Cấp phép vở diễn thực cảnh 'Ký ức Hội An': Đúng thẩm quyền nhưng sai quy trình

Ký ức Hội An là một chương trình biểu diễn thực cảnh được công chiếu tại Cồn Gami (TP Hội An) từ ngày 18-3.

Sau thời gian bị dư luận phản ánh về nội dung vở thực cảnh Ký ức Hội An được biểu diễn tại Công viên văn hóa chủ đề ấn tượng Hội An (Quảng Nam) không đúng với lịch sử, lãnh đạo TP Hội An đã có cuộc họp bàn để xem xét vấn đề đồng thời có hướng xử lý những thông tin trái chiều. Tại cuộc họp này, Sở Xây dựng Quảng Nam khẳng định, khác với việc cấp phép xây dựng cho dự án Công viên văn hóa chủ đề ấn tượng Hội An được cho là đúng quy trình thì việc cấp phép cho vở diễn Ký ức Hội An là "đúng thẩm quyền nhưng sai quy trình". Cụ thể, ngay sau khi nổ ra tranh cãi về vở diễn không đúng với thực tế lịch sử Hội An, ông Tôn Thất Hướng -Trưởng phòng Quản lý văn hóa Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam đã trả lời báo chí là kịch bản vở diễn Ký ức Hội An do Sở VH-TT TP Hà Nội phê duyệt nên Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam có trách nhiệm theo dõi việc thực hiện theo kịch bản có đúng không. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lanh-Trưởng phòng Văn hóa thông tin TP Hội An cho biết chính ông cũng không biết việc vở diễn này được Sở VH-TT Hà Nội thẩm định bởi ông đã nhiều lần đề nghị phía Sở VH-TT&DL Quảng Nam cung cấp hồ sơ thẩm định nhưng không được hồi đáp. Chỉ sau khi đọc thông tin trên báo chí ông mới biết vấn đề. Là người làm văn hóa tại Hội An, ông Lanh cho biết, ngành văn hóa đã nhiều lần góp ý về chương trình này nhưng không được lắng nghe. Theo ông Lanh: "Đối với việc ảnh hưởng môi trường thì đã có các ngành về kỹ thuật xem xét nhưng đối với riêng ngành văn hóa thì tôi khẳng định là chương trình này có ảnh hưởng. Cái ảnh hưởng lớn nhất là vở diễn không đúng lịch sử Hội An. Là đơn vị quản lý văn hóa tại địa phương nhưng chúng tôi rất bị động trong việc nắm thông tin. Ngay khi biết về show diễn, Phòng VH-TT Hội An đã liên lạc với Sở VH-TT&DL Quảng Nam thì được lãnh đạo Sở, phòng chuyên môn Sở trả lời rằng chương trình Ký ức Hội An đã được Sở tham gia thẩm định. Chúng tôi nói rằng nếu đã thẩm định rồi thì cho chúng tôi xem kết quả nhưng chờ mãi vẫn không có".

Được biết, sau khi biết Quảng Nam không cấp phép mà do phía Hà Nội cấp, ông Lanh có điện ra Sở VH-TT Hà Nội thì được xác nhận là đơn vị này đã cấp. Tuy nhiên ông Lanh cho rằng việc cấp phép này tuy đúng thẩm quyền nhưng sai quy trình. Cụ thể Nghị định 79 quy định nơi nào công ty biểu diễn đặt trụ sở thì đơn vị quản lý văn hóa nơi đó có quyền cấp giấy phép, nhưng trong thông tư đi kèm lại hướng dẫn rằng nếu chương trình đó liên quan đến bản quyền hoặc lịch sử của địa phương khác thì bắt buộc nơi cấp phải lấy ý kiến của địa phương nơi show diễn diễn ra. Trong văn bản trả lời báo chí Quảng Nam của Công ty Cổ phần quản lý biểu diễn Việt Quốc (Hà Nội) do ông Nguyễn Xuân Hà làm Giám đốc nói về nội dung vở diễn khẳng định: "Để mô tả hết phần ký ức của vùng đất có chiều sâu lịch sử như Hội An chắc chắn là một mong muốn bất khả thi ngay trong một pho sách nghiên cứu chứ đừng nói đến một sản phẩm nghệ thuật. "Ký ức Hội An" là một chương trình "nghệ thuật thực cảnh" là loại hình giải trí khá phổ biến ở nhiều nước nhưng còn mới mẻ ở Việt Nam nên có thể vì thế mà có người đòi hỏi quá cao tựa như một vở chính kịch về lịch sử hay những chương trình nghệ thuật kỷ niệm các sự kiện lịch sử. Nhưng như tên gọi của vở diễn, tuy giải trí nhưng nó phải chuyển tải được những giá trị nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa, lịch sử của chủ đề, ở đây là Hội An, nay đã là một Di sản của văn hóa thế giới và là niềm tự hào của người dân Việt Nam, nhân dân xứ Quảng và chính cư dân chủ nhân đô thị này. Có thể không đủ sức chuyển tải hết nhưng phải chuyển tải những gì nhằm tôn vinh mảnh đất này trên cả 2 phương diện nội dung văn hóa và nghệ thuật trình diễn. Những người sản xuất chương trình này coi đó là mục tiêu, nhưng đã đạt đến chưa thì chúng tôi đang lắng nghe ý kiến từ giới chuyên môn đến khách xem trong giai đoạn sản phẩm "mới ra lò" này"...

Theo thông tin P.V thu thập được từ sau buổi họp, lãnh đạo TP Hội An cho biết đơn vị phụ trách biểu diễn đã tiếp thu ý kiến, cho rằng ý kiến của dư luận là có phần hợp lý nên ba buổi diễn gần đây nhất họ đã cắt vạt vải đỏ bị cho là giống trang phục Trung Quốc. Ngoài ra, một số chi tiết trong trang phục áo dài của diễn viên như đường xẻ ở cổ ống tay tà áo dài, kiểu đội mũ che một phần khuôn mặt người con gái... cũng đã chỉnh sửa và thêm một số chi tiết để thật sát hơn với hình ảnh người con gái Việt Nam nói chung cũng như người Hội An nói riêng.

HÀ DUNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_182004_ca-p-phe-p-vo-die-n-thu-c-ca-nh-ky-u-c-ho-i-an-du-.aspx