Cập nhật Covid-19 ngày 4/6: Đông Nam Á được Mỹ ưu tiên chia sẻ vaccine; báo động sử dụng kháng sinh cho bệnh nhân; Nga thoát khủng hoảng đại dịch

Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận xấp xỉ 172,9 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có gần 3,72 triệu ca tử vong và hơn 155,6 triệu bệnh nhân bình phục.

Chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 góp phần vào xu hướng giảm ca mắc mới và ca tử vong tại nhiều khu vực. (Nguồn: AP)

Chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 góp phần vào xu hướng giảm ca mắc mới và ca tử vong tại nhiều khu vực. (Nguồn: AP)

Chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 đang phát huy hiệu quả. Số ca nhiễm mới và ca tử vong có chiều hướng giảm tại nhiều khu vực.

Mỹ, tâm dịch của thế giới đã ghi nhận tiến triển tích cực. Số ca nhiễm mới trong ngày trước đây lên tới hàng trăm nghìn ca, nay giảm xuống còn 15.000-16.000 ca. Tính đến nay, Mỹ đã ghi nhận tổng cộng 34.173.575 ca mắc, trong đó có 611.574 ca tử vong.

* Xét theo khu vực, châu Á là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất với tổng số ca mắc là 51.904.035, trong đó 699.084 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, khu vực này ghi nhận thêm 210.260 ca mắc mới và 4.108 ca tử vong.

Châu Âu đứng thứ hai với 46.769.156 ca mắc và 1.075.854 ca tử vong. Trong vòng 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận 49.645 ca mắc mới và 1.204 ca tử vong.

Xếp thứ ba là Bắc Mỹ với 39.903.942 ca mắc và 900.787 ca tử vong. 30.078 ca mắc mới và 553 ca tử vong đã được ghi nhận ở khu vực này trong vòng 24 giờ qua.

* Tại châu Mỹ

Ngày 3/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch chia sẻ ít nhất 80 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 trên toàn cầu và thúc đẩy kế hoạch phân bổ 25 triệu liều đầu tiên trong số này.

Theo đó, 75% trong số khoảng 80 triệu liều vaccine nói trên sẽ được phân bổ thông qua cơ chế COVAX, trong đó ưu tiên cho khu vực Mỹ Latinh và Caribe, Nam Á và Đông Nam Á, cùng với châu Phi.

25% số vaccine còn lại dành cho những nhu cầu cấp bách, trong đó có những nước đang trải qua đợt tăng đột biến số ca mắc Covid-19, các nước láng giềng cũng như các nước yêu cầu sự hỗ trợ ngay lập tức từ phía Mỹ.

Khoảng 7 triệu liều dành cho châu Á, trong đó có các quốc gia và vùng lãnh thổ như Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka, Afghanistan, Maldives, Malaysia, Philippines, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Lào, Papua New Guinea, Đài Loan (Trung Quốc) và các đảo Thái Bình Dương.

Ấn Độ, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) là những nơi được nhận lô vaccine đầu tiên từ Mỹ.

Nhà Trắng khẳng định kế hoạch chia sẻ vaccine này là một phần quan trọng trong chiến lược toàn cầu chung của Mỹ nhằm dẫn đầu thế giới trong cuộc chiến chống Covid-19.

* Tại châu Á

Ngày 3/6, Bộ Y tế Campuchia thông báo 729 ca mắc mới, trong đó có 29 ca nhập cảnh và 700 ca lây nhiễm cộng đồng, 721 trường hợp khỏi bệnh và thêm 6 người tử vong. Tính đến hôm nay, Campuchia có tổng cộng 32.189 ca mắc, trong đó 24.763 người đã hồi phục và 236 người tử vong.

Trong bối cảnh các ca nhiễm mới có xu hướng tăng trở lại, chính quyền thủ đô Phnom Penh vừa ban hành lệnh cấm tụ tập trên 15 người, đồng thời tạm ngừng các hoạt động kinh doanh và công việc có rủi ro cao lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong, đồng Chủ tịch Lực lượng đặc trách liên bộ về Covid-19, cho hay các ca mắc Covid-19 chưa được phát hiện vẫn ẩn nấp trong cộng đồng hiện là một vấn đề rất đáng lo ngại.

Cảnh báo trên được đưa ra khi dịch Covid-19 mới bùng phát tại một khu nhà ở của người khuyết tật với 27 cư dân và nhân viên đã có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 sau khi một cư dân tại đây được phát hiện mắc bệnh vào ngày 31/5.

Theo Bộ Y tế Singapore, số ca lây nhiễm mới trong ngày 3/6 là 45 trường hợp, cao nhất kể từ ngày 16/5, trong số 35 ca lây nhiễm trong cộng đồng có 22 ca liên quan tới ổ dịch tại khu nhà ở cho người khuyết tật. Tổng số ca nhiễm tại đảo quốc sư tử hiện là 62.145 ca.

