Cát nhân tạo – giải pháp tốt cho vật liệu xây dựng

Để tháo gỡ vướng mắc giữa nguồn cung khan hiếm nhưng nhu cầu về cát sỏi thì không dừng lại, một số doanh nghiệp ở tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành sản xuất cát, sỏi nhân tạo làm vật liệu thay thế.

Giá cát, sỏi xây dựng tại tỉnh Thừa Thiên Huế đang tăng lên nhanh chóng và dường như chưa có dấu hiệu dừng lại. Việc tăng giá này khiến cho hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép diễn ra mạnh mẽ, phức tạp bất chấp sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng; một số doanh nghiệp, đơn vị thì tìm phương án để giải quyết nhưng xem ra cũng không mấy hiệu quả.

Trước thực tế trên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tình Thừa Thiên-Huế nhấn mạnh, Sở đang hướng dẫn các đơn vị tiến hành sản xuất cát xay nhân tạo để thay thế vật liệu xây dựng cát, sỏi.

Hoạt động xây dựng ở tỉnh Thừa Thiên Huế gặp khó khăn vì giá cát tăng cao, nguồn cung khan hiếm.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, việc đưa ra phương án nghiên cứu dùng cát lòng hồ thủy điện, cát nội đồng, cát nhân tạo (cát xay), đá mi… thay thế cát lòng sông đã được các cơ quan, ban ngành dốc sức tính đến và tìm phương án. Trong đó, cát nhân tạo được xem là khả thi và được một số doanh nghiệp áp dụng.

Cát nhân tạo (hay còn gọi là cát xay, cát nghiền) là một công nghệ mới về cát và là lời giải cho bài toán về tài nguyên cát hiện nay đồng thời có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Thừa Thiên- Huế.

Mô hình sản xuất cát nhân tạo đã được một số doanh nghiệp đầu tư tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điển hình trong việc chế biến cát nhân tạo là Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại phát triển Trường Sơn có trụ sở tại Tổ dân phố Giáp Thượng 3, Phường Hương Văn, Thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế). Đơn vị này đã mạnh dạn đầu tư một dây chuyền nghiền sàng cát từ đá granit làm vật liệu xây dựng thông thường với tổng công suất đạt 104.000 m3/năm. Sản phẩm của dự án là cát nhân tạo có cỡ hạt 0,75-3mm.

Ông Trần Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại phát triển Trường Sơn cho hay, trên thế giới, cát nhân tạo đang được dùng phổ biến, không những để thay thế cát tự nhiên đang ngày càng cạn kiệt mà còn do tính chất đặc biệt của nó: hạt cát đồng đều hơn, có thể điều chỉnh modun và tỷ lệ thành phần hạt theo từng yêu cầu cấp phối cho các loại bê tông khác nhau như bê tông asphalt, bê tông macrosell, bê tông xi măng, bê tông đầm lăn, bê tông mác cao đặc biệt …

Ông Minh nói thêm, loại cát nhân tạo cũng cho phép tiết kiệm xi măng, nhựa đường, rút ngắn thời gian thi công và tăng tuổi thọ công trình. Công nghệ này đã được phát triển và sử dụng ở các nước tiên tiến từ khoảng hơn 20 năm nay, nhưng đối với nước ta còn khá mới lạ.

Công nghệ sản xuất cát nhân tạo đã được phát triển và sử dụng ở các nước tiên tiến từ khoảng hơn 20 năm nay, nhưng đối với nước ta còn khá mới lạ.

“Hiện, khó khăn của Công ty trong việc thực hiện mô hình này là ngoài việc diện tích mỏ đá Khe Đáy hiện tại chưa đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu cho các trạm nghiền, thì quá trình nâng cấp trạm điện và tiến hành các thủ tục pháp lý liên quan cũng rất cần tạo điều kiện của tỉnh nhà…”, ông Minh chia sẻ.

Thay vì chế biến cát, sỏi từ đá, Công ty TNHH MTV Long Tường chế biến cát, sỏi từ … rác thải xây dựng. Đơn vị này đóng tại Cụm công nghiệp Tứ Hạ, thị xã Hương Trà triển khai.

Ông Dương Duy Long, Giám đốc Công ty này cho biết, công nghệ sàng lọc cát, sỏi từ vật liệu phế thải xuất phát từ mô hình khai thác cát sỏi trên sông. Công nghệ này có thể lọc và phân loại ra thành nhiều vật liệu khác nhau phục vụ nhu cầu xây dựng như đá đúc, cát đúc, cát xây, cát tô và cả đất dùng để san lấp mặt bằng, trồng cây... Qua một thời gian triển khai, mô hình đã cho thấy sự hiệu quả và mang lại nhiều kết quả tích cực.

Theo ông Long, với một giờ vận hành công nghệ này lọc được khoảng 70 khối vật liệu đầu vào, đầu ra tùy theo lượng cát, sỏi, đất, đá của vật liệu đầu vào tương ứng cho ra sản phẩm. Ước tính một ngày công nghệ này sàng lọc được khoảng 560 khối lượng vật liệu đầu vào (loại vật liệu phế thải từ mỏ đá), cho ra tỉ lệ tương ứng 160m3 sỏi, đá; 100m3 đá (vật liệu đúc bờ lô); 100m3 cát đúc, xây; 150m3 cát tô (các mịn); 50m3 đất... Thời gian tới, công ty sẽ tiến hành thông tin, quảng bá các hoạt động của công ty đến với các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh để tiến hành thu mua rác thải xây dựng, chế biến cát, sỏi cung ứng cho thị trường...

Tỉnh Thừa Thiên Huế hoan nghênh các doanh nghiệp đã tiên phong triển khai sản xuất cát nhân tạo.

Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, quan điểm của UBND tỉnh là hướng đến chấm dứt khai thác cát với quy mô công nghiệp, sử dụng công suất lớn trên các dòng sông vào năm 2020.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ, bên cạnh các giải pháp để cân đối nguồn cát cho hoạt động xây dựng, tỉnh hoan nghênh các doanh nghiệp đã tiên phong triển khai sản xuất cát nhân tạo, trong đó đánh giá cao mô hình chế biến cát, sỏi từ máy nghiền đá của Công ty Cổ phần thương mại phát triển Trường Sơn và từ rác thải xây dựng của Công ty TNHH MTV Long Tường.

Ông Định cho hay, trong bối cảnh trữ lượng cát tự nhiên ngày càng cạn kiệt và việc khai thác cát đang gây tác động tiêu cực đến môi trường, việc đầu tư những mô hình này sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, cũng như đảm bảo vấn đề về môi trường.

“Để bảo vệ các con sông, những hạt cát từ đá, từ rác thải xây dựng thật là có ý nghĩa. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty này tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng mô hình để đi vào hoạt động hiệu quả, hướng đến sử dụng tài nguyên tiết kiệm, đi đôi với bảo vệ môi trường…”, ông Phan Thiên Định nhấn mạnh.

Văn Nghĩa

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/cat-nhan-tao-giai-phap-tot-cho-vat-lieu-xay-dung-post29846.html