Cáp quang biển vì sao liên tục gặp sự cố?

Nguyên nhân dẫn tới các sự cố cáp quang biển là ảnh hưởng của thiên tai, do các hoạt động hàng hải và do cả nguyên nhân chủ quan của con người trong quá trình khai thác, vận hành.

Các tuyến cáp quang biển tại Việt Nam

Cáp quang biển được dùng để chỉ những sợi cáp viễn thông đặt dưới biển có lõi bằng sợi thủy tinh và sử dụng ánh sáng để truyền dẫn tín hiệu.

Cáp quang có nhiều ưu điểm như mỏng hơn cáp đồng, chỉ truyền tín hiệu ánh sáng nên nhanh, không bị nhiễu, khó bị can thiệp (như nghe trộm, đánh cắp tín hiệu…), không cháy do không có điện chạy qua.

Cáp quang nhỏ hơn cáp đồng nên một bó cáp cùng kích thước có thể gồm nhiều sợi cáp, truyền tải được nhiều kênh tín hiệu hơn. Đặc biệt, do độ suy giảm tín hiệu thấp và dung lượng truyền tải cao, cáp quang biển thường được sử dụng để kết nối hệ thống mạng Internet giữa các khu vực, các quốc gia trên thế giới.

Hiện có nhiều tuyến cáp quang biển khác nhau kết nối Internet Việt Nam với quốc tế.

Hiện có nhiều tuyến cáp quang biển khác nhau kết nối Internet Việt Nam với quốc tế.

Tại Việt Nam, cũng tương tự như ở nhiều nước khác trên thế giới, kết nối Internet quốc tế hiện tại chủ yếu phụ thuộc vào các tuyến cáp quang biển.

Các doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia khai thác 6 tuyến cáp quang biển gồm AAG (Asia-America Gateway), SMW3 (hay còn gọi là SEA-ME-WE3), TVH (Thái Lan - Việt Nam - Hongkong), cáp quang biển Liên Á - IA (Tata TGN-Intra Asia), APG (Asia Pacific Gateway) và AAE-1 (Asia Africa Europe 1).

Vì sao cáp quang biển liên tục gặp sự cố?

Kể từ khi đi vào hoạt động, hệ thống cáp quang biển nối Việt Nam đi quốc tế đã nhiều lần gặp phải sự cố. Trong đó, mới đây nhất là sự cố ngày 14/5 vừa qua với tuyến cáp quang biển AAG.

Có một điều đáng buồn là tuyến cáp AAG chỉ vừa mới khắc phục xong một sự cố khác hồi giữa tháng 4. Tuy vậy, thực tế cho thấy, sự cố xảy ra với các tuyến cáp quang biển là điều không hiếm gặp.

Nguyên nhân phổ biến dẫn tới các sự cố cáp quang biển là ảnh hưởng của thiên tai (động đất, núi lửa,...), do các hoạt động hàng hải và do cả nguyên nhân chủ quan của con người trong quá trình khai thác, vận hành.

Do điều kiện thi công đặc thù, việc sửa chữa các tuyến cáp quang biển thường mất khá nhiều thời gian.

Về cơ bản, cáp quang biển thường chỉ là những sợi dây được đặt nằm trần ngay trên nền cát dưới biển. Do vậy, chúng rất dễ bị tác động bởi mỏ neo của các con tàu cũng như hoạt động đánh bắt cá của ngư dân, đặc biệt là khi họ sử dụng hệ thống lưới cào.

Bên cạnh đó, do Biển Đông là một vùng biển tấp nập tàu bè qua lại và có mực nước tương đối nông, tình trạng đứt cáp quang biển do mỏ neo của tàu thuyền diễn ra khá phổ biến. Tình trạng này xảy ra thường xuyên bất chấp việc tuyến cáp đã được gia cường ở những khu vực gần bờ.

Việc xây dựng một tuyến cáp quang biển mới không hề dễ dàng, thậm chí rất tốn kém và phức tạp. Nguyên nhân là bởi toàn bộ tuyến cáp chính sẽ phải nằm trong hải phận quốc tế.

Trong những năm qua, các nhà mạng trong nước đã có nhiều động thái để giảm sự phụ thuộc vào các tuyến cáp quang biển truyền thống. Điều này được thể hiện qua việc đưa vào vận hành tuyến cáp quang biển APG (năm 2016) và tuyến cáp AAE-1 (năm 2017). Chất lượng đường truyền Internet mỗi khi có tuyến cáp quang biển gặp sự cố vì vậy cũng đã được cải thiện.

Tuyến cáp quang biển SJC-2 sắp được đưa vào hoạt động.

Sắp tới, Việt Nam sẽ có thêm tuyến cáp quang biển thứ 7 đi vào hoạt động là SJC-2 (South East Asia Japan Cable System 2 - Hệ thống cáp quang biển Đông Nam Á - Nhật Bản 2).

Tuyến cáp quang biển có độ dài 10.500 km, kết nối 9 quốc gia (vùng lãnh thổ) trong khu vực châu Á. Hệ thống này dự kiến được đưa vào khai thác từ cuối năm nay. Sự xuất hiện của SJC-2 cũng sẽ giúp điều tiết và giảm tải cho nhiều hệ thống cáp quang biển khác hiện đang hoạt động.

Trọng Đạt

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/cong-nghe/vien-thong/cap-quang-bien-vi-sao-lien-tuc-gap-su-co-641756.html