Cập nhật COVID-19 sáng 4/6: Mỹ Latinh có hơn 947.700 ca mắc, Việt Nam 0 ca mắc mới

Khu vực Mỹ Latinh là tâm dịch mới của thế giới đã có hơn 947.700 ca mắc COVID-19 và hơn 42.700 ca tử vong; trong đó Brazil là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất.

Danh sách 10 nước có số ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới. Ảnh: worldometer.info

Danh sách 10 nước có số ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới. Ảnh: worldometer.info

Cập nhật mới nhất COVID-19 trên trang mạng worldometers.info cho biết, tính đến 6h sáng 4/6 (giờ Việt Nam), dịch COVID-19 đã bùng phát tại 213 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 6,55 triệu người mắc; trong đó có hơn 386 nghìn người đã tử vong.
Mỹ vẫn là nước vừa có số người mắc COVID cao nhất thế giới và tử vong cao nhất ( gần 1,9 triệu người mắc và hơn 109 nghìn ca tử vong). Đứng thứ hai là Brazil với hơn 577 nghìn ca mắc và hơn 32 nghìn ca tử vong. Tiếp theo là Nga với hơn 432 nghìn ca mắc và hơn 5,2 nghìn ca tử vong; Tây Ban Nha với hơn 287 nghìn ca mắc và hơn 27 nghìn ca tử vong; Anh với gần 280 nghìn ca mắc và gần 40 nghìn ca tử vong.
Tính đến sáng 4/6, thế giới có gần 3,15 triệu bệnh nhân khỏi bệnh trong khi vẫn còn 2% bệnh nhân đang trong tình trạng nặng hoặc nguy kịch.
Còn tại Việt Nam, cập nhật 6h sáng 4/6, 0 ca mắc mới. Tính đến giờ, Việt Nam có 328 ca mắc COVID-19. Đặc biệt, hôm nay là ngày thứ 49 liên tiếp Việt Nam không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng.

DIỄN BIẾN CHÍNH VỀ DỊCH COVID-19 TRONG 24H QUA*Cuộc “đua” toàn cầu phát triển vaccine phòng COVID-19 Nga và Mỹ đang đẩy nhanh thử nghiệm vaccine ngừa virus SARS-CoV-2. Trung tâm nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh học Gamaleya cùng với Bộ Quốc phòng Nga sẽ hoàn thành tất cả các thử nghiệm lâm sàng về vaccine phòng virus SARS-CoV-2.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Moskva, Nga ngày 17/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Hiện các thử nghiệm tiền lâm sàng của vaccine tiến hành trên khỉ và chuột hamster đã hoàn tất, chứng minh được độ an toàn và hiệu quả bảo vệ của vaccine và đang xin cấp phép tiến hành công tác thử nghiệm lâm sàng trên người.

