Câu chuyện độc đáo và chi tiết đắt giá sẽ làm nên 'linh hồn' báo chí

'Tôi viết thành công những bài phóng sự, luôn phải dùng đến 'vũ khí' của nhà báo: Vì sao? Tại sao? Để đặt ra câu hỏi, và liên tục hỏi, hỏi đến khi nào họ không còn gì để nói, đuổi mình ra. Chưa xong chuyện, ngày mai quay lại khai thác tiếp, hỏi đến khi nào nhão như cháo mới thôi'.

Đó là chia sẻ của Nhà báo Hải Luận – báo Biên Phòng về những tác phẩm mà anh dành tâm huyết và lăn lộn nhiều năm qua.

Thích hai mảng đề tài lớn: ngư dân và nông dân

Nhà báo Hải Luận đã bắt đầu câu chuyện về nghề với tôi như thế trong lần anh ra Hà Nội gần đây. Thú thật gặp anh lần đầu tiên nhưng tôi đã vô cùng ấn tượng và có cảm tình với anh bởi người đàn ông miền Trung ấy chân chất, thật thà, gần gũi, dễ mến, đặc biệt tình yêu với những con chữ luôn ngập tràn trong anh. Xuất thân từ một y tá ở đồn biên phòng thuộc tỉnh Khánh Hòa, ở đó anh đã viết cộng tác rất nhiều tờ báo. Đại tá, nhà báo Nguyễn Hòa Văn - nguyên Tổng Biên tập báo Biên phòng đã đề nghị Tư lệnh Bộ đội Biên phòng rút anh từ đồn biên phòng về làm nhà báo chuyên nghiệp. Đến nay, anh đã gặt hái được 20 giải thưởng báo chí từ Trung ương đến địa phương. Đây là một nỗ lực không ngừng nghỉ của nhà báo Hải Luận.

Nhà báo Hải Luận phỏng vấn đại biểu dự APEC 2017 tại TP. Nha Trang, Khánh Hòa.

Nhà báo Hải Luận đã xuất bản 2 cuốn sách phóng sự: “Nhịp đập của cuộc sống”“Thoát khỏi nghèo hèn”. Nhà báo Hải Luận kể câu chuyện thú vị: “Sách đã in xong, chờ thanh toán tiền. Bà Giám đốc xưởng in, hỏi:

- Sách anh in để làm gì?

- Sách tôi in ra để bán, chút xíu nữa tôi sẽ phát hành hết.

- Anh thông cảm, mấy chục năm làm nghề in, em thấy nhiều người in sách đều có tài trợ, sách họ chủ yếu tặng. Hai đêm nay, em thức trắng đêm để đọc bản thảo cuốn sách anh. Thấy cái tít “Thoát khỏi nghèo hèn” tò mò, vào trang trong đọc bị cuốn hút ngay trang đầu đến trang cuối. Thấy nhân vật trong sách toàn dân nghèo, họ không có tiền tài trợ. Nhưng sách của anh rất có tình người”.

Nhà báo Hải Luận thích hai mảng đề tài lớn: ngư dân và nông dân. Có lẽ bởi anh là người sinh ra và lớn lên trên dải đất miền Trung với những bãi biển đầy nắng và gió, hơn ai hết anh hiểu về cuộc sống của những người nông dân, ngư dân đầy cơ cực lo toan cuộc sống mưu sinh. “Gặp những người nông dân hoặc ngư dân không chịu khuất phục đói nghèo, có tư tưởng làm chủ. Họ làm ăn rất bài bản, mình đến “chung sống” với họ, sẽ có những câu chuyện, chi tiết rất thật, rất văn học” – nhà báo Hải Luận, trải lòng một cách thật giản dị về chuyện nghề.

Giải thưởng của bạn đọc

Đối với Hải Luận, câu chuyện độc đáo và chi tiết đắt giá sẽ làm nên “linh hồn” báo chí. Dẫn chứng cho điều này, nhà báo Hải Luận kể: “Nguyên Tổng thống Mỹ Bill Clinton sang thăm Việt Nam, có buổi trò chuyện về chủ đề “Chống HIV/AIDS nâng cao khả năng của thanh niên Việt Nam” tại Hà Nội. Cùng dự với ông là bà Nguyễn Thị Huệ, một bệnh nhân phát biểu trước. Sau đó ông Bill Clinton nói: “Tôi tin rằng những gì tôi nói sau đây mọi người sẽ quên, còn những gì bà Huệ vừa nói với mọi người sẽ nhớ mãi trong tim”. Tại sao ông Tổng thống Mỹ nói ra bị mọi người quên? Đó là những câu nói mang tính “ngoại giao”, không có chi tiết được lấy từ trong tim. Còn bà Huệ, một người bị sida, đã nói ra câu chuyện “ruột gan” và cả sinh mạng của mình, nên nó có sức hút và lay động lòng người. Trong làm báo cũng giống như câu chuyện này”.

Nhà báo Hải Luận vẫn luôn quan niệm rằng viết báo thì phải dễ hiểu nhất có thể. Anh bảo viết một bài báo hay thì không khó nhưng để bán được tờ báo trên sạp mới khó. Anh kể ngày xưa mình có viết bài báo “Ông xe ôm dạy tôi làm báo”. Ông xe ôm nói với anh thích đọc những tờ báo, nêu thẳng vấn đề ngay, chứ không lòng vòng, quanh co khó hiểu. Vì thế anh đã tự điều chỉnh, cách viết của mình sao cho cầm tờ báo lên là cuốn hút ngay từ cái tít, cái sapo, ảnh, bố cục…

Nhà báo Hải Luận và chuyến tác nghiệp cùng ngư dân.

Dù anh được nhiều giải thưởng báo chí, nhưng anh vẫn thích nhất “giải thưởng của bạn đọc”, là bạn đọc nhớ mãi tít bài, chi tiết trong bài. Chẳng hạn bài: “Con vịt gánh nguồn thu ngân sách”, “Những giọt máu chảy dọc đường biên”, “Mạng treo đầu ngọn sóng”, “Cháy rừng dưới đáy biển”, “Cung phụng” chủ tàu cá”, “Tìm trầm giữa biển Động”,“Xẻ thịt” dưới đáy biển”… Có thể nói bằng những nhìn nhận và tài quan sát tinh tế, anh đã rút ra những cái tít rất độc và lạ.

Có điều anh chia sẻ mà tôi rất tâm đắc, đó là anh không hề dùng tiếng phổ thông trong bài viết giữa các đoạn đối thoại giữa nhà báo với nhân vật. Bởi anh cho rằng cái “Mô, tê, răng, rứa” mới phản ánh ngôn ngữ, đời sống sinh động rất thật của người miền Trung, chứ không thể dùng những từ phổ thông. Vì nếu phổ thông thì mất đi bản sắc phóng sự của anh.

Có thể nói trong khoảng thời gian ít ỏi được trò chuyện cùng anh, tôi mới vỡ lẽ ra những điều mà trước đây chưa hề hay biết. Đang ở độ “chín” của tuổi đời, tuổi nghề, nhà báo Hải Luận đang dần khẳng định là một cây bút phóng sự tràn đầy năng lượng. Tin rằng, anh sẽ còn gặt hái được thêm nhiều giải thưởng báo chí hơn nữa.

An Vinh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cau-chuyen-doc-dao-va-chi-tiet-dat-gia-se-lam-nen-linh-hon-bao-chi-post62370.html