Câu chuyện buồn của cậu bé nổi tiếng với chiếc áo số 10 Messi bằng nylon

Gia đình cậu bé Afghanistan từng nổi tiếng khắp thế giới 2 năm trước với chiếc áo nylon in tên cầu thủ Messi đang phải chạy trốn khỏi quê nhà sau khi nhận những lời đe dọa từ phiến quân Taliban.

 Cậu bé Murtaza Ahmadi nổi tiếng hồi năm 2016 với chiếc áo bằng túi nylon in tên thần tượng.

Cậu bé Murtaza Ahmadi nổi tiếng hồi năm 2016 với chiếc áo bằng túi nylon in tên thần tượng.

Murtaza Ahmadi, năm nay 7 tuổi, từng được báo chí thế giới chú ý hai năm trước với hình ảnh em mặc chiếc áo làm từ túi nylon màu xanh in tên cầu thủ bóng đá người Argentina Lionel Messi và số 10.

Sự nổi tiếng bất ngờ đã giúp em được gặp thần tượng Messi. Nhưng ít ai ngờ, điều này cũng đẩy gia đình cậu bé, những người thuộc dân tộc thiểu số Hazara ở huyện Jaghori, thành phố Ghazni, miền trung Afghanistan vào nguy hiểm.

“Murtaza trở nên nổi tiếng khắp thế giới và chúng tôi không thể đi lại tự do và đi bất cứ đâu. Murtaza và những đứa con khác của tôi không thể đến trường”, bà Shafiqa Ahmadi, mẹ của cậu bé, nói tại nhà của họ ở thủ đô Kabul. “Ban đêm, những người đàn ông đáng ngờ đi lại gần nhà chúng tôi và khi phiến quân Taliban tấn công ngôi làng, chúng tôi quyết định rời nơi đây”.

Ghazni, cách thủ đô Kabul khoảng 2 giờ lái xe, mắc kẹt trong cuộc chiến dữ dội giữa phe chính phủ và Taliban trong năm nay.

Chỉ trong thời gian ngắn, Taliban đổ bộ tới thành phố Ghazni hồi tháng 8 và giao tranh dữ dội đã xảy ra ở Jaghori, buộc hàng nghìn người phải chạy trốn.

“Tình hình an ninh không tốt và cháu rất sợ hãi khi ở ngoài đường”, Murtaza nói. “Cháu muốn trở thành một cầu thủ bóng đá như Messi và muốn được tới trường học”.

Murtaza, giờ 7 tuổi, và mẹ cùng những người thân buộc phải chạy trốn khỏi quê nhà vì lo sợ điều nguy hiểm xảy ra.

Gia đình Murtaza nói sự nổi tiếng của cậu bé đã biến em thành mục tiêu của Taliban.

Những tay súng cực đoan địa phương đã gọi điện và đe dọa ‘Mày đã trở nên giàu có, hãy đưa tiền nhận được từ Messi đây hoặc chúng tao sẽ giết con trai mày’”, cô Shafiqa nói với AFP.

Theo cô, gia đình đã không kịp đem theo bất cứ thứ gì, gồm cả chiếc áo in tên cầu thủ Messi mà bé Murtaza từng mặc, khi họ chạy trốn khỏi nhà vào nửa đêm giữa âm thanh súng đạn.

Trước đây, gia đình Murtaza từng phải chạy khỏi Afghanistan để tới ẩn náu ở Pakistan một thời gian ngắn hồi năm 2016 nhưng rồi trở lại quê hương khi hết tiền.

Gia đình của Murtaza thuộc bộ tộc Hazara có nguồn gốc Shia và là mục tiêu của phiến quân Hồi giáo cực đoan Taliban theo dòng Sunni. Khu vực Ghazni vẫn nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước, nhưng đây được coi là nơi quan trọng mang tính chiến lược trong cuộc xung đột giữa chính phủ và phiến quân Taliban.

Murtaza bị phiến quân Taliban đe dọa, tống tiền.

Humayoon, anh trai 17 tuổi của Murtaza, nói các em đã không thể tới trường 2 năm qua và cũng chẳng thể ra ngoài đường chơi bóng như xưa.

Còn cậu bé Murtaza vẫn không quên những ký ức đẹp đẽ 2 năm trước. “Cháu nhớ Messi”, cậu bé Murtaza nói và hy vọng được gặp lại thần tượng vào một ngày nào đó. “Khi gặp lại chú ấy, cháu sẽ nói: ‘Chào chú, chú vẫn khỏe chứ?’ Sau đó, chú ấy sẽ nói cảm ơn, chú vẫn ổn. Và cháu sẽ cùng chú ấy tới sân bóng để xem chú ấy chơi”.

Cuộc chiến dai dẳng

Cuộc chiến ở Afghanistan vẫn chưa kết thúc sau 17 năm Mỹ tiến hành chiến dịch quân sự trên đất nước này sau vụ tấn công khủng bố 11/9/2001.

Cái chết tuần trước của thủ lĩnh cấp cao của Taliban ở miền nam Afghanistan trong một cuộc không kích của Mỹ cho thấy rõ các hoạt động của Washington trong bối cảnh áp lực buộc quân nổi dậy chấp nhận đàm phán nhằm chấm dứt cuộc xung đột.

Để giành lại thế chủ động, Tướng Scott Miller, người từng là chỉ huy lực lượng Mỹ ở Afghanistan hồi tháng 9, đã thúc đẩy các cuộc tấn công của lực lượng Afghanistan dưới sự hỗ trợ từ Lực lượng đặc nhiệm Mỹ cùng các đợt không kích. Một trong số các vụ tấn công như vậy đã tiêu diệt thủ lĩnh cấp cao của phiến quân Taliban Abdul Manan ở tỉnh Helmand.

Khi đặc phái viên Mỹ Zalmay Khalilzad thực hiện chuyến thăm tới Afghanistan và các nước láng giềng trong tuần này, đồng thời nối lại các cuộc gặp đại diện Taliban, các hoạt động quân sự được tăng cường trên khắp Afghanistan. Theo các quan chức Afghanistan và Mỹ, mục đích của những động thái trên nhằm tạo vị thế cao nhất có thể trước khi các cuộc đàm phán về hòa bình với phiến quân Taliban diễn ra.

Bích Kiên

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/the-gioi/cau-chuyen-buon-cua-cau-be-noi-tieng-voi-chiec-ao-so-10-messi-bang-nylon-4216441.html