Tại Hàn Quốc, Chính phủ và các công ty tư nhân sẽ cùng hợp tác để phát triển các phương pháp điều trị trong năm nay và có được vaccine điều trị COVID-19 vào năm 2021 tới. Trước mắt Chính phủ Hàn Quốc đang đặt mục tiêu phát triển huyết tương điều trị COVID-19 trong năm nay. Liệu pháp huyết tương liên quan đến truyền huyết tương giàu kháng thể từ những bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 đã được điều trị hồi phục hoàn toàn.
Tại Nhật Bản, Công ty dược phẩm sinh học Anges thông báo sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine DNA, dự kiến được công ty Takara Bio sản xuất vào đầu tháng 7 tới, với mục tiêu có thể sử dụng vaccine này cho con người vào khoảng tháng 3/2021. Trong khi đó, công ty Shionogi & Co. đặt mục tiêu ra mắt vaccine protein tái tổ hợp để phòng bệnh COVID-19 vào mùa Thu năm 2021. Công ty hy vọng sẽ sản xuất đủ vaccine để cung cấp cho khoảng 10 triệu người.
*Remdesivir được phép dùng để điều trị COVID-19 tại Hàn Quốc
Ngày 3/6, Hàn Quốc đã cho phép sử dụng Remdesivir làm thuốc điều trị cho các bệnh nhân COVID-19, qua đó mở đường cho việc nhập khẩu thuốc này. Mặc dù Hàn Quốc vẫn chưa hoàn thành các thử nghiệm lâm sàng đối với loại thuốc mới này của tập đoàn dược phẩm Gilead Science (Mỹ), song Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc trước đó cho biết loại thuốc này đã được chứng minh ở nhiều quốc gia khác là có thể giúp giảm thời gian cần thiết để chữa trị cho bệnh nhân COVID-19.
*Brazil chịu tác động nặng nhất ở tâm dịch mới của thế giới
Khu vực Mỹ Latinh, tâm dịch mới của thế giới, hiện ghi nhận hơn 947.700 ca nhiễm và hơn 42.700 ca tử vong. Brazil là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực với số ca mắc chỉ thấp hơn Mỹ nếu tính trên toàn thế giới.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Porto Alegre, Brazil, ngày 15/4/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tình trạng này không chỉ đẩy hệ thống y tế Brazil vào nguy cơ quá tải mà dịch bệnh đang đe dọa trực tiếp nền kinh tế vốn đang trong tình trạng khủng hoảng của Brazil.
Tại Mexico, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, quốc gia Mỹ Latinh này đã mất 2,1 triệu việc làm chính thức, tăng 4,7% so với con số 1,7 triệu người mất việc trong tháng 3. Theo báo cáo, từ tháng 1 đến tháng 4, tỉ lệ thất nghiệp tại Mexico đã lên tới 11,87%, với tổng số người thất nghiệp lên đến 6,8 triệu người. Các chuyên gia kinh tế dự báo số người thất nghiệp tại Mexico sẽ có thể lên đến 8,1 triệu người trong năm nay.
*Châu Âu tiếp tục nới lỏng giãn cách xã hội
Tại châu Âu, chỉ số lây nhiễm ở thủ đô Berlin (Đức) đã tăng lên 1,95, mức báo động đỏ trong bối cảnh các biện pháp giãn cách xã hội đang tiếp tục được nới lỏng không chỉ ở Berlin mà trên tất cả các bang. Tuy nhiên, Đức tuyên bố sẽ dỡ bỏ lệnh cấm đi lại đối với các nước thành viên EU, cùng với Anh, Iceland, Na Uy, Liechtenstein và Thụy Sĩ từ ngày 15/6.
Ngày 3/6, người dân Italy đã được phép đi lại tự do giữa các vùng trên toàn quốc mà không cần phải khai báo lý do. Italy cũng đã cho phép mở cửa trở lại đối với công dân, khách du lịch đến từ các nước thuộc châu Âu từ ngày 3/6 nhằm hồi sinh ngành du lịch, ngành kinh tế đóng góp khoảng 13% GDP của Italy.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Rome, Italy ngày 18/5/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại Tây Ban Nha, Bộ Du lịch nước này đang thảo luận các kế hoạch từng bước mở cửa biên giới cho du khách từ các nước phần nào đã an toàn hơn trong cuộc chiến chống dịch, có thể bắt đầu từ ngày 22/6 tới. Trước đó, nước này đã ấn định ngày 1/7 sẽ mở cửa trở lại cho du khách nước ngoài, yếu tố vốn đóng góp 12% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Bỉ sẽ cho phép hầu hết mọi hoạt động kinh doanh mở của trở lại vào ngày 8/6 tới, trong đó có các quán cafe, quán bar. Bỉ cũng sẽ mở cửa lại biên giới với các quốc gia EU và khối tự do đi lại Schengen vào ngày 15/6. Tuy nhiên các hoạt động văn hóa sẽ tiếp tục được tổ chức mà không có công chúng cho đến ngày 1/7, khi rạp chiếu phim và các không gian văn hóa khác có thể mở cửa với tối đa 200 khách.
Anh sẽ áp dụng lệnh cách ly 14 ngày đối với người nhập cảnh vảo nước này, bắt đầu từ 8/6. Mức phạt cho những người vi phạm quy định là 1000 bảng hoặc sẽ bị truy tố. Đối với người nước ngoài, nếu không tuân thủ có thể sẽ bị từ chối cho nhập cảnh, hoặc bị trục xuất khỏi Anh nếu không tuân thủ lệnh cách ly đúng quy định.
*Đông Bắc Á và Nam Á diễn biến phức tạp
Hàn Quốc cũng tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới tăng trở lại. Với 49 ca nhiễm mới được phát hiện (46 ca lây nhiễm trong cộng đồng), tổng số ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc đã lên thành 11.590 ca và số ca tử vong là 273 người. Giới chức y tế cho biết nếu số ca nhiễm mới vượt ngưỡng 50 ca/ngày, Hàn Quốc sẽ tính toán trở lại biện pháp "giãn cách xã hội", đóng cửa trường học và các cơ sở dịch vụ công cộng trên quy mô toàn quốc.

Nhân viên y tế làm việc tại điểm xét nghiệm COVID-19 ở Seoul, Hàn Quốc ngày 20/5/2020. Ảnh: Yonhap/ TTXVN

Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN (tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cap-nhat-covid-19-sang-4-6-my-latinh-co-hon-947-700-ca-mac-viet-nam-0-ca-mac-moi/158793.html