Câu chuyện kỳ lạ về một cựu sĩ quan Đức quốc xã trở thành sát thủ của tình báo Israel

Otto Skorzeny là một trong những sát thủ giá trị nhất của Mossad, lực lượng tình báo Israel danh tiếng lẫy lừng thế giới. Ít ai ngờ ông này cũng từng là một cựu thiếu tá trong lực lượng Waffen-SS của quân đội phát xít Đức, là người giành được sự yêu mến từ Quốc trưởng Adolf Hitler.

Otto Skorzeny đã được trao huân chương Hiệp sĩ thập tự sắt vì có nhiều chiến tích dưới thời phát xít Đức.

Một vụ mất tích bí ẩn

Trong ngày 11.9.1962, một nhà khoa học Đức bất ngờ mất tích bí ẩn. Thông tin về vụ này khá ít ỏi: Heinz Krug rời nhà để tới cơ quan ở Munich và ông ta đã không bao giờ trở về nữa. Chỉ có một chi tiết khiến cảnh sát địa phương chú ý trong vụ này, đó là Krug thường xuyên lui tới Cairo, Ai Cập. Ông ta là một trong số hàng chục chuyên gia tên lửa của chính quyền phát xít Đức đã được Ai Cập thuê để giúp phát triển hệ thống tên lửa hiện đại.

Khi ấy HaBoker, tờ báo Israel nay đã ngừng hoạt động, đưa ra tuyên bố đáng kinh ngạc về sự kiện. Theo đó, người Ai Cập đã tới Đức bắt cóc Krug, để ngăn không cho ông ta làm ăn với Israel. Nhưng thực tế thì tờ báo này chỉ sử dụng một thông tin mà tình báo Israel vờ để lọt để đánh lạc hướng các nhà điều tra Đức, không cho họ đào quá sâu vào vụ việc.

Phải tới tận bây giờ, dựa trên nhiều cuộc phỏng vấn riêng với các cựu thành viên lực lượng tình báo Mossad và cả những người từng được tiếp xúc với kho tài liệu của Mossad về hàng loạt hoạt động diễn ra trong nửa thế kỷ qua, người ta mới biết rằng Krug đã bị giết. Cần biết rằng thời kỳ Thế chiến 2 đang diễn ra, Krug là thành viên một đội ngũ gồm nhiều nhà khoa học tài giỏi ở Peenemunde - một địa điểm thử nghiệm quân sự nằm bên bờ biển Baltic - nơi các bộ não hàng đầu của Đức dồn sức phục vụ cho Hitler và chính quyền phát xít. Đội này, nằm dưới sự lãnh đạo của Wernher von Braun, đã chế tạo ra các quả tên lửa giúp Đức bắn phá hủy diệt nước Anh. Tham vọng của đội là chế ra các loại tên lửa với tầm bay xa hơn, chính xác hơn và có sức công phá mạnh hơn nữa.

Theo nghiên cứu của Mossad, một thập niên sau khi Thế chiến 2 kết thúc, Von Braun đã mời Krug và các nhà khoa học khác tới Mỹ cùng ông ta. Khi ấy Von Braun đang lãnh đạo một chương trình phát triển tên lửa cho Mỹ. Ông ta thậm chí còn trở thành một trong những người khai sinh ra chương trình chinh phục không gian của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ.

Nhưng Krug lại có sự lựa chọn của riêng mình. Krug gia nhập các nhà khoa học khác nằm dưới sự lãnh đạo của giáo sư Wolfgang Pilz - người ông ta rất ngưỡng mộ, để hợp tác với Ai Cập. Nhóm này sẽ tạo dựng một chương trình tên lửa chiến lược cho Ai Cập.

Trong quan điểm của Israel, Krug biết rõ quốc gia Do Thái này sẽ là mục tiêu tấn công nếu Ai Cập có vũ khí mới. Do từng là thành viên chính quyền phát xít Đức cũ, hẳn ông ta đã coi đây là cơ hội để tiếp tục hủy diệt người Do Thái.

Để khiến Krug và các nhà khoa học Đức đang hợp tác với Ai Cập phải chùn bước, Mossad tiến hành nhiều hoạt động hăm dọa. Khi ở Đức, họ bị người lạ gọi điện tới nhà giữa đêm, yêu cầu phải chấm dứt nghiên cứu tên lửa. Khi tới Ai Cập, họ phải nhận những bưu kiện chứa bom. Vài người đã bị thương vì những quả bom thư này.

