Cắt giảm 1,3 tỷ kWh năng lượng tái tạo: Nghịch lý là...

1,3 tỷ kWh năng lượng tái tạo bị cắt giảm năm 2021, nhưng ngành than vẫn xác định vai trò quyết định trong phát triển năng lượng quốc gia.

Theo thông tin được lãnh đạo Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia đưa ra tại Hội nghị tổng kết của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Việt Nam đã và đang tiếp tục giảm công suất năng lượng điện tái tạo do vấn đề thừa nguồn. Thời gian tới phải tiếp tục cắt giảm thêm.

Theo tính toán của cơ quan này, khoảng 1,3 tỷ kWh, trong đó hơn 500 triệu kWh sẽ cắt giảm vào năm 2021 do vấn đề thừa nguồn điện mặt trời vào các điểm trưa và quá tải đường dây 500 kV từ miền Trung ra Bắc.

Trong khi năng lượng tái tạo phải cắt giảm công suất thì dự thảo Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vẫn xác định ngành than giữ vai trò quyết định trong phát triển năng lượng quốc gia.

Trao đổi với Đất Việt, ông Trần Đình Sính, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) nhận xét đây là một nghịch lý. Từ trước tới nay, cơ quan quản lý, trực tiếp là Bộ Công thương, vẫn đặt gánh nặng vào than trong khi tiềm năng khai thác than của Việt Nam không còn nhiều, phụ thuộc vào nhập khẩu ngày càng tăng lên, còn trên toàn cầu, ngành than đang trong xu thế thoái trào.

Ông dẫn chứng, mỗi năm than nội địa Việt Nam chỉ được 35 triệu tấn, đủ cho các nhà máy điện đang chạy hiện nay (khoảng 18.000 MW), muốn có than chạy các nhà máy mới thì phải nhập, mà đã nhập là phụ thuộc.

"Dự kiến phải nhập 85 triệu tấn than trong tổng số 130 triệu tấn than cần dùng mỗi năm. Việc này giống như một người phải tiếp tới 2/3 lượng máu trong cơ thể, vậy làm sao có thể khỏe mạnh được?", ông Trần Đình Sính nêu vấn đề.

Chưa kể, theo vị chuyên gia, nhập than có nhiều rủi ro. Muốn nhập than, trước hết phỉa có tiền, có kế hoạch. Các quốc gia nhập than nhiều như Nhật Bản, Hàn Quốc mua quyền khai thác mỏ ở Úc, Indonesia... rồi làm đường, đưa thiết bị, lao động sang, mỏ trở thành của họ. Trong khi đó, Việt Nam nhập kiểu chấp chới, giá rẻ thì được, giá đắt phải chịu.

Dư thừa nguồn cung khiến Việt Nam dự kiến cắt giảm 1,3 tỷ kWh năng lượng tái tạo năm nay.

Đối với việc dự kiến cắt giảm 1,3 tỷ kWh năng lượng tái tạo, theo ông Sính, các nhà đầu tư đã đổ tiền vào năng lượng tái tạo là những người đầu tiên mất trắng.

"Nguyên nhân là bởi vì trước đây năng lượng tái tạo không được chú ý, ngay cả Quy hoạch Điện VII, Điện VII điều chỉnh dù ở thời điểm soạn thảo, nhiều nhà khoa học, chuyên môn đã góp ý. Đến bây giờ, khi chú ý đến năng lượng tái tạo thì mới thấy hầu như chưa có sự chuẩn bị gì, khi đưa ra chính sách cũng chỉ mang tính ngắn hạn", ông Trần Đình Sính nói.

Ông dẫn chứng, đối với điện mặt trời, năm 2017, Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam ra đời, đưa ra mức giá mua bán điện khuyến khích đối với điện mặt trời (FIT).

