Cầu cạnh thần thánh có thể giàu sang không?

Giới doanh nhân mua vàng để mong mua bán thuận buồm xuôi gió thì có thể hiểu được, còn giới công chức và cả giới công nhân tranh giành mua vàng để làm gì? Câu trả lời chỉ là...

Nhìn vào các tiệm vàng dịp Vía Thần Tài thì thấy khiếp! Sợ đúng ngày mùng 10 tháng Giêng không mua được, nên từ chiều mùng 9 tháng Giêng đã đông đúc người đến tiệm vàng để móc ví ra một cách hoan hỉ. Đúng ngày mùng 10, thì các tiệm vàng phải mở cửa từ 4 giờ sáng và phục vụ khách hàng đến tận khuya. Ai chưa sở hữu được chỉ vàng nào trong ngày Vía Thần Tài thì cảm giác bứt rứt không yên, như thể tiền bạc thiên hạ đã bỏ rơi mình.

Ảnh minh họa

Giới doanh nhân mua vàng để mong mua bán thuận buồm xuôi gió thì có thể hiểu được, còn giới công chức và cả giới công nhân tranh giành mua vàng để làm gì? Câu trả lời chỉ là những nụ cười ẩn ý.

Đại diện Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI cho biết, ngày mùng 9 tháng Giêng, đến gần 11 giờ đêm tại các chi nhánh cửa hàng của DOJI mới hết khách mua vàng. Các loại vàng lẻ 1-2 chỉ nhiều lúc còn cháy hàng. Tính đến 16h30 ngày vía Thần Tài, DOJI bán hết gần 300.000 sản phẩm vàng các loại.

Dù không công khai số lượng vàng được giao dịch trong ngày Vía Thần Tài, nhưng hầu hết các ngân hàng đều bán ra một số vàng rất lớn vào mùng 10 tháng Giêng vừa qua. Riêng thương hiệu vàng PNJ không ngần ngại tiết lộ, số vàng bán ra một ngày trong dịp Vía Thần Tài luôn chiếm khoảng 5% tổng doanh thu cả năm.

Ngày Vía Thần Tài đã và đang lan tỏa trong tâm thức người Việt sôi sục khí thế làm giàu. Tuy nhiên, cũng chẳng mấy người biết rõ về tục Vía Thần Tài hình thành như thế nào.

Theo các tài liệu phổ biến, tục thờ Thần Tài có xuất xứ từ Trung Quốc. Thần Tài là vị thần cai quản tiền bạc và của cải. Có rất nhiều sự tích kể về Thần Tài nhưng biết đến nhiều nhất là câu chuyện kể về Triệu Công Minh, người đã giúp Khương Tử Nha đánh Trụ Vương. Sau khi tử trận, Triệu Công Minh được phong làm Chính Nhất Long Hồ Huyền chân quân, thống lĩnh bốn vị thần trên trời là Chiêu Bảo - Nạp Trân - Chiêu Tài - Lợi Thị. Vì thế mà ông được cho giữ chức vụ cai quản tiền bạc, của cải. Trong dân gian, mọi người thường thờ cúng Thần Tài để cầu mong tài lộc, may mắn sẽ đến với họ.

Ngoài ra, còn một câu chuyện khác về ngày Thần Tài: Một lần do uống rượu quá say, vị Thần Tài lỡ chân ngã xuống trần gian và bị mất trí nhớ, quên mất mình là ai. Sống lang thang và không biết làm việc gì, ông đi ăn xin để sống qua ngày. Gặp một vị chủ quán tốt bụng, ông được mời vào và ăn một bữa thịnh soạn. Quán đang rất vắng khách nhưng khi ông lão ăn xin bước vào thì bỗng dưng khách ra vào tấp nập, để ý thấy điều này ông chủ quán giữ ông lão ở lại để việc làm ăn buôn bán được thuận lợi. Sau một thời gian ông lão ăn xin bắt đầu nhớ lại được mọi chuyện và trở về trời. Ngày ông bay về trời là ngày mùng 10, vì thế mà dân gian đã xem ngày 10 hằng tháng là ngày Thần Tài. Ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch là ngày vía Thần Tài đầu tiên của năm.

Cũng có sách viết rằng có một người lái buôn Trung Hoa tên là Âu Minh khi đi qua hồ Thanh Thảo tình cờ gặp Thủy Thần và được thần cho một người gia nhân tên là Như Nguyện. Âu Minh đem Như Nguyện về nuôi ở trong nhà, từ đó công việc làm ăn của Âu Minh mỗi ngày một phát đạt. Trong một ngày Tết, vì một lý do nào đó, Âu Minh đánh Như Nguyện. Như Nguyện quá sợ hãi bèn chui vào đống rác và biến mất. Từ đó, Âu Minh làm ăn thua lỗ, chẳng mấy chốc nghèo xác nghèo xơ. Dân gian coi Như Nguyện là Thần Tài và lập bàn thờ Như Nguyện, cũng chính vì thế mà bàn thờ Thần Tài thường nằm ở một góc khuất trong nhà. Theo điển tích này, trong 3 ngày Tết có tục kiêng quét nhà, hốt rác vì sợ làm mất Thần Tài ẩn trong đống rác.

Rất nhiều người có nhiều tiền đã đổ xô đi mua vàng, bạc trong ngày vía Thần tài để cầu mong sự đủ đầy về tiền bạc trong một năm. Đây hoàn toàn là một nhu cầu chính đáng nhưng không phải là việc phải nhất nhất tuân theo. Chỉ khi bản thân ta tâm niệm rằng việc gặt hái tiền tài phải bằng sự nỗ lực, cần cù trong lao động sản xuất và chịu khó tích lũy, thì tiền tài sẽ tự theo đó mà hình thành. Còn nếu, bản thân không cố gắng nỗ lực lao động thì việc lập bàn thờ để thờ 2 ông thần tài trong nhà hay mua vàng trong ngày vía Thần Tài thì cũng chỉ là "xôi hỏng bỏng không"!

Ảnh minh họa

Ông Hoàng Triệu Hải- Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Lý Học Đông Phương cho rằng, chuyện đi mua vàng trong ngày Vía Thần Tài là do "những người kinh doanh vàng nghĩ ra dựa vào niềm tin đầu năm mua vàng có thêm may mắn, tài lộc của người dân để bán vàng. Việc thờ cúng theo tín ngưỡng dân gian ông Thần Tài là việc làm hoàn toàn bình thường, nhưng chúng ta rất cần hiểu chính xác chúng ta đang thờ cúng ai và ý nghĩa của việc thờ cúng vị Thần đó. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có được ý nghĩa đích thực trong việc thờ cúng và giúp chúng ta tránh khỏi sự lợi dụng lòng tin, biến văn hóa tâm linh thành mê tín dị đoan. Sự may mắn hay tiền tài không tới từ sự cầu xin và ban phát từ một vị Thần Tài nào”. Nghĩa là, nếu ai đó lười biếng lao động và sáng tạo, thì có mua vàng vào ngày Vía Thần Tài cũng không thể nào phát tài như những lời khấn nguyện thầm thì và huyền bí.

TÂM HUYỀN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/cau-canh-than-thanh-co-the-giau-sang-khong-post236863.html