Cập nhật tình hình dịch COVID-19 trên thế giới sáng 18/3

Thế giới hiện ghi nhận hơn 121 triệu ca mắc COVID-19 và gần 2,7 triệu ca tử vong. Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Compton, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Compton, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến sáng 18/3/2021, trên thế giới có tổng cộng 121.799.722 ca mắc COVID-19 và 2.691.716 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi là 98.194.611 ca. Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 với 30.292.911 ca mắc và 550.574 ca tử vong.

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 với 30.292.911 ca mắc và 550.574 ca tử vong. Dự kiến, Chính phủ Mỹ sẽ chi 10 tỷ USD cho việc xét nghiệm sàng lọc COVID-19 tại các trường nhằm khuyến khích mở lại các lớp học trực tiếp. Khoản ngân sách này là một phần trong gói cứu trợ đã được đưa ra thành luật mới đây.

Xếp sau Mỹ về số ca mắc và tử vong do COVID-19 là Brazil với tổng cộng 11.700.431 ca mắc và 285.136 ca tử vong. Brazil ghi nhận thêm 90.303 ca mắc ngày 17/3, số ca mắc mới trong ngày cao nhất từ trước đến nay, một ngày sau khi quốc gia Nam Mỹ này công bố số ca tử vong trong ngày tăng lên một mức cao mới.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho giáo viên tại một trường học ở Cascais, Bồ Đào Nha, ngày 16/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Âu, Pháp công bố thêm 38.501 ca mắc trong 24 giờ qua, tăng so với 29.975 ca mắc mới một ngày trước và là số ca mắc mới trong ngày cao nhất trong gần 4 tháng. Đến nay, Pháp ghi nhận tổng cộng 4.146.609 ca mắc, trong đó có 91.437 ca không qua khỏi.

Chính phủ Hy Lạp cũng ghi nhận kỷ lục buồn về số ca mắc mới trong 24 giờ qua với 3.465 ca, trong khi số ca tử vong tăng thêm 56 ca. Như vậy, quốc gia Đông Nam châu Âu này đã xác nhận tổng cộng 227.247 ca mắc, trong đó có 7.252 ca tử vong, kể từ đầu dịch. Trước tình hình trên, Chính phủ kêu gọi các bác sĩ tư nhân lập tức cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh của họ cho hệ thống y tế công đang chật vật trong cuộc chiến chống COVID-19.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Tripoli, Liban, ngày 17/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) công bố kế hoạch cấp chứng nhận số về an toàn đi lại nhằm giúp khôi phục hoạt động tự do di chuyển trong khối cho những công dân đã tiêm vaccine phòng COVID-19. Tuy nhiên, kế hoạch này có thể vấp phải sự phản đối của một số nước thành viên EU do lo ngại gây ra phân biệt đối xử với những người vẫn chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Ủy viên Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách thị trường nội khối Thierry Breton đã đánh giá cao vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga và kêu gọi sản xuất vaccine này tại EU. Trước đó, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu Stefan de Keersmaker cho biết EC vẫn chưa đàm phán với Nga về việc mua vaccine Sputnik V để sử dụng.

Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất khẩu trang ở Gampaha, Sri Lanka, ngày 16/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Chính quyền Iceland cũng thông báo từ ngày 18/3 sẽ mở cửa biên giới cho toàn bộ du khách đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 mà không cần phải trải qua xét nghiệm hoặc cách ly bắt buộc. Động thái này của Iceland nhằm thu hút thêm khách du lịch để giúp phục hồi nền kinh tế vốn chịu tác động của dịch COVID-19.

Tại Trung Đông, số ca mắc mới trong ngày tại Iraq đã tăng lên mức cao mới với 5.663 ca. Theo đó, Iraq ghi nhận tổng cộng hơn 768.000 ca mắc, trong đó có 13.827 ca tử vong.

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 17/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng số ca mắc tại Jordan đã vượt 500.000 ca. Cụ thể, Chính phủ Jordan công bố thêm 9.535 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia này lên 504.915 ca. Jordan cũng ghi nhận thêm 56 ca tử vong, nâng tổng số ca không qua khỏi tại đây lên 5.553 ca./.

Nguyễn Hằng

VNews (TTXVN)

Nguồn VNEWS: http://vnews.gov.vn/cap-nhat-tinh-hinh-dich-covid-19-tren-the-gioi-sang-18-3-20210318101703278.htm