Cập nhật COVID-19 ngày 28/5: Mỹ Latinh ở giai đoạn đỉnh dịch, Việt Nam không ca nhiễm mới

Trong khi dịch COVID-19 có dấu hiệu tạm lắng tại châu Á, châu Âu và Mỹ thì nhiều quốc gia tại khu vực châu Mỹ Latinh lại đang bước vào hoặc ở trong giai đoạn đỉnh dịch.

10 nước có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất thế giới tính đến 6h sáng 28/5 (theo giờ Việt Nam). Nguồn: worldometers.info

10 nước có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất thế giới tính đến 6h sáng 28/5 (theo giờ Việt Nam). Nguồn: worldometers.info

Cập nhật COVID-19 mới nhất trên trang mạng worldometers.info cho thấy, tính đến 6h00 ngày 28/5 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 5.779.252 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có hơn 356.731 ca tử vong.

Chỉ trong 24h, thế giới đã có thêm 101.124 ca mắc bệnh mới và 5.077 ca tử vong vì COVID-19.

Gần 2,5 triệu bệnh nhân COVID-19 đã bình phục và hơn 2,9 triệu ca vẫn đang được điều trị với khoảng 1,8% trong số này trong tình trạng nặng hoặc nguy kịch.

*Trong khi dịch có dấu hiệu tạm lắng tại châu Á, châu Âu và Mỹ, giúp nhiều quốc gia tại các khu vực này dần mở cửa trở lại nền kinh tế thì nhiều quốc gia tại khu vực châu Mỹ Latinh lại đang bước vào hoặc ở trong giai đoạn đỉnh dịch cùng với đó là những dự báo tác động kinh tế khôn lường.

Đây cũng là lúc các quốc gia đẩy mạnh các biện pháp cứu trợ kinh tế và chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau dịch nhưng trong trạng thái cảnh giác làn sóng dịch bệnh thứ 2.

*Còn tại Việt Nam, tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 28/5: Đã 42 ngày Việt Nam bảo vệ được thành quả bước đầu trong công cuộc chống dịch COVID-19 là không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Tính đến 6h ngày 28/5: Việt Nam có tổng cộng 187 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
- Tính từ 18h ngày 27/5 đến 6h ngày 28/5: ghi nhận 0 ca mắc mới.

Liên quan đến ca bệnh nhân nặng số 91, ngày 27/5, Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Sau 5 ngày Bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân 91 (43 tuổi, phi công người Anh), các bác sỹ đang xem xét khả năng cai ECMO (tim phổi nhân tạo).

DIỄN BIẾN CHÍNH VỀ DỊCH COVID-19 TRONG 24H QUA

Hành khách đeo kính và khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay ở Los Angeles, California, Mỹ ngày 22/5/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

*Theo báo cáo của Getulio Vargas Foundation (FGV), gồm các chuyên gia hàng đầu của Brazil, chỉ số đánh giá tình hình kinh tế của các nước khu vực Mỹ Latinh đã giảm xuống mức thấp nhất trong 31 năm do tác động của đại dịch.

Cụ thể, chỉ số trên trong 4 tháng đầu năm nay đã giảm từ mức -14,1 điểm xuống tới -60,4 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 1/1989 - thời điểm hệ thống đo lường này ra đời. 11 nước tại khu vực Mỹ Latinh được phân tích trong báo cáo đều ghi nhận chỉ số đánh giá tình hình kinh tế xấu hơn trong 4 tháng đầu năm.

Đáng lo ngại là Brazil khi chỉ số này ở mức -2 điểm tụt xuống tới mức -60,9 điểm, trong khi Paraguay từ mức -28 điểm xuống tới mức -70,4 điểm.

*Ngày 27/5, Thị trưởng thủ đô Washington D.C của Mỹ Muriel Bowser đã ký ban hành quyết định dỡ bỏ “lệnh ở nhà” được áp đặt nhằm ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và thành phố này dự kiến bắt đầu giai đoạn một của việc mở cửa trở lại, bắt đầu từ ngày 29/5 và kéo dài đến hết ngày 24/7.