Sự đe dọa khiến Krug rất lo lắng. Ông ta và cộng sự đều biết lời đe dọa tới từ Israel. Đó là một sự thật hiển nhiên. Năm 1960, các đặc vụ Israel bắt cóc thành công Adolf Eichmann, một trong những kẻ chỉ đạo điều hành hoạt động diệt chủng Do Thái, tại Argentina. Người Israel khiến cả thế giới bất ngờ khi đưa được Eichmann về Jerusalem, nơi gã bị đưa ra tòa và treo cổ vào ngày 31.5.1962.

Dựa vào những gì đã diễn ra, Krug hiểu rằng, thòng lọng của Mossad đang thít dần quanh cổ ông ta. Đó là lý do để ông ta tìm kiếm sự giúp đỡ, từ Otto Skorzeny, một nhân vật từng là người hùng của chính quyền phát xít Đức. Krug đâu ngờ “vị cứu tinh” lại chính là người tiễn ông ta về thế giới bên kia.

Theo các thông tin mà tờ Haaretz mới thu thập được, trong ngày mất tích, Krug đã đi gặp Skorzeny. Khi gặp nhau, hai người đã lên chiếc Mercedes màu trắng của Krug và chạy về phía Bắc của Munich. Skorzeny kể trong một hồ sơ mật của Mossad rằng, đó là bước đầu tiên mà ông dàn xếp trong kế hoạch ám sát. Xuất hiện trong cuộc gặp gỡ này có 3 người khác mà Skorzeny nói với Krug là các vệ sĩ, sẽ giúp đưa họ tới một nơi an toàn trong rừng để nói chuyện.

Sau đó Krug bị Skorzeny bắn chết ngay trên chiếc xe của ông ta. Ngay lập tức 3 đặc vụ Israel nhảy ra khỏi chiếc xe còn lại, mở cốp và lấy ra các thùng chứa axít. Họ lôi xác Krug tới một cái hố đào sẵn, vứt xuống đó, đổ axít lên, chờ một lúc rồi chôn những gì còn sót lại. Họ đổ đầy vôi xuống hố chôn Krug, để chó nghiệp vụ và cả thú hoang không bao giờ có cơ hội ngửi thấy mùi xác chết.

Nhóm 3 đặc vụ tham gia vụ hành quyết này bao gồm chỉ huy Yitzhak Shamir, người khi ấy đang lãnh đạo đơn vị hoạt động đặc biệt của Mossad. Nhân vật thứ hai là Zvi “Peter” Malkin, đặc vụ đã tham gia bắt cóc Eichmann ở Argentina. Người cuối cùng là Yosef “Joe” Raanan, sĩ quan cao cấp của Mossad ở Đức. Cả ba người đều mất nhiều thân nhân trong cuộc tàn sát mà Eichmann điều hành.

Vụ ám sát Krug cũng cho thấy một điều: Để bảo vệ Israel và người Do Thái, Mossad sẵn sàng phá bỏ mọi giới hạn. Cơ quan tình báo này từng phá luật của nhiều nước trong quá trình tiêu diệt những đối tượng mà Israel xem là kẻ thù: Những tay súng người Israel, các nhà khoa học của Iran và thậm chí là một tay buôn vũ khí người Canada tên Gerald Bull - kẻ làm việc cho cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein cho tới khi lãnh trọn một băng đạn vào người tại Brussels, Bỉ, vào năm 1990.

Đặc vụ Mossad ở Lillehammer, Na Uy đã từng giết nhầm một bồi bàn người Morocco vì tưởng người này là kẻ chủ mưu đứng sau vụ thảm sát 11 vận động viên Do Thái tại Olympics Munich 1972. Ahmed Bouchikhi bị bắn chết vào năm 1973 khi ông vừa rời khỏi một rạp chiếu phim cùng vợ. Chính quyền Israel sau đó đã trả tiền bồi thường cho vợ Bouchikhi, nhưng không thừa nhận đã làm sai điều gì. Điệp vụ giết nhầm này đã trì hoãn các vụ ám sát khác của Mossad, nhưng không chấm dứt chúng.

Để có thể tới được những nơi ít ai ngờ trong các điệp vụ tưởng bất khả thi như thế, Mossad đôi khi phải làm việc với những đối tác khó nuốt. Nhưng kể cả phải khiêu vũ với quỷ dữ để có cơ hội, họ cũng vẫn làm. Và họ đã bắt tay với Skorzeny, một người hùng của phát xít Đức, kẻ đã bị đưa vào danh sách tội phạm phải săn lùng.

