" các ca mắc bệnh Covid-19.

Cùng ngày, thông tin trên trang Pravda.sk cho biết, Chính phủ Slovakia đã quyết định ban hành lệnh giới nghiêm trên toàn quốc từ ngày 24/10 đến ngày 1/11.

Bên cạnh việc áp lệnh giới nghiêm, Chính phủ Slovakia cũng sẽ hạn chế phương tiện giao thông công cộng từ 26/10 - 15/11.

Bộ trưởng Y tế Slovakia Marek Krajčí cho biết, số ca nhập viện do Covid-19 ở nước này đang tăng nhanh và sẽ còn tiếp tục tăng. Trong chưa đầy 3 tuần tới, các bệnh viện vốn đã thiếu nhân viên sẽ trở nên quá tải. Đến nay, tổng số ca nhiễm Covid-19 ở Slovakia là 35.330 người, trong đó có 115 ca tử vong.

Tại Nga, Bộ trưởng Y tế nước này Mikhail Murashko thông báo sẽ tự cách ly sau khi một trong những thành viên trong gia đình ông có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong ngày 22/10, Nga đã ghi nhận thêm 15.971 ca mắc Covid-19, trong đó có 290 ca tử vong. Đến nay, Nga ghi nhận 1.463.306 ca nhiễm, trong đó có 25.242 không qua khỏi.

* Tại châu Á, một số điểm nóng về dịch bệnh tiếp tục ghi nhận số ca mắc tăng mạnh. Số ca mắc mới trong cộng đồng tại Hàn Quốc được ghi nhận trong 1 ngày đã lần đầu tiên tăng trở lại lên mức hơn 100 ca trong gần 1 tháng qua.

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo thêm 121 ca nhiễm, trong đó có 104 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc Covid-19 trên cả nước lên 25.543 ca.

Đây là số ca nhiễm mới cao nhất được ghi nhận trong 1 ngày trong tháng này chủ yếu từ các ổ dịch nhỏ tại Seoul và tỉnh Gyeonggi lân cận, cũng như các ca bệnh "nhập khẩu". Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận thêm 3 ca tử vong, nâng số ca không qua khỏi lên 453 ca.

Bộ Y tế Philippines xác nhận thêm 1.664 ca mắc, đánh dấu ngày thứ ba liên tiếp số ca mắc mới dưới 2.000 ca trong 1 ngày. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận thêm 38 ca tử vong do Covid-19. Hiện số ca mắc tại Philippines đã lên tới 363.888 ca, trong đó có 6.783 ca tử vong.

Indonesia ghi nhận thêm 4.432 ca mắc, nâng tổng số ca mắc lên 377.541 ca. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận 102 ca tử vong mới do dịch Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 12.959 ca. Indonesia hiện là quốc gia có số ca mắc và tử vong do Covid-19 cao nhất Đông Nam Á.

* Liên quan vaccine ngừa Covid-19, Liên minh châu ÂU (EU) đã ký hợp đồng với hãng dược phẩm Johnson & Johnson (J&J), theo đó hỗ trợ các nước thành viên trong khối mua được lượng vaccine ngừa bệnh Covid-19 đủ cung cấp cho 400 triệu người.

Hiện vaccine ngừa Covid-19 tiềm năng do J&J phát triển đang trong giai đoạn 3 thử nghiệm. J&J kỳ vọng lô vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên sẽ được cấp phép sử dụng vào đầu năm 2021 nếu chứng tỏ hiệu quả và an toàn sử dụng.

Tại Peru, Thủ tướng Walter Martos ngày 22/10 thông báo, hãng dược Sinopharm của Trung Quốc sẽ cung cấp vaccine Covid-19 cho 10 triệu người dân Peru và dự kiến sẽ giao lượng vaccine cho quốc gia Nam Mỹ vào quý I năm 2021.

Thủ tướng Peru cũng xác nhận hủy bỏ các cuộc đàm phán mua vaccine của hãng AstraZeneca (Anh) với lý do các nhà sản xuất đã không đáp ứng yêu cầu của Bộ Y tế Peru về thông tin trong quá trình phát triển vaccine cũng như các kết quả của các cuộc thử nghiệm, bên cạnh một số khúc mắc liên quan đến tài chính khác.

* Về tình hình thuốc điều trị Covid-19, tập đoàn dược phẩm Roche của Thụy Sỹ thông báo đang hợp tác với hãng Atea Pharmaceuticals để phát triển một loại thuốc uống để điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 nhưng không phải nhập viện.

Thuốc AT-527 đang được tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 cho những người nhập viện điều trị nhưng mức độ mắc bệnh chỉ là trung bình. Các thử nghiệm giai đoạn 3 - giai đoạn cuối cùng trước khi có thể nộp đơn xin phê duyệt để có thể bán ra thị trường - đối với loại thuốc này sẽ được tiến hành vào quý I/2021.

Trong khi đó, tại Mỹ, ngày 22/10, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cho biết đã cấp phép sử dụng thuốc remdesivir (biệt dược Veklury) trong điều trị bệnh nhân Covid-19. Đây là thuốc do công ty Gilead Sciences Inc phát triển.

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cap-nhat-covid-19-ngay-2310-tinh-hinh-cuc-ky-toi-te-the-gioi-chay-dua-bao-ve-tinh-mang-nguoi-dan-my-tro-lai-thoi-ky-den-toi-phap-chat-vat-127020.html