Cấp Phiếu Lý lịch tư pháp: Cần phân cấp rõ thẩm quyền

Đây là một trong những nội dung được Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh tại buổi nghe báo cáo tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp (LLTP). Buổi làm việc có sự tham dự của Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc.

Xác định rõ trách nhiệm trong cung cấp nguồn thông tin LLTP

Theo Dự thảo Luật, có 15 nguồn thông tin LLTP được Bộ Tư pháp thu thập, tổng hợp cho cơ sở dữ liệu LLTP từ các cơ quan như Bộ Công an, TANDTC, VKSNDTC trong đó có 12/15 nguồn thông tin do Tòa án cung cấp và thủ tục này mất 10 ngày. Có ý kiến lo ngại rằng khi một cơ quan không có thông tin yêu cầu các cơ quan có thông tin cung cấp, sau đó thực hiện tổng hợp, cung cấp lại thông tin đó cho người dân sẽ làm tăng thêm thủ tục hành chính (TTHC). Do đó, cần nghiên cứu, cân nhắc quy định về cơ quan có trách nhiệm cung cấp LLTP cho phù hợp, giảm thiểu tối đa TTHC không cần thiết nhằm đảm bảo việc thực hiện chủ trương của Chính phủ về tăng cường thực hiện cải cách TTHC.

Về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm LLTP quốc gia Hoàng Quốc Hùng nhận định Trung tâm và Sở Tư pháp là cơ quan hành chính thực hiện cấp Phiếu LLTP nên việc tích hợp thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) và cấp Phiếu sẽ tạo sự chủ động, nhanh chóng, thuận lợi trong việc phục vụ yêu cầu của người dân. Mặt khác, hoạt động cấp Phiếu LLTP phục vụ những hoạt động dân sự, do đó việc thu thập, tích hợp thông tin qua một cơ quan trung gian là cơ quan hành chính để phục vụ cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân tạo sự gần gũi, thuận tiện và phù hợp hơn.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, để xây dựng CSDL và cấp Phiếu LLTP thì cần thu thập thông tin mà lượng lớn thông tin này nằm ở là ở quyết định, bản án của tòa án nên việc phối hợp với Tòa án là điều đương nhiên. Song, nếu giao hoàn toàn lĩnh vực này cho Tòa án thì sẽ không đảm bảo đúng quy định pháp luật vì tòa là cơ quan xét xử, không có trách nhiệm quản lý nhà nước. Bày tỏ đồng tình, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến đề nghị thêm, Trung tâm LLTP quốc gia không nên “ôm” quá nhiều việc mà cần phân cấp rõ cho địa phương, nên xác định tiêu chí trong một số trường hợp quá hạn, trường hợp đặc biệt thì mới đưa về Trung tâm giải quyết.

Viện kiểm sát là đầu mối thông tin về hành vi phạm tội mới

Để thực hiện quy định mới của BLHS năm 2015 và BLTTHS năm 2015 về chế định xóa án tích đương nhiên, dự thảo Luật quy định Viện kiểm sát là cơ quan cung cấp quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và gửi kèm theo quyết định khởi tố bị can đã được phê chuẩn cho Trung tâm LLTP quốc gia và Sở Tư pháp. Khi ra quyết định khởi tố bị can, cơ quan điều tra phải gửi quyết định đó cho Viện kiểm sát cùng cấp để xét phê chuẩn. Tuy nhiên, Viện kiểm sát có thể ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can của cơ quan điều tra. Do vậy, quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can của Viện kiểm sát là căn cứ pháp lý chính xác, cần thiết để xác định người đó có bị khởi tố hay không.

Hiện nay qua rà soát, có hơn 1.000 cơ quan đầu mối có thẩm quyền ra quyết định khởi tố bị can, trong đó theo quy định của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 thì Ngoài Cơ quan điều tra của CAND, QĐND, VKSNDTC thì bộ đội biên phòng, hải quan, kiểm lâm, kiểm ngư, cảnh sát biển cũng có thẩm quyền ra quyết định khởi tố bị can. Do đó, nếu quy định cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố bị can có trách nhiệm cung cấp quyết định cho cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu LLTP thì sẽ phát sinh thêm hơn 1.000 đầu mối cung cấp thông tin ở khắp mọi nơi trên toàn quốc. Do đó, nguyên Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đánh giá cần tập trung về một đầu mối để đảm bảo sự chính xác và thời hạn cung cấp thông tin. Trong các cơ quan tố tụng thì việc quy định Viện kiểm sát là cơ quan cung cấp quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và kèm theo quyết định khởi tố bị can đã được phê chuẩn cho Trung tâm LLTP quốc gia và Sở Tư pháp là phù hợp và khả quan hơn cả

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Bộ trưởng nhận định quy định về đầu mối cung cấp thông tin theo Dự thảo quy định là phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành bởi đã giúp tập trung hơn 10 ngàn đầu mối để giải quyết dịch vụ dân sự cho người dân và chưa xảy ra phát sinh gì trong suốt hơn 6 năm triển khai. Bộ trưởng yêu cầu cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng và tiếp thu đầy đủ các góp ý, đặc biệt cần quy định dứt khoát về thẩm quyền của Trung tâm, Sở Tư pháp trong việc cấp Phiếu LLTP, trong đó phải đảm bảo tính tương thích và lượng hóa được các khó khăn, vướng mắc trong một số trường hợp cụ thể.

K.Quy

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/cap-phieu-ly-lich-tu-phap-can-phan-cap-ro-tham-quyen-344702.html