Otto Skorzeny và Hitler.

Một con người khác thường

Ở đây có một câu hỏi được đặt ra: Vì sao Skorzeny lại chấp nhận làm việc với Mossad? Để trả lời được câu hỏi này, phải lần ngược lại thời gian. Skorzeny sinh tại Vienna, Áo, vào tháng 6.1908, trong một gia đình trung lưu có truyền thống quân sự. Từ khi còn trẻ, ông đã chứng tỏ mình là người gan dạ, táo bạo và tài năng. Ông giỏi bịa ra những câu chuyện không có thực, nhưng vẫn khiến người ta tin sái cổ. Đó là các đặc điểm cần thiết với một chỉ huy lực lượng đặc nhiệm trong chiến tranh.

Skorzeny gia nhập đảng Quốc xã ở Áo vào năm 1931, khi mới 23 tuổi. Ông phục vụ trong SA - lực lượng dân quân có vũ trang và đặc biệt tôn thờ Hitler. Năm 1933, Hitler trở thành Quốc trưởng và sau đó chiếm Áo vào năm 1938. Khi Hitler tung quân xâm lăng Ba Lan vào năm 1939 khiến Thế chiến 2 bùng nổ, Skorzeny rời khỏi công ty xây dựng đang ăn nên làm ra của ông để gia nhập Sư đoàn SS Panzer đặc biệt tinh nhuệ, chuyên thực hiện nhiệm vụ bảo vệ riêng cho Hitler.

Skorzeny, trong một cuốn hồi ký viết sau chiến tranh, đã kể về những năm tháng hoạt động trong quân đội giống như thể đó là một chuyến du lịch không đổ máu, xuyên suốt từ Ba Lan sang Hà Lan rồi tới Pháp. Nhưng thực tế ông đã tham gia nhiều trận chiến ác liệt ở Nga, Ba Lan và không loại trừ khả năng ông đã tích cực tiêu diệt người Do Thái.

Nhiệm vụ nổi tiếng nhất của Skorzeny diễn ra vào tháng 9.1943, khi ông dẫn đầu một nhóm đặc nhiệm dùng tàu lượn xâm nhập một resort nghỉ dưỡng nằm trên núi ở Italy để giải cứu Benito Mussolini, người bạn và đồng minh của Hitler, rồi đưa ông ta tới nơi an toàn. Chính sự kiện này đã khiến Skorzeny được thăng lên thiếu tá và được trao quyền điều hành lực lượng Đặc nhiệm SS của Hitler. Chưa hết, ông còn được trao cho vinh hạnh diện kiến và trò chuyện với Hitler trong nhiều giờ, trước khi nhận lấy huân chương Hiệp sĩ thập tự sắt, phần thưởng cao quý nhất cho một quân nhân phát xít Đức.

Nhưng đây không phải là lần ghi công duy nhất của Skorzeny. Tháng 9.1944, khi Đô đốc Miklos Horthy, một đồng minh của phát xít Đức ở Hungary, sắp sửa thông qua một thỏa thuận hòa bình với Liên Xô khi thế lực của phe Trục suy giảm, ông đã lãnh đạo một đội đặc nhiệm tới Budapest để bắt cóc Horthy và thay thế chính quyền ông bằng những gương mặt cứng rắn, thân phát xít hơn. Phi vụ này đã diễn ra thành công và chính quyền kế nhiệm Horthy đã giết hàng chục nghìn người Do Thái ở Hungary.

Cũng trong năm 1944, Skorzeny tự tay lựa chọn 150 quân nhân, gồm những người nói tiếng Anh rất tốt, để tham gia một nhiệm vụ đặc biệt ở Normandy, Pháp. Trong bối cảnh quân Đồng minh đang gấp gáp tiến qua đất Pháp, ông đã cho người của mình mặc quân phục Mỹ để lừa chiếm lấy những chiếc xe tăng Mỹ rồi dùng chính chúng tấn công lính Đồng minh, gây rối loạn hàng ngũ địch.

