Câu chuyện cảm động thấm đẫm tình người

Từ một người giữ trẻ, bà Đặng Thị Bình (SN 1955, trú thôn Ngọc Loan, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, Hưng Yên) đã trở thành 'mẹ' cưu mang, nuôi nấng một bé gái bị cha mẹ bỏ rơi từ khi 1 tuổi suốt 16 năm qua.

Duyên phận với đứa trẻ tội nghiệp

Chồng mất sớm từ khi hai con gái của bà vẫn còn nhỏ. Hàng ngày, ngoài thời gian chăm lo mấy sào ruộng, bà Bình phải bươn chải, xoay sở đủ mọi nghề để nuôi con. Quanh năm bám ruộng đồng không đủ ăn, bà và các con dắt díu nhau lên Hà Nội mưu sinh, thuê nhà ở và trông trẻ cho những gia đình xung quanh.

Chính công việc này là cái duyên đưa bà đến với đứa trẻ tội nghiệp mà bà đã nuôi nấng suốt 16 năm qua. Vuốt nhẹ mái tóc cháu gái, bà Bình bảo, những ngày đầu năm 2004 đã in đậm trong tâm trí bà.

Ngày hôm đó, một người phụ nữ bế theo một bé gái khoảng 5 tháng tuổi đến ngỏ lời nhờ bà trông giúp cả ngày lẫn đêm để đi chữa bệnh.

“Người phụ nữ đó là Nguyễn Huyền Trang, người gốc Quảng Ninh, rất đẹp. Thời điểm đó tôi chỉ nhận trông trẻ vào ban ngày. Trẻ con còn nhỏ tuổi việc trông giữ ban đêm sẽ rất vất vả, nhưng cô Trang này trình bày hoàn cảnh tội quá nên tôi đồng ý”, bà Bình nhớ lại.

Hơn 16 năm qua, bà Bình dành tình yêu thương, đùm bọc nuôi bé Thương khôn lớn khi bố mẹ cháu bỏ rơi.

Hơn 16 năm qua, bà Bình dành tình yêu thương, đùm bọc nuôi bé Thương khôn lớn khi bố mẹ cháu bỏ rơi.

Cứ cách vài ngày, người phụ nữ đó lại ghé thăm con một lần, ở chơi được một lúc sau đó lại đi ngay. Gần một năm sau, người phụ nữ ấy đến thăm con thưa dần rồi bỏ lại đứa con nhỏ cho bà Bình.

“Hôm đó là ngày ăn hỏi con gái tôi, tôi chủ động gọi cho chị Trang sang trông con nhưng không liên lạc được. Ban đầu tôi tưởng cô ấy ốm đau, nằm viện nên cố gắng chờ đợi. Nhưng mấy tuần trôi qua vẫn không thể liên lạc. Sốt ruột, tôi đến phòng trọ để tìm thì được chủ nhà cho biết cô ấy đã chuyển chỗ ở”, bà Bình nhớ lại.

Những ngày sau đó, khi rảnh, bà Bình lại đem chút thông tin ít ỏi đi khắp các bến xe, ga tàu để tìm người mẹ cho cháu bé nhưng không được. Nhiều người khuyên bà Bình nên gửi cháu bé vào trại trẻ mồ côi để bớt gánh nặng, nhưng nhìn đứa trẻ mà mình nuôi nấng từ khi còn nhỏ bà lại không đành lòng.

Cho đến bây giờ, mỗi khi nhớ lại mọi chuyện, bà Bình vẫn cho rằng việc bà gặp cháu bé là do duyên số. Bà Bình xúc động nói: “Chăm cháu từ khi còn đỏ hỏn đến khi con cứng cáp, hai bà cháu quyến luyến nhau nên tôi chẳng lỡ xa con. Dù có nghèo nhưng tôi vẫn quyết tâm nuôi dạy con nên người”.

Cuộc sống vốn chẳng giàu sang, sung túc. Ba mẹ con bà phải chạy ăn từng bữa để bám víu nơi phố thị. Bây giờ, có thêm thành viên mới cũng có nghĩa cuộc sống phía trước sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Để trang trải cuộc sống, ngoài nhận trông thêm trẻ quanh xóm, bà Bình còn tranh thủ làm thuê, làm mướn, nhặt rác vào những lúc rảnh rỗi. Coi cháu gái như món quà trời ban, cuộc sống của gia đình bà Bình không ít lần rơi vào cảnh khó khăn.

