Cát xê hàng trăm triệu nhưng chậm trễ việc đóng tiền tác quyền

Tình trạng ca sĩ đi hát với cát xê bộn tiền nhưng lại khó khăn, chậm trễ trong việc trả tiền tác quyền vừa mới được nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đề cập.

Câu chuyện về bản quyền âm nhạc tiếp tục gây tranh cãi.

Ca sĩ giàu, nhạc sĩ vẫn nghèo

Vấn đề bản quyền âm nhạc vừa mới được làm nóng tại hội thảo về tác động của một số chính sách pháp luật ở lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật do Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), Ban Chủ nhiệm CLB cựu Đại biểu Quốc hội tổ chức.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, người thay thế nhạc sĩ Phó Đức Phương quản lý Trung tâm Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, đã chia sẻ về thực trạng quyền tác giả âm nhạc hiện nay.

Ông cho biết, điều đáng buồn là nghĩa vụ thực hiện quyền tác giả âm nhạc vẫn chưa được thực hiện một cách tự nguyện, nhân văn, sòng phẳng. Trong khi các ca sĩ đi hát một đêm kiếm mấy chục nghìn đô, cát xê từ 300 đến 500 triệu, đời sống giàu có với nhà lầu, xe hơi nhưng khi nhạc sĩ gọi điện hỏi tiền bản quyền thì chửi um lên.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn.

Theo ông, ca sĩ chỉ làm giàu cho bầu show. Tổ chức một đêm nhạc bán cả chục triệu một đôi vé. Thực trạng lâu nay không thay đổi đó là ca sĩ, bầu show thì giàu còn nhạc sĩ vẫn nghèo.

Còn tiền bản quyền đối với các nhạc sĩ là mồ hôi, nước mắt và là đồng tiền chính đáng đối với những tài năng nghệ thuật. Theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, lẽ ra việc đóng tiền tác quyền cần phải có thái độ tự nguyện và tinh thần trách nhiệm, đúng thời hạn.

Cũng theo đại diện VCPMC, việc thực hiện nghĩa vụ bản quyền của nhiều ca sĩ, nghệ sĩ hiện nay vô tình gây khó khăn cho công tác bảo hộ quyền tác giả âm nhạc, ảnh hưởng đến cam kết của Việt Nam với quốc tế.

“Luật đã cho phép rồi nhưng cái tâm của người sử dụng các tác phẩm lại gây khó khăn cho trung tâm hoàn thành nhiệm vụ”, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn nhấn mạnh.

Thủ tục cấp phép chương trình không thể thiếu thỏa thuận giữa nhạc sĩ và đơn vị tổ chức

Giám đốc Trung tâm quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho hay, trước kia, nếu muốn xin giấy phép cho các chương trình nghệ thuật, biểu diễn, các đơn vị tổ chức sẽ phải thực hiện xin phép các tác giả trước. Hồ sơ cấp phép cần phải có hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả. Vậy mà khi thu tiền tác quyền còn khó, huống hồ bây giờ bãi bỏ thì việc thực thi càng khó hơn.

Ông Đinh Trung Cẩn viện dẫn việc VCPMC trích tiền tác quyền âm nhạc để trao trước cho một nhạc sĩ vì ông đang cần tiền để chữa trị ung thư. Cùng với đó, theo ông, có vô vàn hệ lụy nếu không bảo vệ được bản quyền cho người sáng tác.

Đại diện VCPMC cũng nhắc đến những chương trình lớn sử dụng nhiều ca khúc của các tác giả như Trịnh Công Sơn, Phú Quang, .... Nhiều nghệ sĩ lớn cũng được nhắc tên vì chưa thực hiện đúng nghĩa vụ bản quyền....

Chương trình của nhiều nghệ sĩ, trong đó có danh ca Khánh Ly được phản ánh là chậm trễ trong việc thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả âm nhạc.

Trước đó, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch (VHTTDL) đã ra quyết định phê duyệt phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ VHTTDL, làm cơ sở để xây dựng dự thảo Nghị định mới về hoạt động nghệ thuật biểu diễn thay thế nghị định cũ trước đó.

Trong phương án mới, Bộ VHTTDL đề xuất phương án cắt giảm điều kiện "hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả" trong thủ tục cấp giấy phép biểu diễn và giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu (tại Điều 9, Điều 24 Nghị định số 79/2012/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 15/2016/NĐ-CP).

ĐB

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/van-hoa/cat-xe-hang-tram-trieu-nhung-cham-tre-viec-dong-tien-tac-quyen-640816.ldo