Câu chuyện cổ tức mùa đại hội cổ đông: Người vui, kẻ ngóng

Bước vào mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ), vấn đề cổ tức tiếp tục trở thành tâm điểm chú ý của cổ đông và nhà đầu tư, nhất là trong năm nay khi kết quả hoạt động của một số ngành có sự khởi sắc đáng kể.

Các cổ đông ngành ngân hàng đang ngóng chờ thông tin về cổ tức. Ảnh: B.CHƯƠNG

Nhiều doanh nghiệp chi cổ tức khủng

Một doanh nghiệp chịu chi cổ tức khủng cho cổ đông chính là CTCP Tư vấn Xây dựng Điện 2 (TV2), với tỷ lệ lên tới 110%. Ngày 20.3 tới đây, TV2 sẽ chốt danh sách cổ đông thanh toán cổ tức năm 2017, với 10% bằng tiền mặt và 100% bằng cổ phiếu. Công ty đã trải qua một năm kinh doanh với doanh thu tăng gần 12% và lợi nhuận ròng sau thuế tăng hơn gấp đôi.

Hay như, CTCP Vicostone (VCS), doanh nghiệp chuyên kinh doanh đá ốp xây dựng cũng đang có kế hoạch trình cổ đông phê duyệt tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2017 lên tới 140%, bao gồm 100% bằng cổ phiếu và 40% bằng tiền mặt. 40% cổ tức bằng tiền đã được Vicostone tạm ứng làm 2 đợt cho cổ đông, mỗi đợt 20%. Nguồn vốn phát hành được công ty lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối những năm trước.

Khủng nhất phải nói đến là Vinacafe Biên Hòa (VCF). Cuối năm 2017, công ty này gây “sốc” khi thông báo tạm ứng cổ tức 2017 với tỷ lệ lên tới 660% bằng tiền mặt cho các cổ đông. Theo lý giải, VCF gây “sốc” là do suốt từ năm 2013, công ty này đã không chia bất kỳ cổ tức nào. Tại ĐHĐCĐ vào tháng 4.2017, ban lãnh đạo công ty cũng đã cho biết nhiều khả năng sẽ không chia cổ tức thêm một năm nữa. Với tỷ lệ chia cổ tức này, mỗi cổ phiếu nắm giữ, cổ đông của Vinacafe Biên Hòa sẽ nhận được 66.000 đồng. Đây là con số kỷ lục và chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hoạt động của công ty này, thậm chí là cả thị trường. Dự kiến, Vinacafe Biên Hòa phải chuẩn bị tới 1.750 tỷ đồng tiền mặt để tạm ứng cổ tức đợt này cho cổ đông.

Trên thị trường, nhiều công ty khác hiện cũng có kế hoạch chi cổ tức tỷ lệ khủng cho cổ đông. Như CTCP May xuất khẩu Phan Thiết (PTG) công bố trình cổ đông phương án phân phối lợi nhuận năm 2017 với tỷ lệ 120%, CTCP Gemadept (GMD) cũng báo kế hoạch chi trả cổ tức với tỷ lệ 80% cho cổ đông, trong đó trả cổ tức năm 2016 tỷ lệ 15% và trả cổ tức đặc biệt tỷ lệ 65%. Theo dự kiến, số tiền Gemadept sẽ chi đợt này lên tới 2.300 tỷ đồng để trả cổ tức. CTCP Vimeco (VMC) cũng chốt danh sách cổ đông thực hiện chi trả cổ tức đợt 1/2017 bằng tiền với tỷ lệ 100%. Công ty Bao bì Biên Hòa chi cổ tức bằng cả tiền mặt và cổ phiếu với tổng tỷ lệ 75%...

Lời nhiều vẫn “keo”

Không được như niềm vui của các công ty trên, hiện tại có thể thấy các cổ đông ngân hàng đang là những cổ đông “tủi thân” nhất. Trong năm 2107 kết quả hoạt động của ngành ngân hàng (NH) có sự khởi sắc với những con số báo lãi khủng. Tuy vậy, những thông tin đầu tiên trong mùa ĐHCĐ năm nay cho thấy tình trạng trả cổ tức mỗi ngân hàng mỗi kiểu.

