Cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa thực chất

Năm 2017, Việt Nam tăng 14 bậc về môi trường kinh doanh, nhờ nỗ lực cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh (ÐKKD), cải cách thủ tục hành chính. Nửa đầu năm 2018, chính sách pháp luật về môi trường kinh doanh tiếp tục có sự thay đổi khá lớn do các bộ, ngành đều đưa ra phương án cắt giảm ít nhất 50% ÐKKD theo đúng tinh thần Nghị quyết 19-2018/NQ-CP của Chính phủ.

Trong đó, Bộ Xây dựng dẫn đầu với tỷ lệ đề xuất bãi bỏ lên đến 89%; bộ có tỷ lệ cắt giảm thấp nhất như Bộ Giáo dục và Ðào tạo cũng đạt tới 51,9%. Tỷ lệ tiếp thu góp ý cũng cao hơn. Cụ thể, trong số 113 góp ý của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho 16 dự thảo văn bản của các bộ, ngành đã có 59 ý kiến được tiếp thu, ghi nhận (chiếm 52,21%) khi ban hành văn bản.

Tuy nhiên khi đi sâu vào phân tích các con số, việc cắt giảm ÐKKD của một số bộ, ngành vẫn chưa thực chất. Báo cáo "Ðiểm lại pháp luật kinh doanh sáu tháng đầu năm 2018" do VCCI lần đầu công bố cho thấy: Nghị quyết 19 đưa ra tỷ lệ 50% là tính chung cho ÐKKD cắt bỏ và sửa đổi. Khi thực hiện, có những ÐKKD chỉ được cơ quan soạn thảo hạ thấp điều kiện, sửa một vài điểm nhỏ, thậm chí chỉ sửa câu, chữ và cũng được tính như là cắt bỏ. Bên cạnh đó, ÐKKD mới vẫn tiếp tục ra đời. Mỗi năm, có hơn một nghìn văn bản pháp luật được ban hành, hơn một nửa trong số đó là pháp luật kinh doanh. Cắt giảm ÐKKD chưa được thực hiện liên tục, thống nhất và đồng đều ở các bộ, ngành, có lúc rộ lên thành phong trào, có lúc lại bị lãng quên.

Hiện chưa có thống kê cụ thể về mức độ thiệt hại của ÐKKD và thủ tục hành chính nhiêu khê đối với cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế, song những mối liên hệ đã khá rõ. Thí dụ, một con số ước tính của hiệp hội ngành nghề cho thấy, Thông tư 37 của Bộ Công thương trước đây quy định bắt buộc xét nghiệm formandehyde (hợp chất hữu cơ gây độc cho sức khỏe con người khi tiếp xúc) đối với sản phẩm dệt may nhập khẩu khiến 6.000 doanh nghiệp trong ngành tốn khoảng 135 triệu USD mỗi năm để thực thi, trong khi tỷ lệ hàng dệt may nhập khẩu không đáp ứng mức giới hạn formandehyde là rất nhỏ. Còn theo tính toán của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), giảm được thời gian thông quan một ngày, doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam sẽ giảm được hơn một tỷ USD chi phí mỗi năm.

Một mối liên hệ khác, bảy tháng đầu năm nay, Việt Nam có thêm 75.793 doanh nghiệp thành lập mới, nhưng lại có 59.910 doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động. So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp mới tăng được 3,9%, trong khi số doanh nghiệp rời thị trường tăng tới 38,4%. Ðây là vấn đề rất đáng lưu ý vì ÐKKD không hợp lý cùng thủ tục hành chính rườm rà chính là tác nhân làm đội chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Để các phương án cắt giảm ÐKKD đi vào thực chất, vai trò của các Bộ trưởng rất quan trọng. Bộ trưởng cần có quyết tâm "cởi trói", không nặng về tư duy "lĩnh vực đặc thù" mới cắt giảm được ÐKKD. Thực tế triển khai thời gian qua cho thấy, nhiệm vụ này cần giao về bộ phận pháp chế của các bộ để có thể thực hiện thống nhất, hiệu quả. Nếu để các cục, vụ là những đơn vị có thẩm quyền cấp phép, đứng ra rà soát, cắt giảm sẽ rơi vào tình trạng "lấy đá tự ghè chân mình". Bên cạnh đó, quá trình này cần có sự tham gia tư vấn của các chuyên gia độc lập.

PHƯƠNG ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/37227902-cat-giam-dieu-kien-kinh-doanh-chua-thuc-chat.html