Câu chuyện 'chị tôi' lấy nước mắt khán giả Sài Gòn

Sân khấu Ví Dầu của đạo diễn Thái Kim Tùng vừa có buổi diễn giới thiệu vở mới 'Nhớ, Thương, Lắm' (biên kịch và đạo diễn Lê Hoàng Giang). Vở diễn nói về sự hy sinh trọn đời của một người chị dành cho hai đứa em thơ đã lấy đi rất nhiều nước mắt khán giả.

Vở diễn có cái tên cũng rất mộc mạc: “Nhớ, Thương, Lắm”, và đó cũng là ba cái tên của ba chị em mồ côi ở một cù lao miệt sông nước gồm: Nhớ (Tuyền Mập), Thương (Như Ý) và Lắm (Trung Hiếu). Sau khi ba mẹ mất vì bị lật xuồng trong một chuyến đi chở hàng, Nhớ phải từ bỏ giảng đường đại học, chối từ tình yêu của một chàng sinh viên tốt bụng để ở nhà lo cho hai em thơ dại. Ngoài gánh nặng phải lo trả nợ cho ba mẹ, nuôi các em khôn lớn, Nhớ còn phải đối diện với muôn vàn khó khăn khi phải thay mặt ba mẹ dạy dỗ các em nên người.

Tuyền Mập vào vai chị hai Nhớ với gánh nặng nuôi dạy hai đứa em nhỏ dại

Vừa là chị, vừa sắm luôn vai trò dạy dỗ hay em thay cha mẹ, Nhớ đã nhiều lần “chết lên chết xuống”, nhiều lần “tăng xông máu”… bởi hai đứa em lúc thì hư đốn, lúc thì cãi vã, lúc thì dại dột cờ bạc, nợ nần. Nhưng cũng có những lúc ba chị em chỉ còn biết ôm nhau khóc nấc bởi cái phận “mồ côi tội lắm ai ơi”. Như lời của thằng em út nhiều lần mếu máo hỏi chị hai: “Tụi thằng Cò nó đậu lên đầu tôi…. Mà bộ mình mồ côi mồ cút cũng là cái tội hay sao chị hai?”.

Vì mồ côi, Nhớ, Thương, Lắm bị người đời ăn hiếp thường xuyên

Cũng có những lúc ba chị em bị thiên hạ ăn hiếp mà không một ai có thể bênh vực. Đó là khi mà trong nhà đùng đùng xuất hiện một cô Ba (Thiên Trang) nào đó dẫn theo đám lâu la đến để đòi cả nợ gốc lẫn nợ lãi… Những món nợ mà theo lời cô Ba là do ba mẹ mấy đứa chết đi để lại, những món nợ mà ba chị em không thể kiểm chứng là có thiệt hay không. Nhưng với sự uy hiếp đáng sợ của cô Ba đã khiến ba chị em mồ côi sợ hãi, rúm ró giao nộp cả chiếc bông tai là của hồi môn từ thời bà nội để lại nhằm cấn nợ tạm thời, đổi lấy một vài ngày yên ổn!

Cũng chính trong những tình huống kịch đau lòng cũng có những tiểu tiết gây cười lý thú cho cả dàn diễn viên lẫn người xem

Những tình huống kịch mở đầu câu chuyện đầy bi thương như thế đã được đạo diễn trẻ Lê Hoàng Giang xây dựng một cách có chọn lọc, sắp xếp khéo léo, hợp lý trong một không gian sân khấu khá nhỏ hẹp. Cùng với lối diễn xuất gần gũi, giàu xúc cảm, pha chút hài hước… của dàn diễn viên trẻ trung, máu lửa với nghề như Tuyền Mập, Như Ý, Trung Hiếu, Thiên Trang, Nguyên Thành… đã liên tục khiến người xem chú tâm dõi theo. Khán giả không đông nhưng ai nấy khi thì rớt nước mắt, khi lại phải bật cười thú vị cùng diễn tiến câu chuyện.

Một số trích đoạn trong vở kịch "Nhớ, Thương, Lắm":

Cao trào vở kịch tiếp tục được đẩy lên khi có một chàng kỹ sư cầu đường từ Sài Gòn về quê thực hiện dự án bắc một cây cầu qua cù lao. Bởi chàng kỹ sư ấy đã đem lòng thương mến bé ba Thương (sau khi được bé ba Thương chủ động tấn công, chăm sóc tận tình) mà không hề hay biết đấy lại chính là em ruột của người yêu cũ của mình là hai Nhớ. Vì ngày kiếm cớ chia tay chàng trai này để về quê lo cho các em, hai Nhớ đã nói với chàng kỹ sư tương lai này là mình muốn đi lấy chồng giàu sang, thay vì tiếp tục yêu một chàng sinh viên nghèo khó, không đảm bảo vững chắc cho tương lai.

Chị hai Nhớ (Tuyền Mập) phải hi sinh tình yêu để có điều kiện chăm sóc hai em nhỏ dại

Nỗi đau ấy, trong cuộc tái ngộ mới này đã bị đào xới lại, tình yêu vốn định chôn vùi từ cả hai phía lại được khơi lên, ngùn ngụt cháy. Nhất là từ phía chàng kỹ sư trẻ tuổi, khi biết hai Nhớ đã nói dối mình chỉ vì để chăm sóc cho các em. Và bất chấp sự hi sinh đến kiệt cùng của hai Nhớ - vốn đã bỏ dở chuyện học hành để về làm hậu phương cho hai em thì nay còn chấp nhận chôn vùi vĩnh viễn tình yêu đích thực của đời mình - thì những đổ vỡ, đau thương… dành cho mối tình tay ba cũng đã đến, khi mà ba Thương cuối cùng phát hiện ra mình đã chỉ cưới được thân xác của chồng chứ không hề chiếm được trái tim anh.

“Lúc ngủ với tao mà ảnh gọi tên chị hai Nhớ đó Lắm”, lời ba Thương phân trần với thằng em trai về việc vì sao mình không muốn về quê thăm nhà, thăm chị hai Nhớ lúc ốm đau kể từ sau khi đã lấy chồng khiến người xem rơi nước mắt. Đặc biệt, trong đoạn cao trào nhất của vợ kịch, khi tình yêu của hai Nhớ chính thức bị cô chôn vùi, chối bỏ thì ca khúc Sang Ngang với giọng ca của Cindy Thái Tài đầy da diết vang lên, nhẹ nhàng hòa quyện, góp phần đẩy mạnh mạch cảm xúc người xem.

Nghe ca khúc "Sang ngang" với giọng ca da diết của ca sĩ Cindy Thái Tài:

Và rồi những nỗi đổ vỡ nào sẽ tiếp diễn, tình huống bi kịch đến tận cùng nào sẽ tiếp tục xảy ra khiến gần như tất cả khán giả của cả khán phòng phải sụt sùi lau nước mắt cho đến khi câu chuyện khép lại? Câu trả lời xin được dành cho những khán giả quan tâm, đến thưởng thức vở diễn.

Đạo diễn Thái Kim Tùng lên chúc mừng ekip diễn viên của vở kịch

Sân khấu Ví Dầu sẽ tiếp tục diễn các vở Cải ơi, Yêu không dễ, Chuẩn bị yêu, Chúng tôi không già, Vào nhà bà la sát, Nhớ Thương Lắm vào thứ 6 hàng tuần tại quán cà phê Guitar Tháng Mười, số 108 Thạch Thị Thanh, Q.1, TP.HCM.

Đ.T.Hiền - Mễ Thuận

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/giai-tri/cau-chuyen-chi-toi-lay-nuoc-mat-khan-gia-sai-gon-post42775.html