Lãnh đạo HDBank cho biết, dự kiến năm nay sẽ chia cổ tức với tỷ lệ từ 25-30% bằng tiền mặt và cổ phiếu thưởng cho các cổ đông. So với mức cổ tức của NH trong những năm gần đây, tỷ lệ chia cổ tức mà HDBank thực hiện khiến cổ đông rất phấn khởi. Một NH nữa cũng có thông tin chia cổ tức hấp dẫn là LienVietPostBank với tỷ lệ trả cổ tức dự kiến là 15% thay vì 12% như đã thông qua, nhờ lợi nhuận trước thuế vượt kế hoạch đề ra. Trong ĐHCĐ năm 2017, Vietcombank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm 9.200 tỷ đồng và tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến là 8%. Đến hết năm, lợi nhuận của NH đã tăng vượt trội với 11.018 tỷ đồng cũng tạo ra kỳ vọng được thưởng thêm cổ tức cho cổ đông. Năm ngoái, VPBank chia cổ tức với tỷ lệ 31,84% và là một trong những NH sớm hoàn tất kế hoạch chi trả cổ tức cho cổ đông, nên đây cũng là một NH đang được thị trường theo dõi về tình hình cổ tức năm nay. Với Eximbank, sau thông tin lợi nhuận cải thiện mạnh đạt 1.118 tỷ đồng, gấp hơn 2,5 lần năm 2016 và đạt trên 169% kế hoạch năm, nhưng lại xảy ra vụ việc khách hàng mất 245 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm vừa mới xảy ra, giới đầu tư dự báo khả năng chia cổ tức rất thấp.

Tuy vậy, cũng không ít trường hợp lãi nhưng vẫn không chia cổ tức. Đơn cử như Techcombank vừa mở màn mùa ĐHCĐ của NH năm 2018 vào ngày 3.3 vừa qua với con số công bố lợi nhuận năm 2017 đạt 8.036 tỷ đồng. Tính chung cả năm 2017, lợi nhuận trước thuế cao hơn gấp đôi so với năm 2016 và vượt kế hoạch 60%, NH mạnh dạn đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất 10.000 tỷ đồng (tăng trưởng 24%) trong năm 2018. Tuy nhiên, dù kết quả khả quan như vậy, nhưng năm nay HĐQT Techcombank tiếp tục trình cổ đông phương án không chia cổ tức. Theo đó, lợi nhuận sau thuế sau khi trích lập các quỹ cộng với lợi nhuận chưa sử dụng các năm trước tổng cộng hơn 9.345 tỷ đồng đã được giữ lại để tăng vốn tự có, vốn cổ phần của NH theo quy định pháp luật. Tính đến nay, các cổ đông đã trải qua 8 năm chưa nhận được một đồng cổ tức nào từ Techcombank, niềm an ủi duy nhất mà họ có được đó là giá của cổ phiếu ngân hàng này trên thị trường OTC khá cao.

Một ngân hàng nhiều năm chưa trả cổ tức cho cổ đông là Maritime Bank. Dù Maritime Bank chưa công bố kế hoạch ĐHĐCĐ năm 2018, nhưng với lợi nhuận chỉ đạt 164 tỷ đồng năm 2017 (gần đạt chỉ tiêu đề ra), khả năng ngân hàng này cũng sẽ tiếp tục không chi trả cổ tức. Tương tự, tình cảnh không có cổ tức nhiều năm nay của cổ đông Eximbank, NCB,… có lẽ cũng sẽ bị kéo dài khi quá trình tái cơ cấu vẫn còn ngổn ngang. Bên cạnh việc không nhận được cổ tức, thì cảnh bị “xù” cổ tức tiền mặt, thay vào đó là nhận cổ tức bằng cổ phiếu cũng trở nên quen thuộc.

Tại các ngân hàng thương mại nhỏ, NH đang tái cơ cấu nên hiện chưa có thông tin về cổ tức, nhưng các chuyên gia dự báo việc chia cổ tức vẫn là điều xa xỉ với cổ đông, xu hướng chung sẽ không chia cổ tức hoặc chia bằng cổ phiếu để tăng vốn. Lý do là hiện nay, đa phần các ngân hàng trên thị trường đều đứng trước áp lực tăng vốn chủ sở hữu để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II và cách dễ nhất là phát hành cổ phiếu thưởng để tăng vốn.

Gia Miêu

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/so-tay-kinh-te/cau-chuyen-co-tuc-mua-dai-hoi-co-dong-nguoi-vui-ke-ngong-595818.ldo