Cất nửa buồn vui giữa tuổi 20

SGTT.VN - Hoàng Anh là một giọng ca lạnh, cô hát thẳng tưng những nỗi buồn như thể tuổi 20 “chẳng có gì là buồn bã trong cuộc đời này”. Nhưng bỏ hết những xù xì thô ráp của vẻ ngoài phồn hoa đô hội, dễ gặp lại những nỗi buồn cũ, dù chỉ là chếnh choáng trong giọng ca này – của một con người “nghe Muse hát rock cấp tiến, tối ngủ hay mở Jay Chou và thích Lam Trường” và… đang muốn mình đi theo hướng indie, độc lập.

Anh lấy nửa đau cất đi nửa vui chờ em nhé” (Nửa). Nửa là ca khúc cùng tên album đầu tay vừa phát hành của Hoàng Anh và cũng là bài đầu tiên của album. Ngay cái sự đầu tiên ấy, tất cả đã được chia nửa. Nhạc sĩ Quốc Bảo cho rằng: “Tôi viết về tình yêu không trọn, về những mơ ước không thành, về bữa tiệc bỏ dở, về chiếc áo may vụng, về nụ hôn bị cắt lìa vì chia xa. Không toàn vẹn, không đầy, không mãn nguyện” và Hoàng Anh sẽ là người lấp đầy những chống chếnh còn lại.

Nghe trọn album nếu để ý sẽ thấy xuất hiện hai nửa của một Hoàng Anh 20 tuổi. Nửa đầu lạnh, thẹn thùng, ngập ngừng và nửa sau dày dặn, giông tố và bướng bỉnh hơn. Hoàng Anh cũng thừa nhận rằng những bài đầu đã thu âm khá lâu, từ trước khi cô bắt đầu luyện thanh với NSƯT Quang Lý. Những bài như Nửa, Em hòa làm một với bình minh, Chờ em, Môi gai, Những cơn đau một nửa được pha đậm trong chất alternative với kiểu phối power pop châu Âu (giống kiểu nhạc của nhóm rock Thụy Điển Cardigian) và giọng hát của Hoàng Anh gần giống như một sự giới thiệu, một sự mời chào vào một bữa tiệc mà thật sự những món ngon nhất bày chào ở nửa phần sau.

Thể loại alternative rock, có thoang thoảng chút đồng quê là nguyên liệu lý tưởng cho những câu chuyện được kể theo một cách nghe nào đó gần giống như sự bất cần để che giấu đi nỗi đau thực sự. “Nỗi đau” ở đây nghe rõ con tim đang đập những nhịp buồn của một người đàn ông, nhưng ở một vài bài Hoàng Anh khá khôn khéo biến được thành “nỗi đau” của riêng mình, nhẹ bâng và trôi qua mau. Những bài về cuối (Anh gọi em gọi em gọi em, Mục đồng, Cho qua hôm nay), không gian hòa âm được dàn mỏng lại để Hoàng Anh cất tiếng, lúc này mới thật sự là cuộc chơi của cô, giọng vẫn lạnh nhưng pha thêm những ngụm ấm nơi đầu môi, vẫn khô nhưng hiện rõ cơn khát tìm kiếm một nửa. Bởi tất cả đều là “nửa”, đều không trọn vẹn chừng nào hạnh phúc chưa hiện diện trong niềm vui đoàn tụ, nên mỗi bài hát, dù có cấu trúc khá hoàn chỉnh thì vẫn giống như những đoản khúc nhập đề đột ngột và kết thúc bất ngờ – không trọn vẹn.

Hoàng Anh là lứa học trò mới của Quốc Bảo và khi nghe nhạc của cô đã có người so sánh Hoàng Anh với Thủy Tiên ở thời kỳ đầu. Tuy nhiên, ở thời đầu sự nghiệp âm nhạc của mình, Thủy Tiên đi theo lối rock “đen” hơn, tương phản đen – trắng hơn, trong khi Hoàng Anh là một sự pha trộn trong sáng và “dễ thở” hơn. Cách của Thủy Tiên của những ngày đầu là chân trần lên sân khấu, hơi gồng và né tránh, còn Hoàng Anh thì tươi hơn, chủ động hơn và chẳng né tránh điều gì.

Cô gái đến từ Vũng Tàu này bày tỏ rất yêu âm nhạc nhưng cô không muốn gồng mình để làm điều gì đó gây sự chú ý. “Em muốn mọi người nhìn em bằng âm nhạc, ai cũng nổi loạn nhưng sự nổi loạn cũng cần phải có thời gian. Nếu không ca hát hoặc em sẽ làm nha sĩ giống mẹ, hoặc ra trường với mảnh bằng quản lý hoạt động âm nhạc và làm viên chức nhà nước”, Hoàng Anh chia sẻ. Hàng đêm cô vẫn hát ở hội quán The Journey cùng những người bạn.

Nhạc sĩ Quốc Bảo cho rằng con đường mà anh mở ra cho Hoàng Anh thật ra là những câu chuyện riêng tư cần một cách kể khác biệt, không phổ thông và không ồn ào. Đó là lý do mà Hoàng Anh được chọn.
Công chúng mộ điệu từng yêu thích album Bình yên (2003) hay Những chuyện kể (2004), sẽ một lần nữa gặp lại phong cách tự sự giàu hình ảnh và ẩn dụ trong các bài hát của Quốc Bảo, lần này qua một giọng hát tươi mới hứa hẹn mang lại cho người nghe một trải nghiệm mới mẻ trong không gian âm nhạc tưởng như đã rất quen thuộc, mà Quốc Bảo đã tạo dựng trong nhiều năm qua.

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/nguyet-san/chi-tiet/155014/cat-nua-buon-vui-giua-tuoi-20.html