Đầu năm 2006, cháu Hoàng Huyền Thương ốm đau triền miên, tiền thuốc thang rất tốn kém, bà Bình phải vay mượn khắp nơi để đưa cháu đi viện.

Bà bảo: “Cứ vài ngày cháu lại ốm, lại đi viện. Vì thế người ta cũng không thuê tôi trông trẻ nữa. Tôi phải cõng Thương đi nhặt ve chai, ngày nào nhiều cũng được 30 nghìn đồng. Đây cũng là quãng thời gian khó khăn nhất của hai mẹ con”. Những khó khăn không khiến hai bà cháu gục ngã. Mong ước của bà Bình là cố cho bé Thương được học hành đến nơi đến chốn.

Tờ giấy khai sinh đặc biệt

Với sự giúp đỡ của nhiều người về các thủ tục giấy tờ để con được đến trường, nguyện ước ấy của bà cũng thành hiện thực. Bà đặt cho cháu bé cái tên Hoàng Huyền Thương.

Tờ giấy khai sinh mà bà Bình lao tâm khổ tứ làm cho cháu bé cũng thật đặc biệt. Phần họ tên cha, mẹ và các thông tin liên quan đều để trống. Dòng chữ họ tên người đi khai sinh được viết rõ ràng là Đặng Thị Bình.

“Khi lên làm giấy khai sinh cho cháu, các cán bộ ở đây có bảo tôi có quan hệ như nào với cháu thì viết xuống dưới, nhưng nghĩ mãi vẫn không biết nên viết như nào nên lại để trống mục đó. Một tờ giấy khai sinh với vài thông tin đơn giản nhưng nó là niềm ao ước của bà cháu tôi suốt một thời gian dài”, bà Bình nhớ lại.

Dưới mái nhà thuê xuống cấp, suốt nhiều năm qua người phụ nữ khắc khổ nuôi nấng con của người khác

Lớn lên trong tình yêu thương, bảo bọc của bà Bình, trong tâm trí của Thương lúc nào cũng nghĩ mình là cháu ruột của bà Bình. Về bản thân mình, bà Bình cũng hạn chế tối đã việc nhắc về người thân của Thương. Bà luôn sợ rằng khi biết được sự thật, tâm hồn ngây thơ của cháu gái sẽ bị tổn thương.

Tuy nhiên khi lớn lên, Thương đã biết rõ về “mối quan hệ” của mình với bà Bình. Trái ngược với suy nghĩ của bà Bình, Thương không buồn tủi mà cô bé càng thương yêu người bà của mình hơn.

Biết một tay bà Bình vất vả kiếm tiền nuôi mình ăn học, ngoài việc cố gắng học tập thật tốt, Thương cũng luôn giúp bà những công việc hàng ngày.

“Cháu sống tình cảm và tự lập lắm. Có chuyện gì cũng ôm cổ, thủ thỉ với bà. Tôi có cho tiền ăn sáng nhưng cháu nó không ăn mà dành dụm mua sách vở. Có dạocháu trốn bà ra xưởng gạch để bốc xếp thuê đến rớm máu tay. Hỏi thì cháu bảo kiếm tiền đỡ bà. Nghe đến thế, tôi lại ôm nó rồi hai bà cháu rơi nước mắt”, bà Bình nghẹn ngào.

Thời gian lấy đi của bà Bình sức khỏe nhưng bù lại cho bé Thương ngày nào sự trưởng thành, chín chắn.

Với Thương, dù cuộc sống có thế nào thì em vẫn sẽ ở với bà. Người phụ nữ mái tóc lấm tấm hoa râm đưa ánh mắt yêu thương nhìn cháu gái. Bà bảo, cuộc đời bà bây giờ không còn phải hối hận điều gì nữa. Ước nguyện cuối cùng của bà Bình là sống đến ngày Thương học xong đại học, có việc làm, lập gia đình ổn định cuộc sống là bà mãn nguyện.

Hiếu Quang - Nguyễn Duyên

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/chuyen-cam-dong-ve-nguoi-phu-nu-hon-16-nam-nuoi-con-do-chu-bo-di_94038.html