*Ủy ban châu Âu (EC) ngày 27/5 đã đề xuất dành cho Italy 172,7 tỷ euro trong số 750 tỷ euro của quỹ phục hồi kinh tế hậu COVID-19, bao gồm 81,8 tỷ euro dưới dạng viện trợ và 90,9 tỷ euro dưới dạng cho vay.

Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch chuyển hướng sang công nghệ để phục hồi nền kinh tế của khối sau dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời cạnh tranh tốt hơn với Mỹ và Trung Quốc trong những lĩnh vực quan trọng.

*Chính phủ Anh đã bắt đầu cho triển khai hệ thống "xét nghiệm và truy vết” nhằm xác định và cách ly những người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Anh, đồng thời chuẩn bị cho việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa trên toàn quốc.
*Ngày 27/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin ghi nhận thủ đô Moskva - tâm điểm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này - đã ngăn chặn thành công "kịch bản xấu nhất" khi chính quyền thành phố đang xem xét nới lỏng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt trong nhiều ngày qua.
Cùng ngày, Quân đội Nga thông báo đã mở một bệnh viện dã chiến ở khu vực Bắc Caucasus của Dagestan, nơi giới chức địa phương đang vất vả khống chế dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Trong một diễn biến khác, Phó Giám đốc Cơ quan giám sát thú y và kiểm dịch thực vật Nga (Rosselkhoznadzor), ông Nikolai Vlasov, cho biết một con mèo ở Moskva đã cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Kết quả này sau đó đã được xác nhận qua quá trình nghiên cứu bổ sung.

Nhân viên y tế phân tích mẫu bệnh phẩm nhằm phát hiện người nhiễm COVID-19 tại phòng thí nghiệm ở Moskva, Nga ngày 16/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

*Tại Pháp, Chính phủ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố chi 8 tỷ euro để nhanh chóng vực dậy ngành công nghiệp ô tô, bảo vệ việc làm trong ngành này khi phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất lịch sử.

*Tại châu Á, ngày 27/5, Nội các Nhật Bản đã thông qua dự thảo ngân sách bổ sung thứ hai cho tài khóa 2020 trị giá 31.910 tỷ yen (296 tỷ USD) để cấp tài chính cho việc triển khai các biện pháp nhằm xoa dịu tác động của đại dịch.

Khoản ngân sách bổ sung có quy mô lớn nhất lịch sử Nhật Bản này sẽ giúp chi trả một phần cho gói kích thích kinh tế trị giá 117.000 tỷ yen (1.086 tỷ USD), trong đó tập trung vào hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn do dịch COVID-19 và đội ngũ nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch.

*Các nhà chức trách Thái Lan ngày 27/5 cho biết khoảng 1,3 triệu người làm trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe ở nước này sẽ được hưởng các kỳ nghỉ miễn phí tại các điểm du lịch nội địa trong năm nay.

* Giới chức hàng không Trung Quốc sẽ cân nhắc tăng số chuyến bay quốc tế miễn là nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 từ bên ngoài được kiểm soát.

*Cùng ngày, Thủ tướng Australia Scott Morrison thừa nhận nước này có thể cần từ 3-5 năm để phục hồi nền kinh tế đồng thời nhấn mạnh điều quan trọng là phải mở cửa trở lại nền kinh tế càng sớm càng tốt.

*Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương New Zealand dự báo kinh tế nước này sẽ chứng kiến mức tăng trưởng âm trong năm 2020, với mức giảm mạnh nhất trong hơn 160 năm qua.

*Ngày 27/5, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) thông báo cơ quan này đã được ủy quyền tiến hành "một nghiên cứu độc lập" nhằm giám sát các vaccine tiềm năng phòng ngừa virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trước và sau khi những vaccine này được đưa ra lưu hành trên thị trường châu Âu.

Minh Châu (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cap-nhat-covid-19-ngay-28-5-my-latinh-o-giai-doan-dinh-dich-viet-nam-khong-ca-nhiem-moi/158149.html