Theo đó, các dự án phát điện thương mại trước ngày 30/6/2019 sẽ được hưởng cơ chế giá ưu đãi 9,35 US cents/KWh theo hợp đồng mua bán điện 20 năm ký với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Đến tháng 6/2019, Quyết định 11 hết hạn mà không có một chính sách nào được đưa ra ngay lập tức để làm khung phát triển cho các dự án điện mặt trời, khiến các nhà đầu tư và chính quyền địa phương lúng túng.

Đến ngày 6/4/2020, Thủ tướng ban hành Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, trong đó đưa giá mức giá FIT (giá ưu đãi, khuyến khích) ở mức 8,38 UScent/kWh trong 20 năm (tương đương 1.943 đồng/kWh).

Bởi mức giá FIT hấp dẫn trên, chỉ trong vòng 8 tháng (4-12/2020), điện mặt trời mái nhà đã phát triển ồ ạt. Đặc biệt, do các công trình điện mặt trời mái nhà phát triển sau ngày 31/12/2020 không được các đơn vị điện lực ghi nhận điện năng phát lên lưới và không mua điện khi chưa có quyết định mới của Thủ tướng nên những ngày cuối năm 2020 trở thành một cuộc đua chạy nước rút của các dự án điện mặt trời mái nhà nhằm nghiệm thu, đấu nối trước ngày 1/1/2021 để đủ điều kiện hưởng giá FIT.

"Rõ ràng, nếu có tầm nhìn dài hạn, có chính sách đối với năng lượng tái tạo ngay từ đầu, chúng ta sẽ có sự chuẩn bị, đặc biệt là về truyền tải, thì Nhà nước sẽ lợi hơn rất nhiều bởi người dân, doanh nghiệp bỏ tiền ra làm", Phó Giám đốc GreenID tiếc nuối.

Cũng bởi trước đây tập trung vào điện than nên hệ thống đường dây được thiết kế để chuyển điện than từ Bắc vào Nam. Đến bây giờ, nhiều nhà máy điện than bị chậm tiến độ, năng lượng tái tạo phát triển, hệ thống điện thiết kế cho quy hoạch cũ không còn phù hợp nữa nhưng muốn chuyển sang truyền năng lượng tái tạo từ Nam ra Bắc lại chưa thể làm ngay. Điều này dẫn đến khi điện mặt trời, điện gió phát triển ồ ạt thì phải cắt giảm công suất.

"Đó là một vòng luẩn quẩn", ông Trần Đình Sính nhận xét.

Cũng chia sẻ quan điểm về vấn đề này, chuyên gia năng lượng độc lập - TS Ngô Đức Lâm (Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam) khẳng định, chính sách của Nhà nước Việt Nam vẫn là phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng năng lượng tái tạo không phải chỉ toàn ưu điểm. Do đó, khi đưa ra mô hình tính toán phải tính cả những nhược điểm của năng lượng tái tạo, tính đúng, tính đủ tất cả các chi phí đầu vào, kể cả ô nhiễm vào trong đó, để từ đó xác định tỷ lệ bao nhiêu là hợp lý trong cơ cấu nguồn điện, sử dụng tới đâu, ưu tiên cái nào...

"Truyền tải chỉ là một vấn đề nhỏ, quan trọng là vấn đề giá cả và nó phụ thuộc vào thị trường. Nếu làm năng lượng tái tạo thì phải làm trong thị trường hoàn hảo, cả than, dầu khí...

Dự kiến, thị trường điện lực tới năm 2024 thì hoàn thành nhưng chưa chắc, thị trường than, dầu khí... chưa có.

Trong dự thảo Tổng sơ đồ VIII mới nêu lý thuyết, cần tính toán lại cụ thể. Tuy nhiên, đó cũng mới chỉ là bài toán về giá, còn bài toán thị trường, tổ chức thực hiện và một loạt yếu tố khác", vị chuyên gia nói.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/kinh-te/thi-truong/cat-giam-13-ty-kwh-nang-luong-tai-tao-nghich-ly-la-3426158/