Cấp thiết trong đào tạo 'kỹ năng sống' cho trẻ

Từ vụ việc nam sinh tử vong đáng tiếc xảy ra tại trường Gateway, có thể thấy sự hạn chế trong đào tạo kỹ năng sống cho trẻ nhỏ từ các bậc làm cha làm mẹ.

Kỹ năng sống cho trẻ nhỏ ở các nước phát triển

Trong khi ở nước ta 6 tuổi trẻ em đã bắt đầu vào học lớp 1, hầu hết chỉ chú trọng đến những bài học văn hóa, nặng về lý thuyết thiếu sự thực tiễn, kỹ năng trong cuộc sống. Ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước phương Tây có nền giáo dục phát triển, việc dạy trẻ em kỹ năng sống là lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu, không phải là bài học về văn hóa mà học về kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp - ứng xử.

Tại Mỹ, các bậc phụ huynh đã bắt đầu dạy con cái họ các kỹ năng từ lúc 1,5 tuổi. Đó đơn giản chỉ là các kỹ năng tự phục vụ bản thân như mặc quần áo, cài cúc áo, kéo phéc-mơ-tuya, rửa mặt, đánh răng, chải đầu, ăn cơm… Tuy nhiên, những kỹ năng này không đồng nhất ở tất cả các giai đoạn phát triển của trẻ mà chia theo độ tuổi.

Khi trẻ bắt đầu bước vào tuổi mẫu giáo, các thầy cô hướng dẫn kỹ năng sống một cách cơ bản và thực tế như cách treo áo khoác khi vào lớp thế nào cho đúng, cách rót nước từ bình ra cốc để không bị đổ hoặc đơn giản hơn là bài tập thực hành rửa tay trước khi ăn. Và dần dần sẽ đến dạy trẻ cách đối phó với các hoàn cảnh khó khăn hơn. Nền giáo dục tại quốc gia phát triển nhất thế giới chú trọng đào tạo kỹ năng sống cho các bé để hướng đến tính tự lập, sự lễ phép và sự tôn trọng.

Hay tại Nhật Bản, việc tạo điều kiện cho trẻ thích nghi với môi trường sống là điều hết sức quan trọng. Chúng ta sẽ bắt gặp những bà mẹ cùng cô bé, cậu bé hai tháng tuổi tại các công viên của Nhật Bản. Chúng ta cũng sẽ bắt gặp những cậu bé 4-5 tháng tuổi đầu đội trần đi dưới trời nắng hiu. Và chúng ta cũng sẽ bắt gặp những em học sinh lớp một tập thể dục dưới trời nắng hay mưa mà không có thứ gì che chắn.

Với người Nhật, đó là để tôi luyện bản năng sinh tồn. Khi trẻ lớn hơn một chút, người Nhật sẽ dạy trẻ cách ứng phó khi có động đất, sóng thần. Họ dạy trẻ cách kiềm chế sợ hãi, bình tĩnh để xử lý tình huống. Người Nhật cho rằng: để có thể làm tốt những việc sau này, việc đầu tiên con cần làm là tự biết cách bảo vệ bản thân mình trước những biến đổi của cuộc sống. Đó cũng là cơ hội để người Nhật dạy con tính kiên cường, tự lực cánh sinh.

Không chỉ dạy lý thuyết suông, thỉnh thoảng các em được tham gia các buổi diễn tập đối phó với hỏa hoạn không báo trước. Khi đó, chuông báo cháy sẽ vang lên ngay giữa giờ học và các em phải vận dụng những gì đã được dạy để áp dụng đối phó với các trường hợp xấu xảy ra.

Tại Phần Lan, một nước có nền giáo dục phát triển thuộc hàng Top đầu thế của thế giới, quan điểm về giáo dục của họ: "Chúng tôi tin rằng trẻ em dưới 7 tuổi chưa sẵn sàng để bắt đầu đi học, chúng cần thời gian vui chơi và hoạt động thể chất. Đó là thời gian cho sự sáng tạo’’. Trẻ không có bài tập về nhà mà phần lớn thời gian trẻ vui chơi trải nghiệm thực tế ở ngoài trời. Cụm từ “bài tập về nhà” dường như đã bị lỗi thời ở Phần Lan. Bởi thay vì phải ngồi bó chặt hàng giờ liền ở bàn học mỗi tối, trẻ sẽ có rất nhiều thứ khác để làm sau khi tan trường: cùng chơi với bạn bè, gia đình, chơi thể thao, chơi nhạc, đọc sách… Hay thậm chí trẻ còn có thể leo cây để tìm hiểu về những thứ khác bên ngoài cuộc sống, phát hiện ra nhiều điều thú vị về thế giới tự nhiên. Bên cạnh đó trẻ còn được trang bị kĩ năng sinh tồn, kĩ năng giao tiếp - ứng xử, kỉ năng tự lập.

Sự cần thiết trong đào tạo kỹ năng sống cho trẻ nhỏ

Việc trẻ có kỹ năng sống là điều rất tốt, có thể giảm thiểu rủi nguy hiểm cho trẻ trong nhiều tình huống bất ngờ xảy đến. Theo thống kê mỗi năm nước ta có 2.000 trẻ đuối nước tử vong. Trong đó phần lớn do trẻ không biết bơi, không xác định được đó là vùng nguy hiểm để trách xa.

Giáo dục nước ta cần có sự thay đổi căn bản sao cho thiết thực gần với thực tế, để trẻ em có thể phát huy hết khả năng sáng tạo. Cho trẻ các kỹ năng mền trong cuộc sống, ứng xử - giao tiếp, kỹ năng cơ bản để thích nghi và thoát hiểm trong những tình huống cần thiết. Dạy trẻ biết thích nghi cuộc sống bên ngoài, không nên bao bọc một cách thái quá. Bên cạnh đó nhà trường và gia đình phải có một sợi dây liên kết với nhau trong việc giáo dục con trẻ. Nếu thực hiện, làm được những điều đó thì có thể giảm thiếu phần nào những sự cố ngoài mong muốn.

Tuy nhiên đừng “thần thánh hóa” nội dung kỹ năng sống, xem đó là bảo bối cho con trẻ. Học kỹ năng sống là tốt, thế nhưng bên cạnh đó sự buông lỏng, thả nổi trong quy trình đưa đón học sinh đã được điểm mặt chỉ tên trong mấy ngày qua trên các diễn đàn báo chí truyền thông. Nhưng lớn hơn, là sự buông lỏng trong quản lý về lĩnh vực giáo dục, về vấn đề an toàn cho trẻ em không chỉ trong nhà trường mà còn trong xã hội.

Chỉ vì những lợi ích, những toan tính của người lớn, mà trẻ em phải chịu sống trong những môi trường sống không an toàn do người lớn tạo ra. Và người lớn quay ra yêu cầu trẻ em phải học kỹ năng sống để có thể vượt qua những môi trường không an toàn đó. Có những tai họa thiên nhiên khó lòng tránh khỏi nhưng có những tai họa do chính con người tự tạo ra. Xin hãy giữ lấy lòng thiện lương để hành động của mình không đe dọa, hủy hoại đến người khác, nhất là trẻ nhỏ, vì khả năng sinh tồn của các con không thể như người lớn.

An Hạ (t/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/cap-thiet-trong-dao-tao-ky-nang-song-cho-tre-d162127.html