Câu chuyện kịch tính của người mẹ trên hành trình cùng con trở thành 'quái vật' trường chuyên Tự nhiên

Từng lo sợ con không hòa nhập được với các bạn vì sinh ra ở tỉnh miền núi nhưng trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội vừa qua, con trai đã lập kỳ tích.

Sau khi các trường công bố danh sách trúng tuyển vào lớp 10, một trong những cái tên sáng nhất được mọi người nhắc đến là em Hoàng Ngọc Bảo Khuê (Lớp 9A0, trường Liên cấp Ngôi sao Hà Nội). Bảo Khuê lập cú đúp trở thành Thủ khoa Tin trường THPT chuyên Sư phạm và Á khoa Tin trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên.

Thế nhưng, có lẽ người hạnh phúc nhất trong câu chuyện lại là chị Hoàng Thị Thanh Nga, mẹ của Bảo Khuê. Từ việc xin trường cho con, ngày đêm lo lắng con không hòa nhập được các bạn vì là người dân tộc thiểu số đến khi con thông báo đỗ thủ khoa... chị luôn ở phía sau đồng hành cùng những thành công của con trai. Những cảm xúc ấy vẫn còn nguyên trong chị:

“Cô ơi! Con có hòa nhập được với các bạn không?"

"Khi quyết định chọn trường Ngôi sao Hà Nội cho con theo học, một điều vô cùng khó khăn mà tôi không khỏi lo lắng khi con sinh ra ở tỉnh miền núi, mang trong mình dòng máu của người dân tộc thiểu số - dân tộc Nùng - chưa một lần tiếp xúc với môi trường lạ.

Mỗi ngày đã qua của con chỉ có mẹ, cậu em trai láu lỉnh (bố thường xuyên công tác xa nhà) cùng 26 bạn học trong ngôi trường chỉ có 118 học sinh. Liệu con có thể hòa nhập được với các bạn ở Hà Nội không? Học trong ngôi trường lớn với hàng nghìn học sinh và thành tích học tập của các bạn thì vô cùng “khủng” con có theo được không?... Bất giác tâm trạng lo lắng như dày thêm.

Chị Hoàng Thị Thanh Nga cùng Bảo Khuê (bên phải) và em trai.

Chị Hoàng Thị Thanh Nga cùng Bảo Khuê (bên phải) và em trai.

Một học kì trôi qua cô giáo chủ nhiệm thông báo con được chuyển qua lớp 6A0. Ấy thế là A0 gắn với con từ đó. Tôi thì có 1001 câu hỏi dành cho cô giáo chủ nhiệm trong buổi họp phụ huynh cuối kỳ I: “Cô ơi! Con có hòa nhập được với các bạn không? Có bị bạn chê người miền núi không muốn chơi cùng không? Con học thế nào có tiếp nhận kiến thức được không?...

Cô không trả lời hết từng câu hỏi của tôi mà vỏn vẹn “Con ngoan lắm, học tốt môn Toán, sắp tới theo chân cô Kim Hiên đi rinh huy chương vàng về cho Ngôi Sao. Yên tâm nhé!”.

Cảm xúc nhận được lời khen của cô như vỡ òa toàn bộ lo lắng chất chứa. Ấy thế mà đúng như cô giáo chủ nhiệm nói, cuối năm lớp 6 con đã chinh phục được 2 chiếc huy chương vàng môn Toán.

Một năm học trôi qua, tôi mới nhận ra rằng có lẽ cái “tình yêu sét đánh” mà tôi trúng hôm xưa đó chính là tình yêu đích thực. Con tôi - Bảo Khuê – được chọn là một trong số học sinh có tên trong danh sách thi của đội tuyển APMOPS – Cuộc thi vô cùng danh giá đối với các học sinh lứa tuổi dưới 13. Ở kì thi đó con đã chinh phục vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng.

Sau 1 năm học, Bảo Khuê đã chinh phục vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng cuộc thi APMOPS.

Thời gian thấm thoát thoi đưa phượng khoe sắc rồi cũng từ từ thôi nở. Con bước vào cuối cấp, những nỗi lo lắng về kì thi luôn hiện hữu cả trong giấc mơ của tôi. Tết Nguyên đán chưa kịp đi qua thì cũng là những ngày tháng cả nước cùng chống chọi với dịch bệnh Covid-19. Con được thông báo nghỉ học. Tôi đã lo, lo thực sự. Vì ở thời điểm đó không ai dám khẳng định năm học 2019 – 2020 sẽ đi về đâu. Nhưng tất cả đã vỡ òa khi nhà trường quyết định cho các con học trên phần mềm Zoom. Niềm hy vọng bắt đầu được sắp xếp lại trong mớ lộn xộn của dịch bệnh.