Những chiến tích như kể ở trên khiến Skorzeny có lúc được tình báo Anh, Mỹ mệnh danh là "kẻ nguy hiểm nhất Châu Âu". Ông bị thẩm vấn, giam cầm và đưa ra xét xử khi chiến tranh kết thúc. Tuy nhiên ông chỉ phải chịu cảnh khổ khoảng 2 năm, trước khi được trả tự do vào năm 1947, trong sự kiện thu hút nhiều chú ý từ báo giới. Ông tận dụng sự nổi tiếng của mình để viết nhiều cuốn hồi ký, nói về quan hệ với nhiều lãnh đạo chính quyền phát xít nổi tiếng khát máu.

Tuy nhiên Skorzeny không nói nhiều về việc vì sao hệ thống tòa án quân sự Mỹ lại tha bổng cho ông, bất chấp việc đã đối mặt với nhiều cáo buộc tại tòa án Nuremberg. Tuy nhiên chắc chắn đã có những thỏa thuận nhất định, với sự can thiệp từ phía OSS, cơ quan tình báo tiền thân của CIA - Mỹ - để ông được sống yên ổn tại Tây Ban Nha, khi ấy nằm dưới sự cai trị của nhà độc tài Francisco Franco. Trong những năm tiếp theo, Skorzeny làm công việc tư vấn cho Tổng thống Juan Peron của Argentina và chính quyền Ai Cập. Chính thời gian này, ông đã kết bạn với các quan chức Ai Cập đang điều hành chương trình tên lửa, dưới sự giúp sức của nhiều khoa học gia người Đức.

Tại Israel, một đội Mossad bắt đầu lên kế hoạch tìm và giết Skorzeny. Nhưng lãnh đạo Mossad Isser Harel có một kế hoạch táo bạo hơn: Thay vì giết, phải để Skorzeny sập bẫy. Từ lâu Mossad đã hiểu rằng để đưa các nhà khoa học Đức vào tầm ngắm, họ cần một kẻ tay trong. Cụ thể hơn, Mossad cần một cựu thành viên của phát xít Đức giúp đỡ.

Một thỏa thuận giúp bảo toàn mạng sống

Sau những nỗi đau đã trải qua, rất khó để người Israel tìm ra một gã phát xít họ có thể tin tưởng. Nhiệm vụ này được giao cho Yosef "Joe" Raanan, một người Do Thái sinh ra tại Áo và may mắn thoát khỏi thảm họa diệt chủng. Ông được lãnh đạo Harel của Mossad lựa chọn trong năm 1957 và vài năm sau thì được đưa tới Đức để điều hành hoạt động của lực lượng này tại đây. Chính Raanan là người đã lên kế hoạch đưa Skorzeny vào tròng.

Đội do thám của ông từ Đức tới Tây Ban Nha thu thập thông tin đã theo dõi Skorzeny, ngôi nhà của ông này, nơi làm và lịch hoạt động thường nhật. Đội do thám có một cô gái người Đức trong độ tuổi 20 chuyên làm các công việc hậu cần và khi cần có thể hóa thân thành bạn gái của một điệp viên Mossad. Báo cáo nội bộ của Mossad gọi cô là Anke, một người phụ nữ xinh đẹp và gợi tình - rất hợp với nhiệm vụ sắp tới.

Trong một đêm đầu năm 1962, Skorzeny tới một quán bar xa xỉ tại Madrid cùng người vợ trẻ Ilse von Finckenstein. Họ đang uống cocktail khi người bán bar giới thiệu họ với một đôi nói tiếng Đức cũng uống rượu ngay cạnh. Đó là 2 du khách người Đức - với người đàn ông trong độ tuổi 40 và cô gái chỉ khoảng 20 tuổi - mới bị cướp hết tiền bạc và giấy tờ tùy thân nên vào quán bar cho hoàn hồn.

Hai đôi càng uống càng thấy hợp nhau. Họ tán tỉnh lẫn nhau và chẳng mấy chốc, vợ Skorzeny mời đôi kia về ở tạm nhà mình, trong lúc tìm cách giải quyết hậu quả của vụ cướp. Khi họ về tới nhà, bầu không khí thấm đẫm nhục dục tiếp tục dâng cao. Nhưng khi tới điểm cao trào, lúc mà các màn tán tỉnh lẫn nhau đi tới cái kết thường thấy, Skorzeny bất ngờ rút súng chĩa thẳng vào đôi nam nữ rồi tuyên bố: "Tao biết chúng mày là ai và vì sao chúng mày tới đây. Chúng mày là Mossad và tới đây để giết tao".

