Cắt đôi que thử HIV: Cái khó ló cái lươn lẹo

Ông bà có câu: 'Cái khó ló cái khôn', nhưng những nhân viên ngành y cắt đôi que thử HIV và viêm gan đã ló ra những cái lươn lẹo.

Nhân viên y tế cắt que thử làm đôi trước khi tiến hành xét nghiệm cho người bệnh. Ảnh cắt từ clip của VTV24

Nhân viên y tế cắt que thử làm đôi trước khi tiến hành xét nghiệm cho người bệnh. Ảnh cắt từ clip của VTV24

Vụ việc ở bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) đang gây sốc dư luận. Đây là một vụ việc nghiêm trọng về y đức, gây sốc cho người dân, với một thủ đoạn không ai tưởng tượng nổi.

Một phóng sự của VTV24 đã chỉ ra một chuyện động trời ở bệnh viện lớn nhất của Hà Nội: bớt xén vật tư y tế bằng cách cắt đôi que thử HIV và viêm gan B. Thay vì để nguyên bộ test như hướng dẫn nhà sản xuất chỉ dùng cho một bệnh nhân, nhân viên khoa Vi sinh cắt đôi test để xét nghiệm cho 2 bệnh nhân. Sau khi nhân đôi que thử, mẫu máu của bệnh nhân được nhỏ vào que để xét nghiệm HIV và viêm gan B. Khoảng 4 tiếng sau, kết quả xét nghiệm được trả cho bệnh nhân.

Ngoài ra, trong phòng xét nghiệm miễn dịch bán tự động HIV và viêm gan B cũng yêu cầu mỗi mẫu máu của bệnh nhân sử dụng riêng một dụng cụ xét nghiệm, tuy nhiên, các nhân viên y tế ở đây có “sáng kiến” chết người là trộn chung 4 mẫu máu của bệnh nhân lại xét nghiệm 1 lần để... tiết kiệm hóa chất.

Có lẽ hiếm có nền y khoa nào trên thế giới có kiểu “tiết kiệm nguyên vật liệu y tế” kinh sợ thế này. Nó bất chấp mọi quy chuẩn y đức, bất chấp mọi quy chuẩn khoa học, để rồi chỉ nhằm một mục đích rất thấp kém: bớt xén vật tư. Chỗ nguyên liệu, vật tư “dôi dư” ra nhờ cách làm xét nghiệm vô lương tâm này chui vào túi ai, cần phải có một câu trả lời đích xác chứ không phải chỉ là đình chỉ nóng 3 cán bộ liên quan trực tiếp đến những sai phạm mà phóng sự vừa công bố.

Có người nói vui một cách chua chát, rằng đáng lẽ phải khen thưởng những cán bộ y tế vô lương tâm đó, thay vì kỷ luật họ. Bởi nhờ có những “sáng kiến” chết người ấy mà vật tư y tế được tiết kiệm, tránh lãng phí, còn dôi ra. Một que thử được 2 người, 1 lần xét nghiệm làm được cho 4 người, bất kể độ chính xác đến đâu nhưng ít ra, cũng có lợi về mặt.. tiết kiệm!

Ông bà ta có câu: “cái khó ló cái khôn”, để nói về việc trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, con người ta thường hay nảy ra những sáng kiến thông minh, tốt đẹp, mang đến lợi ích cho mọi người. Còn ở đây, rõ ràng là “cái khó ló cái lươn lẹo”.

Những cán bộ y tế biến chất này đã bất chấp tất cả, lương tâm và đạo đức nghề nghiệp, bất chấp các quy định để làm một việc lươn lẹo, coi thường tính mạng và sức khỏe bệnh nhân mà không có gì ngoài mục đích duy nhất, đó là chữ Tiền.

Với một môi trường y tế mà chữ Tiền được những cán bộ y tế biến chất đặt lên cao nhất, trên cả đạo đức và lương tâm như vậy, thì bệnh nhân được xếp vào đâu? Tính nhân văn của môi trường y tế ấy ra sao? Lòng tin của người bệnh đã cạn đến đáy bởi khi vào viện, họ chỉ còn tin vào những chỉ định của bác sĩ mà thôi.

Lương y như từ mẫu, vậy mà lại có những vị “lương y” bán rẻ cả tính mạng và sức khỏe của người bệnh, coi chúng rẻ mạt hơn cả những đồng bạc bẩn thỉu.

Mi An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/van-hoa/nguoi-viet/cat-doi-que-thu-hiv-cai-kho-lo-cai-luon-leo-3393006/