Câu chuyện giáo dục: Cải thiện giáo dục dạy nghề

Ngày 20/9 vừa qua, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo giáo dục 2019 với chủ đề 'Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế'.

Tại Hội thảo, bà Wendy Cunningham, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho hay: Xu thế hiện nay nhiều nhà đầu tư lớn đang đầu tư, dịch chuyển nhà máy sản xuất tới Việt Nam, do đó lao động Việt Nam càng cần phải được đào tạo nghề. Tuy nhiên, hiện nhiều lao động chưa sẵn sàng tham gia vào chuỗi cung ứng lao động toàn cầu. Lao động Việt Nam hiện nay chưa có khả năng cạnh tranh cao, 8% lao động có trình độ nghề từ CĐ trở lên, 67% lực lượng lao động có trình độ THCS trở xuống, năng suất lao động thấp, tốc độ tăng trưởng chậm hơn các nước khác. Một trong những vấn đề mà nhà đầu tư quyết định khi chọn quốc gia để đầu tư chính là năng suất của người lao động. Đó là thách thức lớn đối với nguồn nhân lực của Việt Nam.

Lý giải nguyên nhân này, theo bà Wendy Cunningham, hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của Việt Nam chưa đạt chuẩn, còn thua kém các quốc gia khác và rất cần phải cải thiện.

Những bất cập lớn nhất hiện nay của hệ thống đào tạo nghề đã được các đại biểu chỉ ra tại Hội thảo bao gồm: GDNN đang bị tách rời ra khỏi hệ thống giáo dục cả nước, thể hiện rõ nhất là ở khâu tuyển sinh đầu vào GDNN tuyển sinh rất khó, phải loay hoay, chạy vạy đây đó để tìm cách lôi kéo sinh viên nghề. Bên cạnh đó, một bộ phận xã hội vẫn chưa nhận thức đúng về vai trò quan trọng của GDNN trong đào tạo nguồn nhân lực; tâm lý coi trọng bằng cấp vẫn còn; việc định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT không đạt mục tiêu đề ra; cơ cấu trình độ đào tạo trong GDNN vẫn còn chưa hợp lý, chủ yếu vẫn là đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên, ngắn hạn (chiếm 75%), trình độ trung cấp, CĐ chỉ chiếm khoảng 25% trên tổng số tuyển sinh.

Theo ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - qua giám sát cho thấy có 3 vấn đề mấu chốt trong GDNN: Hệ thống cơ chế, chính sách; chất lượng và điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo; mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ sở GDNN. 3 vấn đề này giải quyết tốt mới tác động mạnh mẽ đến vấn đề thứ tư là tâm lý xã hội, thể hiện trong xu thế lựa chọn GDNN. Giáo dục mầm non, GDPT, GDNN, giáo dục ĐH là 4 khối trong hệ thống giáo dục quốc dân cần được đánh giá và coi trọng ngang nhau mới có thể tạo thành một chỉnh thể giáo dục đào tạo. Do đó đã đến lúc GDNN cũng phải được đầu tư chuẩn mực như giáo dục ĐH. Ông Bình nhấn mạnh: Kết quả Hội thảo sẽ góp phần cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho Quốc hội trong việc thực hiện chức năng giám sát và quyết định chính sách phát triển GDNN tới đây.

Minh Quang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/cau-chuyen-giao-duc-cai-thien-giao-duc-day-nghe-tintuc447903