Câu chuyện hôm nay: Bảo vệ động vật hoang dã - Thực tiễn từ xây dựng chính sách dựa vào cộng đồng tại Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế là địa phương có mật độ che phủ rừng khá lớn, trên 54% với trên 300.000 ha rừng, trong đó có hơn 200.000 ha là rừng tự nhiên, diện tích còn lại là rừng trồng. Đây cũng là địa phương nằm trong vùng Trung Trường Sơn với phong phú về đa dạng sinh học với trên 3.000 loài thực vật, 28 loài thú đặc hữu… Nhiều loài thú quý hiếm như: Sao La, mang lớn, khỉ mặt đỏ, trĩ sao, gà lôi lam mào trắng… đã được ghi nhận tại địa phương này trong một số lần hiếm hoi xuất hiện.

Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có gần 57.000 người đồng bào các dân tộc thiểu số, chiếm gần 5% dân số toàn tỉnh, đông nhất là các dân tộc: Cơ Tu, Pa Cô, Tà Ôi…Rừng được xem là nơi thiêng liêng đối với đồng bào và là nguồn sinh kế khi tập quán sản xuất dựa vào rừng. Đặc biệt, trước các loài động vật hoang dã vừa là người bạn của đồng bào, vừa là nguồn cung cấp thực phẩm cho bà con trong thời gian dài.

Những năm qua, dù chính quyền và cộng đồng đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, chuyển đổi sinh kế bền vững cho cộng đồng sống gần rừng, tuy nhiên thực trạng săn bắt, vận chuyển và tiêu thụ động vật hoang dã trái phép tại địa phương vẫn có nhiều diễn biến phức tạp. Trải qua thực tiễn triển khai các giải pháp bảo vệ động vật hoang dã tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, bài học được rút ra chính là cần dựa vào sức mạnh nội lực của cộng đồng địa phương, phát huy trách nhiệm của chính quyền để quyết tâm bảo vệ, ngăn chặn nạn săn bắt, tiêu thụ động vật rừng hoang dã (ĐVHD) nhằm mục tiêu khôi phục được các quần thể ĐVHD tại các khu rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Tiểu Bảo - Đào Bảo

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/cau-chuyen-hom-nay-bao-ve-dong-vat-hoang-da-thuc-tien-tu-xay-dung-chinh-sach-dua-vao-cong-dong-tai-thua-thien-hue-202996.htm