Câu chuyện chị dâu, em chồng

Chị dâu tôi là người hay lam hay làm, tham công tiếc việc. Để gây dựng cuộc sống gia đình ổn định, anh chị tôi đã phải bươn chải với bao công việc nhọc nhằn, vất vả.

Nhưng cái số long đong lận đận cứ bám đuổi mãi nên anh chị tôi lấy nhau cả chục năm trời mà đời sống vẫn lam lũ. Lăn lộn hết ở miền xuôi, anh chị tôi lại đèo bòng nhau lên một xã miền núi sinh cơ lập nghiệp.

Mua một đồi cam thì chỉ thu hái được vụ đầu, còn từ năm sau trở đi cam chết dần chết mòn đến khi không còn gì nữa, anh chị tôi lâm vào cảnh gần như trắng tay. Đang trong lúc sa cơ lỡ vận, chị dâu tôi được một người “mối lái” đi viết số đề để được hưởng “hoa hồng”. Cực chẳng đã, chị đã lén lút làm và mỗi ngày trung bình cũng có được trên dưới trăm nghìn đồng. Lúc đó, “cơn khát đề” như một luồng bão táp dữ dội tràn qua nơi anh chị tôi sinh sống. Người người chơi đề. Nhà nhà chơi đề. Tôi đã từng gặp có bà trên 60 tuổi, dù không biết chữ, nhưng ngày nào cũng cầm 1.000-2.000 đồng đến “ghi số”. Lại có những đứa trẻ mới học lớp 4, lớp 5 mà ngày nào cũng được ông bố “ủy quyền” cho đi ghi số đề. Nhưng lực lượng chơi đề đông nhất vẫn là những thanh niên chưa vợ và những người đàn ông đang độ tuổi trung niên. Ngôi nhà cấp bốn của anh chị tôi nằm ở trung tâm ba bản, nên đương nhiên trở thành nơi tập trung của những người đi tìm “giấc mộng đổi đời” thông qua con số đề đầy may rủi. Và ngày nào cũng vậy, cứ kết thúc chương trình thời sự trên truyền hình Việt Nam là mọi người lại đổ xô đến nhà anh chị tôi để nghe thông báo kết quả xổ số từ dưới xuôi gửi lên. Bao ánh mắt tiếc nuối, ngẩn ngơ; bao tiếng thở dài thườn thượt; tiếng than phiền não nề và cả tiếng chửi thề... Nhìn những gương mặt người dân tộc thiểu số chất phác, thật thà, lam lũ mà tâm trạng ưu phiền, rầu rĩ sau những lần nghe “kết quả không trúng”, tôi không khỏi chạnh lòng.

Qua hai ngày đêm chứng kiến cảnh chơi đề đó, sau bữa cơm tối, tôi ngồi trò chuyện thân mật với anh chị về tác hại và hậu quả của việc chơi đề. Thực tình anh trai tôi cũng từng khuyên vợ không nên làm cái việc không hay này, nhưng vì món “hoa hồng” khá hấp dẫn nên chị dâu tôi vẫn không từ bỏ. Đúng là cái nghèo khiến con người ta đành chấp nhận làm những việc mà chính bản thân mình cũng không thích thú gì. Tôi biết điều đó vì anh chị tôi vốn là con người chân chất quê mùa và không bao giờ sống giả dối, lừa gạt ai. Bằng sự phân tích những điều hơn lẽ thiệt một cách ân cần, nhẹ nhàng, khéo léo, lại nể tôi được học hành cơ bản và nay đang là cô giáo nên chị dâu tôi dần dần hiểu ra và nói rằng từ nay sẽ bỏ việc ghi số đề.

Sau đó, chị dâu tôi đã chuyển sang nghề làm đậu phụ, lúc rỗi rãi thì cùng chồng làm giường tủ, bàn ghế để bán. Thu nhập của hai vợ chồng đã khá hơn và cuộc sống dần ổn định. Từ khi chị dâu tôi thôi việc ghi đề, tệ nạn đề đóm nơi anh chị sinh sống cũng lắng xuống hẳn. Bởi không có người ghi số, thì làm gì có người chơi đề?

Sau này, trở lại thăm gia đình anh chị, anh trai tôi bảo, người ta thường cho rằng mối quan hệ “chị dâu-em chồng” không mấy khi ưa nhau, nhưng anh thấy vợ mình và cô em gái thân thiết với nhau như ruột thịt. Chị dâu tôi cười: “Đấy là nhờ ơn gia đình ta có cô em gái là nhà giáo hiểu lẽ thiệt hơn, biết nói điều hay lẽ phải nên giúp chị hướng tới cuộc sống lành mạnh, tốt đẹp”.

LAN DƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/cau-chuyen-chi-dau-em-chong-663707