Cậu bé chết đi sống lại đỗ trạng nguyên và chuyện bán gió mua que

Từ cậu bé nghèo hiếu học, Vũ Duệ không ngừng vươn lên, trở thành trạng nguyên nổi tiếng trong lịch sử. Tấm gương ham học của ông còn được lưu truyền mãi đến hậu thế.

Sách Kể chuyện tấm gương hiếu học chép rằng 4 tuổi, Duệ (1468-1522) bị bệnh đậu mùa, đã chết lả đi. Cha mẹ tưởng con chết thật, vì nghèo, không có tiền mua quan tài, phải bó thây bằng chiếu buồm, bỏ ở ngoài hiên, sáng sớm hôm sau đưa đi chôn. Nhà có nuôi con chó rất khôn, nó cứ ngồi suốt đêm bên bó chiếu.

Đến sáng, người nhà định lấy xác mang đi, con chó nhảy lồng lên dữ tợn. 2-3 lần đều như thế, người nhà không hiểu vì sao, đành chờ. Đến chiều hôm đó, trời bỗng nổi cơn mưa, người thân nghe thấy trong chiếu có tiếng khóc, cậu bé sống lại. Cha mẹ chạy ra mang con vào nhà, con chó vẫy đuôi mừng rỡ.

Cậu bé nghèo khiến thầy thán phục

Lúc nhỏ, Vũ Duệ tên là Vũ Nghĩa Chi (có tài liệu ghi Vũ Nghĩa Chí), sau đổi tên Vũ Duệ. Ông là bậc danh thần tiết nghĩa, cũng là nhà thơ có tiếng đời Lê.

Vốn người làng Trình Xá, huyện Sơn Vi, tỉnh Sơn Tây (Phú Thọ ngày nay), ông đỗ trạng nguyên niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (năm 1490), dưới thời vua Lê Thánh Tông.

Vũ Duệ vốn thiệt thòi hơn các bạn đồng trang lứa, vì nhà nghèo, không được đi học. Hàng ngày, cậu phải trông em, lo cơm nước để cha mẹ làm đồng. Vũ Nghĩa Chi rất sáng dạ và ham học. Mỗi buổi sáng, khi thầy đồ bắt đầu dạy chữ, cậu cõng em đứng ở ngoài hiên, chăm chú nghe giảng bài. Gần một năm, cậu bé rất mực chuyên cần, ngày ngày tới lớp học ké.

Tranh minh họa Vũ Duệ ngồi học. Ảnh: Khoa học và Đời sống.

Tranh minh họa Vũ Duệ ngồi học. Ảnh: Khoa học và Đời sống.

Thầy đồ thấy Nghĩa Chi nhà nghèo ham học, có phần mến phục. Một hôm, ông nảy ra ý muốn thử tài cậu bé, với suy nghĩ nếu bé thực sự thông minh, sẽ tìm cách giúp.

Thầy đồ đặt ra câu hỏi rất hóc búa, cả lớp chỉ biết nhìn nhau, không ai trả lời được. Thầy nhìn ra cửa sổ, nơi Vũ Nghĩa Chi đang cõng em, bắt gặp ánh mắt sáng ngời của cậu học trò nhỏ đang nhìn lại mình.

Thấy vậy, thầy đồ hỏi: "Liệu con có trả lời được câu hỏi của ta không?".

"Dạ, thưa thầy được ạ!", cậu bé trả lời.

Nghĩa Chi đáp trôi chảy, mạch lạc, đâu ra đấy. Thầy đồ gật đầu tán thưởng, cả lớp thán phục. Thầy ra tận nơi cậu bé đứng, xoa đầu hỏi mới biết tên em là Vũ Nghĩa Chi.

Thầy nói: "Tên Nghĩa Chi tuy hay, vẫn chưa xứng với tài năng của con. Nay, thầy muốn đổi cho con cái tên mới là Duệ. Duệ có nghĩa là sáng suốt, hiểu biết sâu xa. Liệu có được không?".

Vũ Nghĩa Chi gật đầu ưng thuận, rồi vái tạ thầy ra về. Từ đó, cậu bé có tên Vũ Duệ.

Thầy đồ đến tận nhà cậu bé khuyên nhủ cha mẹ cho Duệ đi học. Vũ Duệ bắt đầu đến lớp học chính thức, như bao em khác, bên thầy, bên bạn. Chỉ vài tháng sau, Vũ Duệ đã là trò giỏi nhất lớp.

