Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Cần triệt tiêu sự chây ỳ, chần chừ của cơ quan quản lý

Hiện vẫn tồn tại những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập trong hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Việc làm cần thiết lúc này là phải có thêm áp lực đủ mạnh để triệt tiêu sự chây ỳ, chần chừ của cơ quan quản lý trong việc rà soát, bãi bỏ các quy định gây khó cho DN.

Những chia sẻ này đã được các khách mời nhấn mạnh tại Tọa đàm "Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 03/7 tại Hà Nội.

Khách mời tham gia tọa đàm là bà Nguyễn Chi Lan - đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), cùng chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Thảo đến từ Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM).

Với quyết tâm kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, ngày 12/5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025. Nghị quyết đặt mục tiêu trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025 cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Các khách mời tại Tọa đàm.

Là chuyên gia nhiều năm theo dõi về môi trường kinh doanh, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh CIEM cho rằng, Nghị quyết 68 ra đời trong bối cảnh thực sự có ý nghĩa với DN khi DN chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Hơn lúc nào hết DN cần cải cách về môi trường kinh doanh, dỡ bỏ những rào cản đối với hoạt động kinh doanh của DN.

Theo đánh giá của bà Thảo, thực tế trong hoạt động đầu tư kinh doanh của DN nhận thấy có những chồng chéo, mâu thuẫn. Những mâu thuẫn, chồng chéo này thể hiện ở chỗ hoạt động đầu tư kinh doanh của DN chịu tác động bởi nhiều VBQPPL, và các VBQPPL này được soạn thảo bởi các cơ quan khác nhau và phân tán bởi nhiều văn bản khác nhau.

"Từ 2019, Chính phủ nhận thấy những bất cập trong văn bản luật liên quan đến chồng chéo, mâu thuẫn cần được giải quyết, bởi nếu không giải quyết sẽ dẫn đến rủi ro cho cả nhà đầu tư và cơ quan quản lý Nhà nước", bà Thảo nói.

DN không biết đường nào mà lần khi VBQPPL mâu thuẫn, chồng chéo

Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng những văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) chồng chéo, mâu thuân, bà Nguyễn Chi Lan - đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp cho rằng, xuất phát từ nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó, nguyên nhân khách quan là do biến động, phát triển KT - XH đi quá nhanh, đặc biệt là trong thời kỳ của cuộc CMCN 4.0 với nhiều đổi mới, tạo áp lực trở lại với hệ thống pháp luật. Theo đó, có những quy định pháp luật dường như chưa kịp thời đáp ứng được. Bên cạnh đó, xuất phát từ lý do chức năng quản lý của các bộ, ngành khác nhau, và mục đích ban hành hệ thống VBQPPL trong từng từng lĩnh vực cũng xuất phát từ mục đích quản lý của Nhà nước, của từng bộ, ngành, còn có sự khác nhau của các quy định pháp luật. Ngoài ra, quy trình làm luật tuy đã tương đối đổi mới, tiến bộ nhưng khi đưa vào áp dụng gặp phải không ít sự lúng túng trong quy trình xây dựng pháp luật.

Bà Nguyễn Chi Lan - đại diện Bộ Tư pháp phát biểu tại sự kiện.

Về nguyên nhân chủ quan, theo bà Nguyễn Chi Lan, một phần do đội ngũ xây dựng pháp luật còn ít nhiều hạn chế.

Từ góc độ của hiệp hội doanh nghiệp, ông Tô Hoài Nam phát biểu, rõ ràng hoạt động kinh doanh rất cần trên một cái nền pháp luật đầy đủ, rõ ràng, và thoáng. Còn tất cả những gì gây phiền hà, không cần thiết đều cản trở cho môi trường hoạt động kinh doanh.

"Đôi khi nhiều quy định của pháp luật có thể mất cơ hội kinh doanh cho DN. Thực tế, hoạt động kinh doanh, nhiều lĩnh vực kinh doanh liên quan đến nhiều bộ, ngành quản lý. Khi quy định chồng chéo thì DN không biết đường nào mà lần và bản thân các cơ quan quản lý Nhà nước đều đưa ra các điều kiện, quyết định khác nhau bởi hiểu luật khác nhau theo lĩnh vực quản lý của mình. Và hậu quả là DN gặp khó khăn", ông Tô Hoài Nam nêu.

Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Trước những ý kiến cho rằng quan điểm "quyền anh, quyền tôi" với tư duy quản lý theo nếp cũ còn tồn tại đâu đó, nữ chuyên gia của CIEM đánh giá, ở đây có sự chần chừ trong sự thay đổi chứ không phải là cơ quan quản lý không biết cách thay đổi.

"Có một số lý do tương đối mang tính chất quyền lực. Qua một thời gian chúng tôi có làm việc với DN và bộ ngành, chúng tôi thấy sự chần chừ còn tồn tại ở nhiều bộ ngành. Không có bộ ngành nào tự đưa lên rằng tôi sẽ thay đổi nội dung hoặc đơn giản hóa hay cắt bỏ điều kiện này hay quy định kia", bà Thảo nói.

Tuy nhiên, theo bà Thảo, 3 năm gần đây sau khi có những đánh giá, nhận định độc lập từ các bên liên quan, từ các hiệp hội hay từ phản ánh của DN, đã tạo ra áp lực buộc các bộ ngành phải chủ động rà soát các quy định xem những quy định nào không thực sự rõ ràng.

