Cập nhật Covid-19 ngày 25/2: Israel cấp thẻ Xanh cho người tiêm đủ 2 mũi vaccine; Moderna thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa biến thể virus ở Nam Phi

Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận hơn 113 triệu bệnh nhân nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 2,5 triệu ca tử vong và gần 88,71 triệu bệnh nhân bình phục.

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất với 28.971.674 ca nhiễm, trong đó có 517.397 ca tử vong. Tiếp theo là Ấn Độ với 11.046.432 ca nhiễm và 156.742 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với 10.326.008 ca nhiễm và 250.079 ca tử vong.

Tính theo khu vực, châu Âu đã vượt Bắc Mỹ trở thành khu vực có số ca mắc Covid-19 và tử vong cao nhất thế giới, với 33.550.415 ca mắc, trong đó có 801.708 ca tử vong.

Bắc Mỹ ghi nhận 33.217.395 ca nhiễm và 747.059 ca tử vong. Châu Á đứng thứ ba với 24.714.464 ca nhiễm và 394.786 ca tử vong.

* Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhiều nước châu Âu tiếp tục gia hạn hoặc duy trì các biện pháp hạn chế để phòng, chống dịch.

Ngày 24/2, người phát ngôn Chính phủ Pháp Gabriel Attal cho biết nước này cần áp đặt biện pháp hạn chế mới tại các địa phương để tránh phải áp đặt lệnh phong tỏa mới trên toàn quốc. Người phát ngôn Attal nêu rõ tình hình lây nhiễm đang ở mức đáng lo ngại tại một số khu vực của nước Pháp.

Tại Italy, Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza tuyên bố nước này vẫn chưa sẵn sàng nới lỏng hạn chế đối với hoạt động kinh doanh và đi lại do số ca mắc Covid-19 vẫn có nguy cơ tăng. Bộ trưởng Speranza nêu rõ tình hình dịch bệnh hiện nay vẫn chưa cho phép Italy nới lỏng các biện pháp hạn chế. Chính phủ Italy đang lên kế hoạch đẩy nhanh chiến dịch tiêm phòng Covid-19.

Đầu tuần này, Italy đã gia hạn lệnh cấm các chuyến đi không cần thiết giữa 20 vùng của nước này nhằm ngăn chặn sự lây lan các biến thể của virus SARS-CoV-2 gây Covid-19 có khả năng lây nhiễm cao.

Cùng ngày, dẫn báo cáo mới nhất của Viện Y tế công cộng của Bỉ (Sciensano) cho biết số ca mắc mới Covid-19 và số người nhập viên tại nước này tiếp tục gia tăng trong thời gian qua.

Cụ thể, theo thống kê của Sciensano, từ ngày 14 đến 20/2, trung bình mỗi ngày tại Bỉ có 2.170 ca có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, tăng 19% so với tuần trước đó.

Chính phủ liên bang Đức ngày 24/2 đã thành lập lực lượng đặc nhiệm phụ trách mở rộng các cơ sở sản xuất, thu mua nguyên liệu cũng như các công việc liên quan tới vaccine phòng Covid-19. Biện pháp này được đưa ra trong bối cảnh chương trình tiêm chủng tại Đức diễn tiến chậm.

Trong khi đó, Áo và Czech phản đối việc Đức kiểm soát chặt biên giới để khống chế dịch. Các nước thành viên EU dự kiến sẽ nhất trí duy trì các biện pháp hạn chế đối với hoạt động đi lại vì mục đích nghỉ dưỡng.

Các nước phía Nam EU đang thúc đẩy việc ban hành hộ chiếu vaccine để khởi động du lịch mùa Hè. Tuy nhiên, Đức và Pháp lo ngại rằng việc mở cửa đi lại cho những người đã tiêm phòng sẽ dẫn đến tình trạng phân biệt đối xử với nhóm người còn lại.

* Tại Trung Đông - châu Phi, chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 cũng đang được triển khai.

Ngày 24/2, Israel thông báo cấp "thẻ Xanh" cho người tiêm đủ 2 mũi vaccine. Bộ Y tế Israel cho biết đang triển khai kế hoạch cấp chứng nhận cho những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 để họ được vào các điểm vui chơi, giải trí, mua sắm, thể thao, xuất cảnh du lịch và các hoạt động đông người khác. "Thẻ Xanh" này sẽ chứa mã bảo mật trong tem QR nhằm tránh bị làm giả.

Từ ngày 21/2, Israel bắt đầu cho phép các điểm dịch vụ dành cho đông người được mở cửa đón khách trở lại với điều kiện khách hàng phải có "thẻ Xanh".

