Cắt giảm điện tái tạo: Doanh nghiệp phàn nàn, Bộ Công Thương nói gì?

Bộ Công Thương cho biết đã nhận được kiến nghị của một số chủ đầu tư liên quan đến việc cắt giảm các nhà máy năng lượng tái tạo.

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Văn phòng Chính phủ về việc giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp liên quan việc điều tiết giảm công suất huy động của các nhà máy điện năng lượng tái tạo.

Điện mặt trời phát triển quá nóng đang gây dư thừa công suất phát ở một số thời điểm. (Ảnh: EVN)

Điện mặt trời phát triển quá nóng đang gây dư thừa công suất phát ở một số thời điểm. (Ảnh: EVN)

Theo Bộ Công Thương, thời gian qua việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời đã đạt nhiều kết quả tích cực, thu hút mạnh mẽ nguồn đầu tư xã hội. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh với quy mô công suất lớn của các nguồn năng lượng tập trung tại một số khu vực miền Trung, miền Nam đã gây ra hiện tượng quá tải cục bộ, quá tải lưới điện truyền tải liên kết miền và hệ thống điện dư thừa công suất phát so với nhu cầu phụ tải (nhu cầu tiêu thụ điện) trong một số thời điểm.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhu cầu phụ tải điện tăng trưởng thấp, dẫn tới một số tình huống trong thời gian thấp điểm của hệ thống như các dịp lễ tết, ngày cuối tuần hoặc thấp điểm trưa hằng ngày hệ thống điện dư thừa công suất phát.

Dù Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) đã thực hiện giảm phát các nguồn năng lượng truyền thống đến giới hạn kỹ thuật với cấu hình tối thiểu nhưng hệ thống điện vẫn dư thừa công suất.

Bộ Công Thương cho rằng đây là “tình huống nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn, an ninh hệ thống điện”.

Do đó, Bộ Công thương đã yêu cầu EVN và A0 tính toán và công bố mức điều tiết giảm công suất huy động của các nhà máy điện, đồng thời dịch chuyển giờ phát cao điểm các nhà máy thủy điện nhỏ nhằm tối ưu huy động các nguồn năng lượng tái tạo.

Theo Bộ Công Thương việc cắt giảm các nhà máy năng lượng tái tạo là tình huống bắt buộc trong bối cảnh hệ thống điện quốc gia thừa nguồn và lưới điện quá tải cục bộ nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống điện.

Ngoài ra, việc tiết giảm được EVN, A0 tính toán, thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng cho tất cả các nhà máy mà không phân biệt chủ đầu tư.

Bộ Công Thương cũng đã trình Chính phủ và được Thủ tướng đồng ý bổ sung quy hoạch nhiều công trình lưới điện truyền tải nhằm tăng cường, đảm bảo giải tỏa công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo.

Trước đó, do thường xuyên bị cắt giảm công suất các dự án điện mặt trời và điện gió, nhiều doanh nghiệp đã gửi kiến nghị tháo gỡ khó khăn đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực Chính phủ.

Hòa Bình

Nguồn VTC: https://vtc.vn/cat-giam-dien-tai-tao-doanh-nghiep-phan-nan-bo-cong-thuong-noi-gi-ar601129.html