Cấp phát thuốc hết hạn cho trẻ, Bệnh viện Nhi TƯ có thể bị xử lý như thế nào?

Theo quy định của pháp luật, hành vi bán thuốc đã hết hạn sử dụng nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng như dẫn đến chết người thì sẽ bị xử lý theo Điều 129 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2019 về Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính…

Ngày 19/12, Báo Bảo vệ pháp luật có bài: “Bệnh viện Nhi Trung ương thừa nhận thuốc quá hạn, gia đình cháu bé chưa đồng thuận với kết luận” phản ánh việc bệnh viện Nhi Trung ương thừa nhận: “Sự cố cấp phát thuốc quá hạn cho bệnh nhân 12 tháng tuổi nằm điều trị tại Đơn nguyên S6 – Khoa Quốc tế là có. Đây là sự cố y khoa tại Bệnh viện Nhi Trung ương”.

Để hiểu hơn về qui định của pháp luật liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật đã có cuộc trò chuyện với Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật.

PV: Thưa Luật sư Diệp Năng Bình! Ông có thể cho biết các quy định của pháp luật liên quan đến hạn sử dụng của thuốc?

Luật sư Diệp Năng Bình: Căn cứ Luật dược năm 2016 thì thuốc là chế phẩm có chứa dược chất hoặc dược liệu dùng cho người nhằm mục đích phòng bệnh, chẩn đoán bệnh, chữa bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người bao gồm thuốc hóa dược, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, vắc xin và sinh phẩm.

Hạn dùng của thuốc là thời gian sử dụng ấn định cho thuốc mà sau thời hạn này thuốc không được phép sử dụng. Hạn dùng của thuốc được thể hiện bằng khoảng thời gian tính từ ngày sản xuất đến ngày hết hạn hoặc thể hiện bằng ngày, tháng, năm hết hạn. Trường hợp hạn dùng chỉ thể hiện tháng, năm thì hạn dùng được tính đến ngày cuối cùng của tháng hết hạn.

PV: Đối với hành vi kinh doanh thuốc hết hạn sử dụng thì luật quy định như thế nào thưa Luật sư?

Luật sư Diệp Năng Bình: Luật dược cũng nghiêm cấm hành vi kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng; thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã có thông báo thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thuốc, nguyên liệu làm thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ; thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã hết hạn dùng.

Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về dược. Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về dược. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về dược và phối hợp với Bộ Y tế trong việc thực hiện quản lý nhà nước về dược theo phân công của Chính phủ. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về dược tại địa phương.

PV: Xin ông cho biết cụ thể mức xử phạt hành chính trong trường hợp Bệnh viện Nhi Trung ương thừa nhận đã cấp phát thuốc quá hạn cho bệnh nhân 12 tháng tuổi như Báo Bảo vệ pháp luật đã phản ánh ?

Phòng khám khoa Quốc tế Bệnh viện Nhi Trung ương, nơi cấp phát thuốc hết hạn sử dụng cho cháu bé 12 tháng tuổi.

Luật sư Diệp Năng Bình: Căn cứ điểm a, Khoản 5 Điều 40 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực hành chính thì đối với hành vi vi phạm quy định về bán buôn, bán lẻ thuốc sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Bán lẻ thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng hoặc thuốc đã hết hạn sử dụng...

Trong trường hợp này, Bệnh viện Nhi Trung ương là tổ chức do đó mức phạt sẽ gấp đôi so với mức phạt vừa nêu. Ngoài ra còn bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng, buộc tiêu hủy toàn bộ số thuốc hết hạn.

PV: Theo Bộ Luật hình sự, trong trường hợp nào thì hành vi bán thuốc quá hạn sử dụng sẽ bị xử lý hình sự, thưa Luật sư?

Luật sư Diệp Năng Bình: Hành vi bán thuốc đã hết hạn sử dụng nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng như dẫn đến chết người thì sẽ bị xử lý theo Điều 129 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2019 về Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính…

Điều 129: Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính:

1. Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trước đó, như Báo Bảo vệ pháp luật đã đưa tin, ngày 18/12, anh Đỗ Bá Kỷ, bố cháu bé phản ánh, con anh vào Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 10/12 và được bác sĩ chẩn đoán bị viêm phổi.

Tại đây, trong quá trình điều trị bác sĩ cho con anh uống kháng sinh Augmentin 250mg dạng gói. Tuy nhiên, sau 2 ngày điều trị anh mới phát hiện ra gói kháng sinh con trai anh sử dụng đã hết hạn sử dụng từ ngày 27/11.

Đến ngày 19/12, trao đổi với phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, Bệnh viện Nhi Trung ương thừa nhận: "sự cố cấp phát thuốc quá hạn cho bệnh nhân 12 tháng tuổi nằm điều trị tại Đơn nguyên S6 – Khoa Quốc tế là có. Đây là sự cố y khoa tại Bệnh viện Nhi Trung ương".

Hiện tại, anh Đỗ Bá Kỷ, bố cháu bé đã phản ánh sự việc đến đường dây nóng của Bộ Y tế. Đến sáng ngày hôm nay (20/12), trao đổi với phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, anh Đỗ Bá Kỷ cho biết, hiện anh vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ phía Bộ Y tế.

Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Vũ Cảnh

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/y-te/cap-phat-thuoc-het-han-cho-tre-benh-vien-nhi-tu-co-the-bi-xu-ly-nhu-the-nao-80324.html