Theo thống kê, đến nay Israel đã tiêm chủng cho hơn 50% tổng dân số đất nước, trong đó 4 triệu người đã được tiêm đủ 2 liều. Ngoài 3 triệu người chưa đủ điều kiện tiêm chủng (gồm trẻ em dưới 16 tuổi và những người đã khỏi Covid-19), vẫn còn 2 triệu người trưởng thành nhưng chưa được tiêm vaccine.

Ngày 24/2, Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) thông báo Ai Cập đã phê duyệt vaccine ngừa Covid-19 Sputnik V của Nga, trở thành quốc gia thứ 34 ngoài Nga và quốc gia thứ 3 tại Bắc Phi cấp phép sử dụng vaccine này. Bộ trưởng Y tế Ai Cập Hala Zayed cho biết vaccine ngừa Covid-19 sẽ có giá 200 bảng Ai Cập (12,8 USD), với phác đồ tiêm 2 liều trong vòng 21 ngày.

RDIF là cơ quan chịu trách nhiệm quảng bá vaccine Sputnik V ra nước ngoài. Theo RDIF, Cơ quan dược phẩm Ai Cập đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Sputnik V. Trước đó, Tunisia và Algeria cũng đã phê duyệt vaccine này.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Bồ Đào Nha Augusto Santos Silva cho biết Bồ Đào Nha sẽ chuyển 5% lượng vaccine của nước này cho một số nước châu Phi nói tiếng Bồ Đào Nha và Timor Leste trong nửa sau của năm 2021.

Các nước châu Phi đang gặp khó khăn trong việc đặt mua vaccine ngừa Covid-19 cho 1,3 tỷ người trong khu vực. Hiện chỉ có một số nước trong châu lục đã bắt đầu tiêm phòng.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận chương trình COVAX đã phân phối lô vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên tới Ghana. Liên minh châu Âu (EU) cũng đã đóng góp thêm 500 triệu Euro (606 triệu USD) cho chương trình COVAX - cơ chế được thiết lập nhằm phân phối vaccine công bằng trên toàn cầu.

* Tại châu Á:

Ngày 24/2, Bộ Y tế Singapore cho biết nước này đã nhận lô vaccine Sinovac phòng Covid-19 đầu tiên từ Trung Quốc, nhưng chưa phê duyệt sử dụng.

Tại Nhật Bản, Bộ trưởng Olympic Tamayo Marukawa cho biết việc tiêm vaccine phòng Covid-19 không phải là điều kiện tiên quyết để tham gia Olympic và Paralympic Tokyo. Mặc dù vậy, Cơ quan Phòng chống Doping Thế giới (WADA) vẫn khuyến nghị các vận động viên tham dự Olympic và Paralympic Tokyo cần tiêm vaccine phòng Covid-19 “vì sức khỏe của bản thân, của những người xung quanh và đa số người dân”.

Tuy nhiên, riêng đối với Nhật Bản, nhiều khả năng các vận động viên nước này sẽ chưa kịp tiêm phòng trước khi Olympic Tokyo khai mạc do sự chậm trễ trong chương trình tiêm chủng quốc gia.

Theo kế hoạch, Olympic Tokyo sẽ được tổ chức từ ngày 23/7 đến 8/8/2021, trong khi Paralympic Tokyo sẽ diễn ra từ ngày 24/8 đến 5/9/2021.

* Ngày 24/2, công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ cho biết các liều vaccine phiên bản mới nhằm ngăn chặn biến thể của virus SARS-Cov-2 phát hiện ở Nam Phi đã được chuyển đến Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ (NIH) để tiến hành thử nghiệm lâm sàng.

* Trong thông điệp gửi đến cuộc họp của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu nhất thế giới (G20), Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva cảnh báo cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra sẽ khiến nhiều nền kinh tế trên thế giới tụt hậu, đẩy người nghèo vào chỗ khó khăn hơn và vấn đề này sẽ trở nên tồi tệ hơn do sự tiếp cận “thiếu công bằng” đối với vaccine.

Tổng Giám đốc IMF nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần phối hợp mạnh mẽ hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ triển khai tiêm phòng vaccine phòng Covid-19 tại những nước kém phát triển hơn, trong đó cần bổ sung nguồn quỹ để giúp các nước này mua vaccine và tái phân bổ lượng vaccine từ những nước thừa sang những nước thiếu vaccine.

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cap-nhat-covid-19-ngay-252-israel-cap-the-xanh-cho-nguoi-tiem-du-2-mui-vaccine-moderna-thu-nghiem-lam-sang-vaccine-ngua-bien-the-virus-o-nam-phi-137642.html