Câu chuyện kỷ luật: Cái ôm bất ngờ!

Sáng chủ nhật, sau khi xới đất, nhổ cỏ trong bồn hoa trước cửa nhà trung đội theo sự phân công của đồng chí tiểu đội trưởng, Binh nhì Hòa chạy ra sân bóng đá và xin được chơi cùng các anh chiến sĩ năm thứ hai.

Vốn tập bóng đá khá bài bản từ bé nên Hòa đá rất hay, chỉ trong khoảng 15 phút đã ghi được hai bàn thắng. Đặc biệt, Binh nhì Hòa rê dắt bóng nhanh và lắt léo khiến nhiều anh ở đội bạn không theo kịp, thậm chí bị lỡ nhịp, ngã kềnh.

Nhìn Binh nhì Hòa "biểu diễn nghệ thuật túc cầu", nhiều chiến sĩ cả trong và ngoài sân trầm trồ khen ngợi.

Nhưng rồi, sau lúc Hòa liên tiếp rê bóng qua 4 cầu thủ trước khung thành để ghi bàn thắng thứ 3 thì một cầu thủ gọi Hòa lại, nói to:

- Chú mày có biết đang đá bóng với những ai không? Lính mới tò te mà đá rất ngông nghênh, khoe tài. Anh cho chú nợ một cái bạt tai cảnh cáo đấy! Chú đừng cậy đá bóng giỏi mà coi thường các anh!

Bị mắng bất ngờ, Hòa sững sờ vài giây, rồi xin lỗi và xin thôi không đá nữa.

Vừa thấy chàng binh nhất nặng lời với chiến sĩ mới như vậy là sai, là ứng xử chưa đẹp, vừa tiếc vì không được tiếp tục xem những đường bóng, bàn thắng đẹp của Hòa, tất cả cầu thủ và khán giả đều bảo chàng binh nhất không nên trách mắng đàn em vô lý, vì chơi thể thao phải thoải mái, hết mình thì mới vui.

Binh nhất nhận ra mình ứng xử không phù hợp nên đã đến vỗ vai xin lỗi "ngôi sao bóng đá trẻ" của đơn vị. Lúc này, Binh nhì Hòa cũng nhận ra việc mình đá kiểu khoe tài, không nhường nhịn ai ngay từ lúc mới về đơn vị thì cũng không tế nhị chút nào. Hòa chủ động bắt tay anh binh nhất thật chặt và nói rất chân thành: "Mong anh thông cảm nhé. Em sẽ rút kinh nghiệm để tránh bị hiểu nhầm là mắc "bệnh ngôi sao", xem thường người khác.

Thế rồi, hai chiến sĩ bất ngờ ôm nhau trong tiếng vỗ tay của anh em cùng đơn vị. Từ đó, họ trở thành "cặp đôi" thân thiết.

Tôi kể chuyện này với mong muốn gửi tới các chiến sĩ cả mới và cũ một thông điệp về việc ứng xử sao cho phù hợp, luôn tôn trọng nhau và thực sự chân thành. Là đàn anh càng phải sống đẹp, vị tha và không chấp nhặt các em. Là đàn em thì càng phải khiêm tốn, tôn trọng những người đi trước. Nếu xảy ra tình huống bất hòa thì cả hai bên đều phải kiềm chế, lắng nghe, nghiêm túc xem lại thái độ, ứng xử của bản thân theo phương châm người xưa đã dạy "tiên trách kỷ, hậu trách nhân" để chân thành nhận lỗi, hòa giải.

Trong câu chuyện trên, cả hai chiến sĩ ban đầu đều thiếu sự tinh tế. Thế nhưng họ đã biết kiềm chế, nhanh chóng nhận ra lỗi của mình và cùng nghiêm túc, chân thành rút kinh nghiệm. Nếu không thì có thể sẽ xảy ra mất đoàn kết, dẫn đến vi phạm kỷ luật.

ĐỒNG ĐỘI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/cau-chuyen-ky-luat-cai-om-bat-ngo-718554