Cáp treo lên đỉnh Bạch Mã: Điều kiện là...

Phát triển du lịch Bạch Mã đòi hỏi phải có nhà đầu tư tầm cỡ, có chuyên môn cao trong tổ chức, quản lý du lịch sinh thái.

Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái tâm linh và nghỉ dưỡng Bạch Mã thuộc Vườn Quốc gia (VQG) Bạch Mã, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) đang thu hút sự quan tâm của dư luận và giới chuyên gia.

Là người trong cuộc, ông Nguyễn Vũ Linh, Phó Giám đốc VQG Bạch Mã nhấn mạnh rằng, việc quy hoạch phải thể hiện đầy đủ các đặc trưng của du lịch sinh thái để bảo tồn, phát huy các giá trị thiên nhiên, văn hóa, lịch sử của VQG Bạch Mã theo hướng thân thiện với môi trường nhất.

Theo ông Linh, Nhà nước khuyến khích phát triển du lịch ở các khu rừng đặc dụng, trong đó có hệ thống các VQG, nhưng đó phải là du lịch sinh thái, không phải du lịch đại chúng, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí thông thường. Việc quy hoạch phải căn cứ trên các đặc trưng cơ bản của một mô hình sinh thái thực sự.

Theo các nghiên cứu, có 4 đặc trưng mà một mô hình du lịch sinh thái phải thể hiện đầy đủ:

Thứ nhất, phải dựa vào giá trị hấp dẫn của thiên nhiên, văn hóa, lịch sử bản địa, không phải dựa vào các công trình nhà đầu tư phát triển lên hay thứ văn hóa ngoại lai được đưa tới..

Thứ hai, phải quản lý, phát triển bền vững về mặt môi trường thiên nhiên.

Thứ ba, phải có những hoạt động diễn giải môi trường, giáo dục môi trường.

Thứ tư, phải có những hoạt động, nỗ lực bảo tồn thiên nhiên và phát triển sinh kế của cộng đồng cư dân ở địa phương.

"Nếu đi đúng hướng du lịch sinh thái, nó sẽ tạo ra nguồn lực hỗ trợ lại cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị thiên nhiên, văn hóa, lịch sử của VQG Bạch Mã", ông Linh nhấn mạnh.

Phối cảnh hệ thống cáp treo tại Bạch Mã

Phối cảnh hệ thống cáp treo tại Bạch Mã

Đối với đồ án quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái tâm linh và nghỉ dưỡng Bạch Mã do tư vấn đưa ra, lãnh đạo VQG Bạch Mã cho rằng, bản quy hoạch có ưu điểm là khá thân thiện với môi trường.

Phát triển du lịch ở Bạch Mã dĩ nhiên cần phải có phân vùng để đảm bảo dịch vụ đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng khách du lịch, đồng thời đảm bảo sự công bằng để mọi người dân có thể thưởng thức giá trị của Bạch Mã.

Vì thế, việc xây dựng một vài điểm nghỉ dưỡng, nhà hàng..., theo ông Nguyễn Vũ Linh, cũng là cần thiết nhưng phải xác định bao nhiêu là vừa?

Dùng phương thức giao thông nào (xe điện, cáp treo...) để đảm bảo ít tác động đến tài nguyên thiên nhiên, môi trường?

Để trả lời được hai câu hỏi ấy, lãnh đạo VQG Bạch Mã lưu ý nhà quy hoạch phải chú ý hai vấn đề:

Thứ nhất, thời tiết, khí hậu ở Bạch Mã rất khắc nghiệt với lượng mưa hàng năm rất lớn, sấm sét nhiều, độ ẩm cao (luôn trên 80%)... Từ những yếu tố đó, nhà quy hoạch phải chú ý đến những kiến trúc nào, công trình nào, vật liệu nào... phù hợp với đặc điểm thời tiết, khí hậu khắc nghiệt như vậy.

Thứ hai, phải nghiên cứu rất kỹ để xác định sức chứa ở khu du lịch Bạch Mã là bao nhiêu dựa trên các yếu tố về không gian vật lý, sinh học, tâm lý, quản lý.

"Phải đặt ra vấn đề sức chứa ngay từ đầu vì nếu vượt ngưỡng chịu đựng của môi trường, tâm lý, giá trị sinh học đó, nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị của thiên nhiên, môi trường, lịch sử ,văn hóa của Bạch Mã.

Khi xác định được sức chứa mới tính toán được lượng khách đến Bạch Mã bao nhiêu là vừa. Không thể để vượt ngưỡng bởi như vậy sẽ gây tác hại nhất định, như làm mất đi những loài đặc trưng như voọc vá, gà lôi trắng; can thiệp vào những phong cảnh đặc sắc của Bạch Mã như thác Đỗ Quyên, Vọng Hải Đài hay các địa điểm khácbằng việc xây dựng những mô hình không thân thiện với môi trường.

Khi ấy, vô hình trung sẽ đánh mất những sản phẩm du lịch là phong cảnh đặc sắc, loài đặc sắc của Bạch Mã.

Trên cơ sở xác định sức chứa, lượng khách bao nhiêu, nhà quy hoạch phải đưa ra được mật độ xây dựng, phục hồi bao nhiêu biệt thự là vừa, từ đó giới hạn lượng khách, kiến trúc công trình, phương tiện giao thông...

Từ những yêu cầu trên, tôi cho rằng, tư vấn quy hoạch chưa nghiên cứu đầy đủ sức chứa của Bạch Mã. Thế nên họ đưa ra lượng khách lên đến 1-1,2 triệu người/năm và con số ấy dễ vượt ngưỡng của Bạch Mã, sẽ gây tác động tiêu cực đến thiên nhiên, môi trường đến lịch sử công trình, các biệt thự cũ trước đây ở Bạch Mã", ông Nguyễn Vũ Linh phân tích.

Phó Giám đốc VQG Bạch Mã đồng ý với quan điểm rằng, bảo tồn phải phát huy những giá trị của Bạch Mã, không phải cứ giữ khư khư, cũng không phải phát triển quá mức để phá vỡ, mất đi giá trị của vườn.

Ông cũng khẳng định lâu nay Bạch Mã vẫn làm du lịch và vẫn có khách. Vì thế, nên chăng cải tạo những công trình hiện tại thành những khu có thể đón được một lượng khác vừa phải vừa đảm bảo chất lượng và các mục tiêu khác theo đúng hướng du lịch sinh thái.

"Không phải VQG nói không hết với sự đầu tư, nhưng việc lựa chọn nhà đầu tư rất quan trọng. Nếu nhà đầu tư chỉ đi theo mô hình du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, chăm chăm đưa thật nhiều khách đến để thu thật nhiều tiền, không có chiều sâu, không có các tour chuyên biệt thì sẽ không đi vào lòng người, đặc biệt sẽ phá vỡ Bạch Mã trong nay mai và chúng ta là người có lỗi với lịch sử, với thế hệ mai sau.

Vì lẽ đó, rất cần nhà đầu tư có đủ tầm cỡ, chuyên môn cao và có kinh nghiệm trong tổ chức, quản lý, phát triển du lịch sinh thái", ông Nguyễn Vũ Linh khuyến nghị.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/cap-treo-len-dinh-bach-ma-dieu-kien-la-3367720/