* Tại châu Âu

Theo số liệu của Bộ Y tế Anh, từ ngày 8/12/2020 - 2/6/2021, cơ quan y tế ở Vương quốc Anh đã tiêm chủng được tổng cộng 66.180.731 liều vaccine phòng Covid-19, trong đó 39.758.428 là mũi tiêm thứ nhất, tương đương với việc 75,5% số người trưởng thành đã được tiêm một mũi, và 26.422.303 mũi tiêm thứ 2, tương đương với việc 50,2% số người trưởng thành đã nhận đủ 2 liều vaccine.

Bộ trưởng Y tế Matt Hancock khẳng định tầm quan trọng của việc tiêm đủ 2 liều vaccine để có kháng thể cao nhất, đặc biệt là trong việc bảo vệ trước các biến thể B.1.617.2 (Delta).

Trong cuộc họp ngày 3/6, Hội đồng châu Âu đã nhất trí với đề xuất của đại sứ 27 nước EU đưa Nhật Bản vào danh sách các quốc gia mà du khách, thậm chí chưa được tiêm chủng ngừa Covid-19, có thể được nhập cảnh vào khối này.

Như vậy, theo danh sách của EU thì đến nay, công dân 8 quốc gia được nhập cảnh vào khối này bao gồm Nhật Bản, Australia, Israel, New Zealand, Rwanda, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan.

Cùng ngày, tại lễ ký kết các thỏa thuận đầu tiên trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế quốc tế St.Petersburg, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố kinh tế nước này đang thoát khỏi cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19.

Tổng thống Putin nêu rõ các hoạt động kinh tế của Nga vẫn đang diễn ra dù còn khó khăn do dịch Covid-19 và kết quả của nền kinh tế Nga nói chung sẽ là minh chứng cho điều này.

* Tại châu Phi

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo lục địa này chưa sẵn sàng đối phó với làn sóng dịch Covid-19 thứ ba sắp xảy ra trong bối cảnh khu vực đang chứng kiến số ca nhiễm mới gia tăng và hoạt động phân phối vaccine hầu như đình trệ.

Giám đốc phụ trách khu vực châu Phi thuộc WHO, Tiến sĩ Matshidiso Moeti nêu rõ: "Nhiều bệnh viện và phòng khám ở châu Phi vẫn còn chưa sẵn sàng đối phó với số bệnh nhân Covid-19 nguy kịch gia tăng. Mối đe dọa về làn sóng dịch Covid-19 thứ ba ở châu Phi là hiện hữu và đang tăng".

Theo WHO, châu Phi ghi nhận hơn 4,8 triệu ca mắc Covid-19 (chiếm 2,9% ca nhiễm trên toàn cầu) và 130.000 ca tử vong (chiếm 3,7% ca tử vong trên toàn cầu).

Một cuộc khảo sát do WHO tiến hành hồi tháng 5 cho thấy nhiều nước châu Phi hầu như không có đủ các cơ sở y tế và nhân viên y tế chủ chốt cần để điều trị các bệnh nhân Covid-19 thể nặng. Trong số 23 quốc gia châu Phi mà WHO tiến hành khảo sát, phần lớn có chưa tới 1 giường chăm sóc tích cực/100.000 dân (trong khi ở Đức và Mỹ có hơn 25 giường) và chỉ có 1/3 trong số các nước này có máy trợ thở.

* Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí The Lancet Microbe ngày 3/6, Ấn ĐộAnh đang báo động về việc lạm dụng kháng sinh cho bệnh nhân Covid-19. Tại hai nước này hàng chục nghìn bệnh nhân mắc Covid-19 đã được kê đơn thuốc kháng sinh một cách không cần thiết trong đợt dịch bùng phát đầu tiên.

Nghiên cứu trên gần 49.000 bệnh nhân cho thấy phần lớn bệnh nhân được cho dùng kháng sinh mặc dù không bị nhiễm vi khuẩn. WHO xếp kháng thuốc là một trong 10 mối đe dọa sức khỏe cộng đồng toàn cầu mà nhân loại phải đối mặt.

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân: 1. Hạn chế đến nơi công cộng, tụ tập đông người không cần thiết. 2. Không được chủ quan, lơ là. Luôn đề cao cảnh giác phòng chống dịch, khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhập cảnh trái phép cần lập tức thông báo ngay cho chính quyền địa phương để tổ chức cách ly, xử lý kịp thời. 3. Thực hiện tốt Khuyến cáo 5K: KHẨU TRANG - KHỬ KHUẨN - KHOẢNG CÁCH - KHÔNG TỤ TẬP - KHAI BÁO Y TẾ để phòng, chống dịch Covid-19. 4. Liên hệ với đường dây nóng Bộ Y tế: 1900.9095 để được tư vấn khi cần thiết. Vì lợi ích của đất nước, cộng đồng và của chính mình, mỗi người dân Việt Nam hãy đồng lòng quyết tâm giữ vững thành quả đã đạt được trong phòng, chống dịch Covid-19!

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cap-nhat-covid-19-ngay-46-dong-nam-a-duoc-my-uu-tien-chia-se-vaccine-bao-dong-su-dung-khang-sinh-cho-benh-nhan-nga-thoat-khung-hoang-dai-dich-147299.html