Cắt hỗ trợ, thôi đóng bảo hiểm y tế?

Thảo luận về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn trước số người tham gia bảo hiểm y tế giảm, trong đó khoảng 2,1 triệu người là đồng bào dân tộc thiểu số không tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm y tế vì không còn được ngân sách nhà nước hỗ trợ.

2,1 triệu đồng bào dân tộc thiểu số không tiếp tục đóng bảo hiểm y tế

Tại Nghị quyết số 20 ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã xác định: "Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế toàn dân, mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe, được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia bảo hiểm y tế và thụ hưởng các dịch vụ y tế”.

ĐBQH Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) phát biểu tại hội trường Ảnh: Hồ Long

“Tuy nhiên, có một thực tế là trong khi người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang dần quen với việc tìm đến bác sĩ, đến cơ sở y tế để thăm khám, điều trị bệnh thì giờ cơ hội cho điều đó thật khó” - ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) băn khoăn.

Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế, số người tham gia bảo hiểm y tế tại một số nhóm đối tượng do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế giảm mạnh, giảm 4,9 triệu người so với năm 2020. Nguyên nhân là do Quyết định 861 ngày 4.6.2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực 3, khu vực 2, khu vực 1 thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định 612 ngày 16.9.2021 của Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, khoảng 2,1 triệu người là đồng bào dân tộc thiểu số không tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm y tế, trước đây được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng bảo hiểm, do thoát khỏi huyện nghèo, xã khó khăn, đặc biệt khó khăn khu vực 2, khu vực 3.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình vấn đề đại biểu quan tâm. Ảnh: Hồ Long

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thừa nhận,trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 861, các chính sách liên quan đến bảo hiểm y tế của người dân tại khu vực này cũng bị ảnh hưởng. Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành rà soát những bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện. Đến thời điểm này những nội dung vướng mắc liên quan tới việc thực hiện chế độ bảo hiểm y tế đối với người dân trong Quyết định 861 đã được tổng hợp, điều chỉnh, cùng với việc triển khai thực hiện Quyết định 353 phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, đối với việc mua thẻ bảo hiểm y tế cho nhân dân của các xã vùng ATK thì những nội dung vướng mắc liên quan đến việc thực hiện bảo hiểm y tế này đã được Chính phủ chỉ đạo và đưa vào Nghị định 146 sửa đổi. Nghị định 146 sửa đổi đang được trình Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ ban hành.

“Đây là vấn đề bản thân tôi và một số đại biểu rất băn khoăn. Điều đó cho thấy công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế tuy đã đạt được nhiều thành quả nhưng chưa đồng đều, chưa hướng được đến những đối tượng mà Nhà nước cần phải quan tâm, chăm lo, xã hội cần đùm bọc, sẻ chia”, ĐBQH Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) nhận xét.

Rà soát kỹ lưỡng, đánh giá cụ thể

Các đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện rà soát kỹ lưỡng, chính xác, có đánh giá chi tiết, cụ thể để thấy được người dân khu vực 3, khu vực 2 giờ là khu vực 1 cuộc sống đã thật sự hết nghèo, hết khó chưa. Nhà nước không cần hỗ trợ để mua thẻ bảo hiểm y tế, người dân có thể tự đóng bảo hiểm y tế, tự chi trả chi phí khám, chữa bệnh cho một lượt khám ngoại trú là 500.000 đồng, một lượt nội trú là 4 triệu đồng hay không? Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội và các cơ quan liên quan cần khẩn trương đề xuất chính sách hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số đã được Thủ tướng kết luận tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6.2022.

ĐBQH Đoàn Thị Hảo đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát các quy định hiện hành, xác định những vướng mắc, bất cập, kịp thời bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo hiểm y tế để thống nhất thực hiện trong cả nước. Thực hiện thanh quyết toán dứt điểm số tiền phát sinh trước năm 2021 là 5.323 tỷ đồng.

“Trước mắt cần có giải pháp hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho 3,1 triệu người, trong đó đặc biệt quan tâm đến 2,1 triệu người là đồng bào vùng dân tộc thiểu số ngay trong năm 2023”, ĐBQH Đoàn Thị Hảo nhấn mạnh.

Hương Linh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/cat-ho-tro-thoi-dong-bao-hiem-y-te-i309299/