Đôi nam nữ kia, gồm đặc vụ Mossad và Anke, không mảy may kinh sợ. Họ điềm tĩnh trả lời rằng đúng mình là người của Mossad, nhưng không muốn giết và muốn hợp tác với ông. Đổi lấy việc hợp tác, Skorzeny sẽ có tiền.

Skorzeny bèn trả lời rằng mình không cần tiền mà chỉ cần được đưa ra khỏi danh sách của Simon Wiesenthal - chuyên gia săn lùng tội phạm chiến tranh đã đưa Skorzeny vào bảng đen. Ông ta muốn được bảo hiểm mạng sống.

Sau khi đôi bên thỏa thuận hợp tác, bước tiếp theo là đưa Skorzeny tới Tel Aviv, nơi ông ta được gặp trực tiếp Harel. Skorzeny trải qua nhiều cuộc thẩm vấn và giáo dục, khiến ông ta thấy hối hận trước các tội ác mình đã gây ra. Rồi ông ta bắt đầu thực hiện nhiệm vụ. Theo yêu cầu của phía Israel, Skorzeny bay tới Ai Cập và lên một danh sách các nhà khoa học Đức đang tham gia chế tên lửa ở đây, cùng địa chỉ của họ.

Skorzeny còn cung cấp tên của nhiều công ty bình phong tại Châu Âu đang mua sắm và chuyển thiết bị cần thiết phục vụ chương trình tên lửa của Ai Cập. Ông luôn khiến tình báo Israel bất ngờ về mức độ hợp tác của mình. Đơn cử như trong một chuyến đi tới Ai Cập, Skorzeny đã tranh thủ gửi bom thư tới cho các mục tiêu quan trọng. Một quả bom thư sau đó đã phát nổ và giết chết 5 người Ai Cập tại nhà máy số 333, nơi nhiều nhà khoa học Đức đang làm việc.

Chiến dịch hăm dọa rốt cục đã kết thúc thành công, với đa số khoa học gia Đức chạy khỏi Ai Cập vì sợ hãi. Tuy nhiên Israel chỉ dừng hoạt động bạo lực và đe dọa, sau khi một đội đặc vụ bị bắt ở Thụy Sĩ lúc đang hăm dọa gia đình một nhà khoa học làm việc cho Ai Cập. Một thẩm phán Thụy Sĩ thông cảm với nỗi lo âu của Israel trước mối đe dọa từ Ai Cập nên đã tha bổng cho các đặc vụ.

Nhưng Thủ tướng Israel David Ben-Gurion thấy rằng các hoạt động săn lùng và ám sát mà Mossad thực hiện ngoài kia đang phá hoại hình ảnh của Israel nên đã ra lệnh chấm dứt. Harel phản đối bằng cách đệ đơn từ chức và không khỏi choáng váng khi Ben-Gurion chấp thuận. Viên sếp mới của Mossad, tướng Meir Amit, đã đưa tổ chức này ra khỏi con đường bạo lực trước đây.

Cho tới cuối đời, Skorzeny không bao giờ giải thích vì sao ông lại giúp đỡ Israel. Đúng là nhờ sự hợp tác này mà ông đã không bị Mossad giết. Nhưng rất có thể ông làm thế chỉ vì máu phiêu lưu chảy mạnh trong người và sự phấn khích khi làm việc bí mật với các điệp viên thú vị.

Cũng không loại trừ khả năng Skorzeny ăn năn và hối lỗi. Dù các nhà phân tích tâm lý của Mossad còn nghi ngờ, nhưng có thể Skorzeny thực sự cảm thấy hối tiếc vì những gì ông ta đã làm trong thời chiến tranh.

Dù sao thì Skorzeny đã mang tất cả các bí mật xuống mồ. Ông ta chết vì ung thư, ở tuổi 67, tại Madrid vào năm 1975. Trong số những nhân vật hiện diện tại đám tang có Joe Raanan, người khi ấy đã trở thành một doanh nhân thành công.

Mossad không cử Raanan tới đám tang Skorzeny. Ông đã tự bỏ tiền túi phục vụ chuyến đi. Raanan muốn có mặt ở đó để thể vĩnh biệt một chiến binh tới từ nước Áo giống mình, và từ một chỉ huy tới điệp viên giỏi nhất dưới trướng của ông, nhưng cũng bị nhiều người căm ghét nhất.

hương giang (tổng hợp)

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-gioi/cau-chuyen-ky-la-ve-mot-cuu-si-quan-duc-quoc-xa-tro-thanh-sat-thu-cua-tinh-bao-israel-640456.ldo