"Như vậy, các bộ ngành đã chủ động sau những rà soát độc lập của các đơn vị như hiệp hội hay viện nghiên cứu. Họ đã chủ động rà soát xem những quy định nào không hợp lý để bỏ đi hoặc quy định chưa rõ ràng thì sửa đổi. Tuy nhiên, dường như mới chỉ cắt đi hoặc đơn giản hóa những cái đơn giản, còn những gì đem lại quyền lực cho các bộ, ngành còn có những quy định như vậy và họ vẫn giữ những quy định đó.

Cần triệt tiêu sự chây ỳ, chần chừ của cơ quan quản lý Nhà nước

Theo bà Nguyễn Chi Lan, giải pháp để hạn chế tối đa những mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống VBQPPL là trong thời gian tới Luật Ban hành VBQPPL được Quốc hội thông qua và có hiệu lực trong thời gian tới thì có lẽ với quy trình sửa đổi bổ sung sẽ là giải pháp căn cơ góp phần tháo gỡ tình trạng bất cập này. Đây là giải pháp về quy trình xây dựng hệ thống VBQPPL.

Ngoài ra, cần hơn nữa sự quan tâm sát sao của các bộ, ngành trong việc xây dựng VBQPPL, và nâng cao hơn nữa ý thức và quan tâm của bản thân những người xây dựng pháp luật, đặc biệt là trong công tác rà soát VBPL để kịp thời phát hiện những mâu thuẫn, chồng chéo, qua đó kịp thời đưa ra giải pháp đảm bảo tính khả thi của các VPQPPL.

Trong khi đó, ông Tô Hoài Nam cho rằng, làm gì cũng bắt đầu từ con người, dù ở cấp TƯ hay địa phương.

"Bởi nếu không thông thì rất khó làm. Phải chú ý tâm lý một bộ phận không nhỏ ngại thay đổi, ngại đụng chạm. Đổi mới thì phải vất vả, phải lao tâm khổ tứ. Nếu không đặt mục tiêu vì lợi ích của DN và người dân lên trên, mà chỉ loay hoay với mục tiêu quản lý thì sẽ rất khó. Phải quyết tâm cao, từ đầu năm đến nay chúng ta đã làm tốt công tác chồng Covid, tôi tin sẽ làm được việc này nếu quyết tâm cao", Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME nêu.

Còn để giải quyết sức ỳ của cơ quan quản lý, ông Nam cho rằng cần áp lực mạnh nhưng áp lực đủ mạnh, đủ như thế nào thì không đơn giản. Các chương trình sử dụng đồng thời áp lực trong hành chính, truyền thông cùng với quyết tâm chính trị thì đều tạo nên sự chuyển biến rất nhanh, qua đó mới giải quyết được sức ỳ. Tuy nhiên, cần có hành lang pháp lý cho cơ quan quản lý thực hiện. Nếu không xử lý được việc này thì mọi việc sẽ rất khó. Trong trường hợp này, việc sử dụng nguyên tắc 1 văn bản sửa nhiều văn bản là rất đúng.

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Minh Thảo, phải tìm cách thức và cách tiếp cận phù hợp để áp dụng đối với hoạt động rà soát, sửa đổi những chồng chéo vốn đã tồn tại lâu nay.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh CIEM.

Theo chuyên gia này, không có bộ, ngành nào tự nhận ra được những cái khó của ngành mình cả mà những mâu thuẫn, chồng chéo của hệ thống VBQPPL thường là một đơn vị độc lập như VCCI, hay một số viện nghiên cứu nhận diện ra trên cơ sở họ làm việc với địa phương và DN.

"Tôi cho rằng, mô hình Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát VBQPPL thành lập hồi tháng 3/2020 là phù hợp vì tổ công tác có thể lựa chọn thành viên tham gia vào tổ cũng như đội ngũ giúp việc có chuyên môn trong các lĩnh vực như vậy để soạn thảo các VBQPPL liên quan", bà Thảo nhìn nhận.

Theo bà Thảo, một điểm rất quan trọng nữa là sự kết nối với cộng đồng DN bởi vì hơn ai hết cộng đồng DN là đối tượng chịu tác động trực tiếp bởi những VBQPPL đó. Khi có sự tham gia của đại diện DN thì sẽ có ý nghĩa nhiều trong việc tìm kiếm giải pháp đạt được sự đồng thuận vừa đảm bảo yêu cầu quản lý, vừa tạo điều kiện thông thoáng cho DN. Tiếng nói của họ góp phần tạo ra áp lực để thay đổi.

Bên cạnh đó, vai trò của chuyên gia và báo chí cũng là kênh rất quan trọng trong việc tạo áp lực để bộ ngành phải thay đổi về tư duy, để có những cải cách mang tính thực chất. Còn nếu tạo áp lực từ trên xuống thì đôi khi kết quả mang tính hình thức hơn là những gì thực chất từ bản thân bộ ngành đó thực sự muốn thay đổi.

Nguyệt Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/cat-giam-dieu-kien-kinh-doanh-can-triet-tieu-su-chay-y-chan-chu-cua-co-quan-quan-ly/20200703043527149