Trí thông minh giúp gia đình xóa nợ

Vũ Duệ không những học giỏi mà sự thông minh, láu lỉnh cũng hiếm ai bằng. Có lần, bố mẹ đi vắng, một người cùng làng đến đòi nợ, hỏi: "Bố mẹ cháu đâu?". Vũ Duệ đáp: "Bố cháu đi chém cây sống, trồng cây chết. Mẹ cháu đi bán gió, mua que".

Người nọ suy nghĩ mãi vẫn không nghĩ ra bố mẹ cậu bé đi đâu. Căn vặn mãi, Vũ Duệ chỉ cười, mà không đáp. Người khách không nhịn nổi tò mò mới dỗ dành: "Cháu cứ nói thật đi, ta sẽ xóa nợ cho".

Nghe thế, Vũ Duệ chạy tót ra ngoài vườn, lấy một cục đất sét, bảo khách in tay vào để làm tin. Sau đó, cậu giải thích: "Cha cháu đi nhổ mạ cấy lúa, đấy chẳng là chém cây sống trồng cây chết là gì. Còn mẹ cháu đi bán quạt, rồi mua tre về để đan quạt, thế là đi bán gió mua que".

Đền thờ trạng nguyên Vũ Duệ. Ảnh: Báo Phú Thọ.

Người khách chịu Vũ Duệ thông minh, bèn bỏ về. Hôm sau, ông lại đến đòi nợ. Vũ Duệ đưa hòn đất có dấu tay in nói: "Hôm trước, ông điểm chỉ vào đây rồi, còn đòi gì nữa". Người khách ngẩn người ra, đành thôi không đòi nữa, còn món nợ thì xin giúp Vũ Duệ để mua sách vở học.

Vũ Duệ có trí nhớ kỳ lạ, các sách chỉ cần đọc qua một lần là thuộc. Vì nghèo khổ quá, nhà thủng dột tứ tung, ông thường hay ra ngồi ngoài cầu lợp ở đầu làng để học tránh ướt. Một hôm trời rét, nằm co trên sàn cầu, quan thái phó đi qua, Vũ Duệ vẫn nằm ỳ không dậy. Quan mắng, cho thế là vô lễ và điên cuồng, sai lính đến hỏi tội.

Vũ Duệ nói với người lính: "Chú bẩm hộ với quan tôi không phải cuồng mà là học trò nghèo, có biết quan đi qua, nhưng rét quá co quắp cả chân tay không dậy được".

Quan bảo khoe là học trò thì ra cho bài thơ, lấy nằm co làm đề, lấy cuồng làm vần, nếu không làm được, sẽ bị đánh đòn. Vũ Duệ vẫn không thèm dậy, cứ nằm mà đọc luôn:

Ba gian cầu trống khổ mình ông / Rét quá nằm co há phải cuồng / Cá lớn nép vây miền Bắc Hải / Rồng thiêng uốn khúc chốn Nam Dương / Một niềm trung ái lo cho trọn / Hai chữ công danh níu chẳng buông / Có khuất bao nhiêu thời có duỗi / Sang xuân ấm áp hãy ra tuồng.

Quan thái phó thấy bài thơ có khí phách, thưởng cho rất hậu và tỏ ý kính trọng.

Năm Canh Tuất (1490), đời vua Lê Thánh Tông, Vũ Duệ dự thi và đỗ trạng nguyên. Trong buổi tiệc vua ban yến trọng đãi các vị tân khoa, thấy Vũ Duệ đối đáp thông minh, hiểu rộng biết nhiều, vua vui mừng nói với cận thần tả hữu rằng: "Nếu quốc gia có sự gì, đã có người này gánh vác".

Ban đầu, Vũ Duệ được bổ làm Tham chính trấn Hải Dương. Đến đời vua Lê Chiêu Tông, ông được thăng chức Thượng thư Bộ Lại, kiêm Đông các đại học sĩ, tước Trình khê hầu.

Kỳ thi 'Minh kinh bác học' đầu tiên của nước Đại Việt Năm 1075, vua Lý Nhân Tông lần đầu tiên cho tuyển chọn quan lại thông qua kỳ thi nhằm tìm ra người có tài phục vụ đất nước.

Nguyễn Thanh Điệp
Video: VTV

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cau-be-chet-di-song-lai-do-trang-nguyen-va-chuyen-ban-gio-mua-que-post884401.html