Thế rồi cả đất nước cũng được cùng nhau hát bài “đất nước trọn niềm vui” khi tất cả học sinh được trở lại trường. Cái nắng hè gắt gỏng nhào đến mỗi khi nhìn thấy ai ra đường. Các con phải đồng hành cùng ông mặt trời mỗi ngày, thầy cô cũng không ngoại lệ. Lại một lần nữa sự lo lắng ào vào tâm can khi ngày thi của con chỉ còn tính bằng giờ.

Bảo Khuê và cả gia đình.

"Quái vật" trường chuyên Tự nhiên

Thế rồi tháng 6 cũng qua đi, tháng 7 vừa ào đến bên cửa sổ cũng là lúc sự hối hả với hồ sơ trường chuyên cũng làm cái nắng dịu hơn. Con - cậu bé nhỏ nhắn còn được gọi là bé hạt tiêu cũng không ngoại lệ. Con đã đứng đó giữa rừng bạn có thành tích học tập quá khủng mà bỗng nhỏ bé như hạt tiêu xanh chưa đủ nắng.

Hôm đó 13/7 trở về nhà sau ngày thi (chuyên Tự nhiên) mặt con buồn hơn mọi ngày và có vẻ hối tiếc. Ngày tiếp theo thi chuyên Sư Phạm con nói toán không khó nhưng văn thì khó lắm mẹ. Người mẹ khó tính đã nghĩ rằng con không làm được bài vì mải chơi game và bỗng hối hận tại sao không cho con đăng kí thi nhiều trường hơn. Tại sao không cho con thi dự phòng 1 trường nào đó không quá khó? Con cũng không khỏi bồn chồn ôm mẹ "con có 2 lựa chọn mẹ ơi! Một là "quái vật" của chuyên Tự nhiên, 2 là con làm nhân viên công ty 2 sọt đã lỗi thời".

7 ngày trôi qua nặng tựa ngọn núi trên lưng chú khỉ Tôn Ngộ Không năm nào. Con đi ra rồi lại đi vào, ngồi ôm máy tính để chờ điều ước trở thành sự thật. Cảm giác ước mơ trở thành "quái vật" trường Khoa học Tự nhiên bỗng như xa tầm với.

Khi những tia nắng cuối ngày 19 ở Hà Nội bắt đầu tắt thì cũng là lúc cả nhà chuẩn bị bữa cơm chiều, mẹ nhìn thấy con cứ ôm máy tính gọi thế nào cũng không ra giúp mẹ và mợ. Mẹ chạy vào định mắng con thì nhìn thấy con đang nói chuyện với các bạn vì 1 số bạn đã có điểm thi.

Lá thư tuyệt vời nhất trong năm 2020 của Bảo Khuê.

Mẹ giục giã: Tin - tên con từ khi chưa lọt lòng mẹ - ra giúp mẹ và mợ nấu cơm đi con. Trên màn hình của con các tab cứ dày đặc đếm nhẹ cũng 15 cái. Con bảo: Có 3 bạn đỗ Tự nhiên rồi mẹ. Cái suy nghĩ của mẹ như vỡ òa hỏi dồn dập "Con thì sao? Có đỗ không? Tra ngay số báo danh đi!".

Con đang tra đây mà không biết tra thế nào?... 10 phút trôi qua, 15 phút cũng đi qua. Con đã tìm thấy... Một cảm giác như xung điện lôi chân mẹ chạy ra ngoài: Bà ngoại ơi! Cậu ơi! Mợ ơi! Tin đỗ chuyên Tin rồi!

Ước mơ trở thành "quái vật" chuyên Tự nhiên của con đã trở thành hiện thực, bạn bè chúc mừng, cô giáo vui nở nụ cười. Và người cười nhiều nhất có lẽ không ai khác ngoài mẹ...

Tào Nga

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cau-chuyen-kich-tinh-cua-nguoi-me-tren-hanh-trinh-cung-con-tro-thanh-quai-vat-truong-chuyen-tu-nhien-222020297202926478.htm