Cầu an lành mạnh, không dâng sao giải hạn

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nêu tinh thần thực hiện lễ cầu an theo hướng trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan.

Chùa Phúc Khánh đảm bảo lễ cầu an “tùy tâm” và không có cảnh ngồi tràn ra lòng đường. Ảnh: NHƯ Ý

Chùa Phúc Khánh đảm bảo lễ cầu an “tùy tâm” và không có cảnh ngồi tràn ra lòng đường. Ảnh: NHƯ Ý

Trong công văn số 016 hướng dẫn tổ chức nghi lễ cầu an đầu năm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) nêu rõ, lễ cầu an dịp đầu xuân năm mới “là truyền thống văn hóa tâm linh của người Việt và nhu cầu tất yếu của xã hội”. Việc các chùa tổ chức nghi lễ cầu quốc thái dân an là “việc làm có ý nghĩa nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và đem lại sự lạc quan trong cuộc sống”.

“Tuy nhiên, để gìn giữ sự trong sáng của chính pháp, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN yêu cầu các chùa, cơ sở tự viện và tăng ni khi thực hành các nghi lễ cầu quốc thái dân an phải đảm bảo trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không đốt vàng mã, tránh những nghi lễ không đúng chính pháp của Phật giáo khiến bị xã hội hiểu là lệch chuẩn tâm linh, và phải cẩn trọng trong khâu tổ chức, tránh các yếu tố mang hình thức dịch vụ tâm linh”, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn nêu.

Giáo hội yêu cầu không dùng các thuật ngữ yếm thế như “giải hạn”, “dâng sao giải hạn”, “cắt giải oan gia trái chủ”… mà phải nêu bật ý nghĩa, sự vận hành luật nhân quả của Phật giáo - tạo phước đức bằng việc tránh ác, làm thiện, làm nhiều việc tốt, sống đời sống chính mạng, chính nghiệp mới có được sự an lạc, hạnh phúc, thịnh vượng và gặp nhiều thiện duyên trong đời sống.

“Vì sự nghiệp hoằng dương và bảo vệ chính pháp, giữ vững niềm tin của xã hội, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN đề nghị Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố hướng dẫn và chỉ đạo các chùa trong cả nước thực hiện đúng tinh thần công văn này. Đồng thời, yêu cầu Ban Kiểm soát các cấp giám sát nghiêm việc thực hiện tại các cơ sở tự viện”, Hội đồng Trị sự đề nghị.

Chùa Phúc Khánh những năm trước đây luôn là “điểm nóng” về tổ chức lễ cầu an, dịch vụ dâng sao giải hạn. Trao đổi với Tiền Phong, Đại đức Thích Minh Đức, trụ trì chùa Phúc Khánh, khẳng định “sẽ điều chỉnh toàn diện”. Theo đó, khóa lễ tại các chùa là khóa lễ cầu an của dịp tết Nguyên tiêu, tổ chức hoàn toàn theo nghi thức và tinh thần của đạo Phật.

Từ mồng 6 Tết Canh Tý đến hết tháng Giêng, chùa Phúc Khánh làm lễ cầu an cho nhân dân. “Ai đến chùa có tâm nguyện, đều được nhà chùa thành tâm phục vụ tín ngưỡng Phật giáo theo tinh thần nhà Phật và tùy tâm. Lễ vật và nghi thức, lễ nghi vẫn đầy đủ, trang nghiêm và thành kính”, Đại đức Thích Minh Đức khẳng định.

Sư trụ trì chùa Phúc Khánh đảm bảo không có hiện tượng ngồi tràn ra đường lễ vọng như trước, chỉ gói gọn trong khuôn viên nội tự. Dịp lễ Vu lan vừa qua, nhà chùa thực hành theo tinh thần này. Các ngày rằm, mồng Một cũng không còn hiện tượng ngồi tràn ra lòng đường như trước.

“Trong các khóa lễ, ngoài nghi lễ tâm linh, nhà chùa sẽ giáo hóa cho phật tử hiểu về lịch sử dân tộc, lịch sử Phật giáo hàng ngàn năm đồng hành với dân tộc cũng như ý nghĩa nghi thức cầu an trong đạo Phật. Việc này giúp phật tử hiểu rằng, giải trừ được vận hạn chỉ bằng cách hồi hướng công đức, tham gia các chương trình thiện nguyện như hiến máu, hiến mô tạng, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, vùng núi, biên giới, hải đảo”, Đại đức Thích Minh Đức nói.

Nhà chùa cũng khuyến cáo phật tử vào chùa lễ Phật không chen lấn xô đẩy, giữ gìn vệ sinh môi trường, văn minh nơi thờ tự, không ngồi ngoài đường ảnh hưởng đến giao thông… “Cùng với sự quan tâm của giáo hội và các cấp các ngành, các vị trụ trì cần giúp người dân nhận thức, thực hành đúng chánh pháp vừa đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng của người dân, vừa dẹp bỏ các hủ tục lạc hậu mê tín dị đoan tại các cơ sở thờ tự để xây dựng một xã hội ổn định, văn minh”, Đại đức Minh Đức nói.

Nguyên Khánh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/cau-an-lanh-manh-khong-dang-sao-giai-han-1508508.tpo