Câu cá chốt kêu ẹc ẹc trên sông Ba-thú vui kiếm cá đắt tiền

Sông Ba đoạn qua thị xã Ayun Pa và huyện Krông Pa (Gia Lai) có 2 loài cá quý, cá đặc sản là cá phá và cá chốt. Cá phá thì theo sự biến đổi của tự nhiên giờ đây đã gần như cạn kiệt, còn cá chốt đến mùa nước lũ vẫn sinh sôi nảy nở. Và đi câu cá chốt sông Ba giờ đang là thú vui của nhiều người.

Đoạn sông Ba từ đèo Tô Na đến dưới đập tràn Nhà máy Thủy điện Đak Srông 3A và 3B nước chảy xiết, lắm vách đá, hang hốc trở thành nơi cá chốt quần tụ, sinh sôi. Đây là loài cá da trơn, có màu vàng, màu trắng, trên đầu có râu, vây có ngạnh đâm rất đau. Thịt cá chốt chắc, dai, thơm, vị ngọt và béo.

Bãi câu cá chốt dưới đập tràn Nhà máy Thủy điện Đak Srông 3A và 3B. Ảnh: Đ.P

Cá chốt không to như các loài cá khác, con lớn nhất chỉ độ 3 lạng. Khoảng tháng 9, tháng10 là thời điểm thịt cá chốt ngon nhất. Có lẽ vì khi ấy là mùa lũ, nước chảy xiết, theo đặc tính thì cá thường bơi ngược dòng nước nên thịt chắc, dai và thơm ngon hơn.

Để bắt được cá chốt, trước đây, người dân địa phương thường dùng thuyền bơi ra giữa sông chọn đoạn có nước chảy xiết để thả lưới, chừng 1 giờ đồng hồ sau quay lại thu lưới là có vài ký cá chốt vàng ươm, mập mạp. Cũng có khi người ta chọn đoạn nước xoáy do bị chắn bởi doi đất nhô ra lòng sông hay cành cây ngã xuống chặn lại để buông chài, chắc chắn bắt được cá.

Tầm dăm năm trở lại đây, khi đập tràn của Nhà máy Thủy điện Đak Srông 3A và 3B chắn ngang lòng sông thì đoạn sông phía dưới đập tràn trở thành bãi câu cá chốt thu hút rất đông thợ câu lẫn du khách rảnh rỗi.

Dịp nghỉ lễ 30-4 vừa rồi, chúng tôi kéo nhau đến đoạn sông Ba dưới đập tràn Nhà máy Thủy điện Đak Srông 3A và 3B để câu cá chốt. Đây là đoạn sông uốn cong, nước chảy xiết nên cá chốt rất nhiều.

Hai bên bờ sông có nhiều vách đá, bãi đá cuội mồ côi lô nhô rất đẹp mắt, phù hợp để làm điểm ngồi buông câu lý tưởng. Khi chúng tôi đến, nơi này đã có gần chục bạn trẻ kéo đến từ trước lựa chọn mỏm đá bằng để căng bạt, cắm dù làm điểm ngồi câu.

Đi câu cá chốt không cần dùng câu đài quăng ra xa vì sẽ bị vướng vào đá ngầm dưới mặt nước mà chỉ cần sử dụng cần câu thả ở các mép sông nước xoáy gần bờ là cá đã cắn mồi. Mồi câu cá chốt là loại tôm sống bóc vỏ mua ngoài chợ, nhưng tốt nhất là chuẩn bị trước bằng mớ cá nhỏ phơi sương qua đêm cho dậy mùi. Loại mồi này rất hấp dẫn cá chốt.

Cá chốt là loài ăn tạp, thường đi theo đàn nên khi đã lựa chọn được địa điểm buông câu lý tưởng thì chẳng mấy chốc đã câu được cá. Vì trên 2 mép cá và đầu các vây ở mang, bụng, lưng cá chốt đều có các ngạnh rất nhọn, có thể tiết ra nọc độc nên khi bắt cá phải rất cẩn thận, nếu để ngạnh cá chích vào sẽ rất đau nhức.

Không gì thú bằng ngồi câu sát mép sông, gió thổi mát rượi, quang cảnh hữu tình. Khi bắt được cá, để giữ cho tươi sống, chỉ cần bới một hố nhỏ ở bờ sông cho nước rỉ vào làm chỗ nhốt, rồi cứ câu được con nào là thả vào đấy. Chừng nửa buổi, hố đã xâm xấp cá, con nào con nấy béo mập quẫy đuôi kêu “ẹc ẹc” như tiếng heo con. Người “sát cá” thì chỉ một chốc đã có thể câu được vài ba ký, người ít hơn cũng non ký cá chốt.

Trời đã hanh nắng, chúng tôi chia nhau ra dọc bờ sông kiếm mấy cành củi khô, kê mấy hòn đá nhen lò lửa lấy than nướng cá. Bếp than liu riu để cá chín đều, không bị cháy da. Mùi cá nướng thơm phức, thân cá vàng óng, béo ngậy. Giã một chén muối lá é đặc biệt theo kiểu người Jrai hoặc muối ớt xanh (loại ớt hiểm) để chấm với cá chốt nướng. Thêm vài cây cơm lam nướng trong ống lồ ô vừa mua lúc sáng khi đi ngang qua quán nhậu dưới chân đèo Tô Na, vậy là chúng tôi đã có một bữa tiệc thú vị giữa trời mây, sông nước.

Ông Lê Đình Trọng-chủ một quán nhậu ở đèo Tô Na cho hay, gần đây, tiếng thơm đồn xa nên nhiều khách phương xa đến thị xã Ayun Pa đều tìm mua cá chốt mang về làm quà; người địa phương cũng mua cá chốt gửi biếu bạn bè, người thân. Vì thế, giá cá chốt đã tăng lên gấp đôi, đến gần 200.00 đồng/kg nhưng không có đủ để đáp ứng nhu cầu.

Bây giờ, cá chốt-một món ăn dân dã thân quen của người địa phương-đã trở thành đặc sản ở khắp quán nhậu, nhà hàng. Đáng ngại là nhiều người tìm đủ cách để bắt cá chốt, kể cả dùng xung điện, nhất là vào mùa sinh sản (khoảng tháng 11-12 Âm lịch). Lúc này, cá chốt nổi lên mặt nước để tìm chỗ đẻ trứng, người đánh bắt cá chốt nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm.

Theo Đức Phương (Báo Gia Lai)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/cau-ca-chot-keu-ec-ec-tren-song-ba-thu-vui-kiem-ca-dat-tien-923280.html